Xuân vui hơn trên đất Hà Tĩnh: Những "trái ngọt" từ vốn vay ưu đãi
Xuân vui hơn trên đất Hà Tĩnh: Những "trái ngọt" từ vốn vay ưu đãi
Tuấn Anh
Thứ sáu, ngày 28/01/2022 19:20 PM (GMT+7)
Khắp các thôn quê của tỉnh Hà Tĩnh ngày ngày lại có thêm những đổi mới. Vườn và rừng mở rộng diện tích, xanh hơn; nhà cửa kiên cố nhiều hơn, đường đi rộng rãi hơn, cuộc sống người dân thêm phần no ấm…
Thành quả đó có sự đóng góp của nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).
Tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động
Năm 2021, nguồn vốn cho vay của chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần tạo việc làm cho 13.347 lao động; giúp người dân xây dựng mới, cải tạo và sửa chữa 179 căn nhà. Vốn vay ưu đãi còn dung để xây dựng và sửa chữa 14.005 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho 984 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, giúp 7 doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho 997 lượt người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19…
Cùng phóng viên đi một vòng quanh xã Sơn Bằng - một xã khó khăn của huyện Hương Sơn, anh Cù Hoàng Hoàn - cán bộ tín dụng được giao phụ trách xã, chia sẻ: "Trước kia bà con tại các thôn làng chỉ biết sống dựa vào rừng núi, kinh tế mang tính tự cấp tự túc nên nghèo khó cứ đeo bám chân người dân nơi đây. Từ khi Ngân hàng CSXH cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, bà con đã có vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới".
Chủ tịch UBND xã Sơn Bằng Phạm Kim Tuyến cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước và Ngân hàng CSXH, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại xã đã có được nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Nhờ nguồn vốn cho vay ưu đãi mà nhiều hộ dân có điều kiện đầu tư mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. "Hiện, tổng dư nợ tín dụng ưu đãi trên địa bàn xã Sơn Bằng đạt hơn 12 tỷ đồng. Nếu không được sự hỗ trợ của vốn vay chính sách, không biết tới bao giờ các hộ dân nghèo mới có thể phát triển được" - ông Tuyến chia sẻ.
Đến thăm các mô hình sử dụng vốn vay hiệu quả, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) thôn Trung Bằng Đào Anh Tuấn tâm sự: "Tôi làm Tổ trưởng Tổ TKVV đã hơn 10 năm. Hiện tại, trong tổ có 43 tổ viên, dư nợ đạt 1,750 tỷ đồng. Những năm trước đây, bà con trong thôn vay vốn Ngân hàng CSXH rất ít, vì vay được vốn rồi bà con cũng không biết đầu tư trồng cây gì, nuôi còn gì để mang lại thu nhập. Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn cùng cán bộ xã, Tổ trưởng Tổ TKVV phải tới từng nhà động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tuyên truyền về ý nghĩa của vốn vay chính sách, sau đó ngày càng có nhiều hộ vay vốn".
Ông Tuấn cho biết thêm: "Đối với nguồn vồn từ Ngân hàng CSXH, căn cứ vào nhu cầu đầu tư của bà con và mục đích xin vay, Tổ TKVV sẽ tổ chức họp và bình xét một cách công khai, dân chủ, đồng thời thu thập ý kiến, nguyện vọng của dân để ưu tiên hỗ trợ theo nhu cầu thiết thực của họ. Rất nhiều hộ đã thoát nghèo từ vốn vay Ngân hàng CSXH".
Giúp hộ nghèo vươn lên
Ông Thái Văn Hạnh (ở thôn Hoa Thắng, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh), là một trong những hộ thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi. Năm 2019, ông vay vốn Ngân hàng CSXH 70 triệu đồng để mua 2 con bò về nuôi. Nhờ chịu khó chăn nuôi, chăm sóc, đàn bò của ông phát triển tốt.
Cùng với việc đầu tư chăn nuôi ông Hạnh còn làm thêm nghề thợ xây, vợ ông làm thêm nghề phụ cũng có đồng ra đồng vào. Khi kinh tế gia đình bớt khó khăn, ông đã hoàn trả vốn cho ngân hàng. Năm 2021, gia đình ông thoát khỏi danh sách hộ nghèo, ông lại tiếp tục vay 40 triệu đồng vốn chương trình hộ cận nghèo của Ngân hàng CSXH, đầu tư mua thêm 7 con trâu, bò.
Ông Thái Văn Hạnh chia sẻ: "Nguồn vốn ưu đãi đã tiếp sức cho gia đình tôi vượt qua khó khăn. Có vốn đầu tư vào chăn nuôi, từ nay tôi chỉ tập trung chăm sóc đàn gia súc để sớm thu hồi vốn và có tiền trả nợ ngân hàng.
Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đạt trên 5.197 tỷ đồng với 105.217 hộ còn dư nợ. Có 128/216 xã không có nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ 53,3% tổng số xã trên địa bàn. Đặc biệt, sau 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư (về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội), UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã chuyển nguồn vốn ngân sách sang Ngân hàng CSXH 157,237 tỷ đồng, tăng 118 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.