Ý đồ của Mỹ khi bán vũ khí có thể tấn công Trung Quốc cho Đài Loan?

Đăng Nguyễn - SCMP Chủ nhật, ngày 25/10/2020 05:55 AM (GMT+7)
Những vũ khí tấn công mà Mỹ mới duyệt bán cho Đài Loan giúp hòn đảo có thể tấn công các mục tiêu Trung Quốc ở vùng ven biển và lần đầu tiên sau 4 thập kỷ, những loại vũ khí như vậy được Mỹ bán cho Đài Loan.
Bình luận 0

img

Pháo phản lực HIMARS vừa có thể vừa phóng rocket, vừa phóng tên lửa chiến thuật.

Các chuyên gia quân sự nói đơn hàng vũ khí trên cho thấy Mỹ đã chủ ý giúp Đài Loan đối phó hỏa lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc, theo SCMP. Bắc Kinh coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời, nếu cần sẽ phải thu hồi bằng vũ lực.

Đây là lô vũ khí thứ 8 Mỹ đồng ý bán cho Đài Loan trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Đài Loan đã gửi thông điệp đón chào quyết định duyệt bán của Mỹ.

Lô vũ khí trị giá 1,8 tỉ USD bao gồm 135 tên lửa hành trình AGM-84H, tầm bắn lên tới 270km và 11 tổ hợp pháo phản lực phóng loạt, tích hợp 64 tên lửa chiến thuật, tầm bắn 300km. Bên cạnh đó, các cảm biến gắn ngoài trang bị cho chiến đấu cơ F-16 giúp Đài Loan nâng cao năng lực chiến đấu trên không.

“Đây là bước đột phá trong các loại vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan”, Mei Fu-hsing, giám đốc Trung Tâm Phân tích An ninh Đài Loan ở New York, Mỹ, nói. Ông Mei nói đây là dấu hiệu Mỹ thay đổi chính sách truyền thống, chỉ bán vũ khí phòng thủ cho Đài Loan.

“Nhiều chuyên gia ở Đài Loan có thể nhận thấy sự xuất hiện của tổ hợp pháo phản lực HIMARS, trang bị tên lửa chiến thuật nặng 227kg, tầm bắn 300km là rất ấn tượng”, ông Mei nói.

Còn với tên lửa AGM-84H SLAM-ER, tên lửa phóng từ chiến đấu cơ này tấn công được cả mục tiêu trên biển và trên đất liền, tầm bắn xa đáng kể và lại cực kỳ chính xác, ông Mei nói.

img

Chiến đấu cơ F/A-18 Hornet trang bị tên lửa SLAM-ER (phía trên).

Alexander Huang Chieh-cheng, giáo sư nghiên cứu quan hệ chiến lược quốc tế tại Đại học Tamkang ở Đài Loan, nói Đài Loan là đối tác đầu tiên của Mỹ được trang bị tên lửa SLAM-ER trên chiến đấu cơ F-16V.

Đây là vũ khí tấn công giá trị đầu tiên mà Mỹ bán cho Đài Loan kể từ năm 1979. “Nhưng Đài Loan chỉ sở hữu có giới hạn các tên lửa này, nghĩa là phù hợp với mục đích răn đe nhiều hơn là chuẩn bị cho xung đột thực sự”, ông

Các chuyên gia cho rằng, Mỹ bán cho Đài Loan những vũ khí trên là có lý do cụ thể. “Trung Quốc sẽ không ngừng nâng cao năng lực đổ bộ trong tương lai, đe dọa trực tiếp đến Đài Loan”, Chieh Chung, nhà nghiên cứu tại Quỹ chính sách quốc gia, nói. “Với những vũ khí trên, Đài Loan có thêm phương án đáp trả Trung Quốc”.

Chuyên gia Huang nói “thương vụ trên là dấu hiệu Mỹ rất quan ngại về cán cân quân sự ngày càng chênh lệch giữa hai bờ eo biển”.

Hôm 22.10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích quyết định bán vũ khí tấn công của Mỹ cho Đài Loan. Ông Kiên nói hành động này “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một Trung Quốc và ba thông cáo chung” mà Mỹ đồng thuận với Trung Quốc.

“Hành động này không chỉ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc, mà còn gửi thông điệp sai lầm đến phe chủ trương ly khai ở Đài Loan”, ông Triệu nói.

Ji Ye, phó giáo sư nghiên cứu về Đài Loan tại Đại học Kim Môn, nói Trung Quốc coi Mỹ là rào cản lớn nhất trong kế hoạch thống nhất Đài Loan. “Tình hình trong thời gian sẽ rất căng thẳng, sự xuất hiện của các vũ khí mới nghĩa là Trung Quốc sẽ phải mất nhiều công sức hơn nữa để có thể thu hồi Đài Loan”, ông Ji nhận định.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem