Phong trào Kế hoạch nhỏ ra đời từ năm 1958 với ý nghĩa khi giúp học sinh sử dụng vật chất tiết kiệm, hiệu quả, phân loại, tái sử dụng rác, bảo vệ môi trường và biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều phụ huynh phản đối vì phong trào Kế hoạch nhỏ không còn phù hợp và đang bị méo mó, biến tướng.
Chị Tô Hồng Phương, phụ huynh có 2 con học tiểu học ở Hà Nội nêu quan điểm: "Tôi kịch liệt phản đối phong trào Kế hoạch nhỏ và không hiểu sao nhiều năm phụ huynh phản ánh, báo chí đăng tải nhiều nhưng các trường vẫn chưa dẹp phong trào này đi".
Chị Phương cho hay: "Nhà tôi chỉ có 1 phòng ngủ, diện tích vỏn vẹn hơn 30m2, chỗ đi lại còn chật chội lấy đâu ra chỗ để thùng xốp tích trữ giấy vụn, chai lọ mà tái chế như các chuyên gia giáo dục nói.
Tôi luôn dạy con phải ngăn nắp, gọn gàng, sử dụng tiết kiệm nhưng không có nghĩa trong nhà tôi phải tích giấy vụn cả năm để cho con đóng phong trào Kế hoạch nhỏ. Ở nhà chúng tôi vẫn dạy con phân loại rác và để những loại có thể bán được riêng vào một góc cho cô lao công. Tại sao cứ phải mang giấy vụn lên trường mới là dạy con".
Đồng quan điểm, chị Hoàng Bích Thủy, một phụ huynh ở quận Đống Đa, Hà Nội cũng mong bỏ ngay phong trào này vì chỉ mang tính hình thức. "Nếu là tự nguyện thì nhà trường tự cho các con mang bao nhiêu đến thì mang. Đằng này nhà trường yêu cầu mỗi em phải mang ít nhất 2kg giấy vụn đến trường.
Ở cơ quan tôi đang yêu cầu hạn chế sử dụng giấy để bảo vệ môi trường. Tôi vô cùng tán thành vì thời đại 4.0 dùng internet là có đầy đủ mọi thông tin. Bây giờ nhà trường yêu cầu, tôi không biết kiếm ở đâu ra đành đi mua cho 2 con 5kg giấy vụn để đóng cho đủ, nếu không lại bị nêu tên trong nhóm lớp.
Ngày xưa học ở quê, tôi đã ám ảnh về việc mang đuôi chuột đem cho trường, giờ lại phải đi mua 5kg giấy vụn để cho con nộp bán giấy vụn gây quỹ. Quá là bệnh thành tích".
"Để học sinh mang giấy vụn đến trường vô cùng nguy hiểm"
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Nguyễn Quỳnh Hương, một phụ huynh khác có con học lớp 2 ở Hà Nội cũng bày tỏ đã thiệt hại một chiếc điện thoại với phong trào Kế hoạch nhỏ.
"Nghe cô giáo thông báo trong nhóm lớp phải nộp giấy vụn nên tôi gom hết từ giấy vụn trong nhà cho đến đi xin sách báo cũ. Sau 1 vòng đi đến các nhà quen xin giấy thì con tôi cũng đã được số lượng kha khá. Tuy nhiên, xe máy phải dừng trước cổng trường. Tôi lại hì hục vác mấy cân giấy vụn vào trong nộp cho cô giáo. Kết quả là điện thoại của tôi bị vỡ màn hình trong lúc mang vác, giấy đè vào túi để điện thoại", chị Hương chia sẻ
Anh Nguyễn Thành Nam, một phụ huynh có con học tiểu học ở TP.HCM thì chụp một bức ảnh và gửi lời cảnh báo tới các phụ huynh khác hãy cẩn thận khi đèo con mang theo giấy vụn. Chia sẻ với PV báo Dân Việt, anh Nam cho hay: "Tôi không hiểu sao lại bắt học sinh đem giấy vụn, ve chai đến trường. Các em đi ngoài đường vô cùng nguy hiểm".
Anh Nam là một trong những phụ huynh phản đối quyết liệt với phong trào Kế hoạch nhỏ: "Tôi không ủng hộ những phong trào mang tính hình thức, nặng đối phó và không phù hợp với thực tế. Con tôi đi học cũng thấy cô giáo thông báo nộp giấy vụn. Tôi trao đổi thẳng với cô luôn là cách này không phù hợp nên xin phép cho con tôi không tham gia. Nhà tôi không có trữ ve chai hay rác ở nhà với số lượng nhiều như vậy. Tôi cần nhà trường phát động phong trào nào đó ý nghĩa, thiết thực hơn", anh Nam cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.