1 năm chưa giải quyết xong vụ tàu cá nằm bờ 2 năm: Ngư dân thiệt

Nam Cường - Trương Hồng Thứ bảy, ngày 08/07/2017 06:50 AM (GMT+7)
Vụ kiện tụng giữa ngư dân Quảng Nam với hai đơn vị là Công ty CP đóng tàu Bảo Duy (Đà Nẵng) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (Hà Nội) sau hơn 1 năm với nhiều lần hòa giải vẫn chưa đi đến thống nhất trách nhiệm, việc khắc phục. Hai doanh nghiệp đều cho rằng mình đúng, rốt cuộc chỉ ngư dân khổ.
Bình luận 0

Liên Á và Bảo Duy: Không ai sai?

Sau khi Báo NTNN đăng bài phản ánh việc con tàu vỏ sắt đang nằm bờ 2 năm của ông Trần Văn Liên (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cùng lùm xùm giữa Công ty Bảo Duy, ngư dân và Công ty Liên Á, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các đơn vị xung quanh vấn đề này. Điều đáng nói, không ai thừa nhận sai hay nhận trách nhiệm của mình.

img

Ông Trần Văn Liên và giấy tờ liên quan đến máy móc con tàu.  Ảnh: N.C

Cũng theo ngư dân Trần Văn Liên, việc tàu nằm bờ 2 năm qua, không hoạt động được đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng, trong đó có tiền trả tiền công vay cho lao động đi tàu, tiền vay ngân hàng, tiền lãi suất... Việc tàu nằm bờ khiến cuộc sống gia đình ông vào đường cùng, phải đi làm thuê cho người khác để kiếm sống.
 

Ông Nguyễn Quang Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy khẳng định: “Chúng tôi chỉ hợp đồng đóng thân vỏ tàu cho ông Liên, riêng phần máy ông Liên tự mua thông qua hợp đồng với Công ty Liên Á nên ông Liên không thể đổ lỗi cho Bảo Duy chịu trách nhiệm về việc hư hỏng”.

Theo ông Kỳ, trong các giấy tờ, văn bản trình tòa án, có thể thấy sự việc đêm chạy thử 29.3.3016 xảy ra sự cố cũng có mặt ông Liên trên tàu, nên ông Liên không thể đổ lỗi cho Bảo Duy tự ý chạy tàu.

“Theo thông tin Bảo Duy được biết, việc chạy thử đêm 29.3 không có đại diện Liên Á là do Liên Á yêu cầu ông Liên phải trả tiền ăn ở cho kỹ thuật Tô Ngọc Tiếp nhưng ông Liên không đồng ý. Vì theo hợp đồng giữa Liên Á và ông Liên, tiền ăn ở này Liên Á phải chịu. Do không thống nhất được, ông Tiếp đã bỏ về, việc vắng mặt ông Tiếp và để xảy ra sự cố là quan hệ giữa ông Liên và Liên Á, ông Liên không thể đổ trách nhiệm cho Bảo Duy vì ông Liên có mặt trên tàu và quyết định chạy tàu khi không có Liên Á” – ông Kỳ nói.

Cũng theo vị lãnh đạo Công ty Bảo Duy, biên bản họp ngày 26.5.2016, Liên Á đánh giá máy hỏng 4 bộ phận trục cơ, tay biên máy 1, xylanh máy 1 và bầu lọc dầu bôi trơn, nhưng không phát hiện vỏ máy bị nứt. Liên Á đề xuất mua phụ tùng thay thế, Bảo Duy đã thể hiện thành ý đóng góp 600 triệu đồng, Ban thực hiện Nghị định 67 tỉnh Quảng Nam kêu gọi thêm 100 triệu đồng giúp ông Liên mua phụ tùng. Tuy nhiên, phụ tùng thay xong máy vẫn hỏng do Liên Á không phát hiện máy nứt như đã nêu.

Sau đó, các bên thông nhất mời Công ty CP Giám định Thái Dương vào cuộc, và đơn vị này đã kết luận máy hỏng do lỗi chế tạo và lỗi của nhà sản xuất. Kết quả đã rõ nhưng từ đó đến nay Liên Á vẫn bất hợp tác.

Phủ nhận những cáo buộc của Công ty Bảo Duy, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Liên Á cho rằng, mặc dù là đơn vị cung cấp máy, nhưng Liên Á hoàn toàn không có lỗi trong sự cố hỏng máy của tàu sắt. “Trước sự cố đêm 29.3.2016, chúng tôi đã 2 lần cử kỹ thuật vào kiểm tra việc hoàn tất lắp máy, có chạy thử và đã được ông Liên cũng như Bảo Duy chấp nhận. Sự cố đêm 29.3 máy bị hỏng lại không có nhân viên kỹ thuật của chúng tôi, vậy không thể nói rằng máy hỏng là do Liên Á”.

Theo ông Hùng, ông Liên và Công ty Bảo Duy tự ý vận hành hệ thống máy đẩy thủy đồng bộ để xảy ra sự cố đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho uy tín, kinh tế của Liên Á. “Mọi việc bây giờ để tòa án giải quyết” – ông Hùng khẳng định.

Ngư dân thiệt!

img

Tàu của ông Liên nằm bờ 2 năm, khiến gia đình thiệt hại lớn về kinh tế.  Ảnh: N.C

Trao đổi với phóng viên, ngư dân Trần Văn Liên - chủ tàu sắt QNa-94679TS trị giá 16 tỷ đồng đã gần 2 năm nay nằm tại bờ biển Thọ Quang (TP.Đà Nẵng) vẫn khẳng định Doanh nghiệp Bảo Duy tự ý thuê tài công cho tàu chạy thử chứ không được sự đồng ý của ông Liên và kỹ thuật máy.

Vì sao 2 lần thử máy vào ngày 26 và 28.3.2016 đều có mặt kỹ sư của Liên Á và lúc này máy vẫn chạy bình thường? Ngư dân Liên nói: Thật sự lúc đó là máy chạy bình thường nhưng là chạy đường ngắn nằm trong khu vực cảng. Đến tối 29.3.2016, khi Công ty Bảo Duy đưa tàu ra biển để chuẩn bị thử đường dài thì lúc tàu bị hỏng máy. Thừa nhận tối 29.3.2016, khi chạy thử tàu trên biển, không có nhân viên kỹ thuật bên Liên Á, nhưng ông Liên cho rằng phía Bảo Duy tự ý thuê tài công cho chạy thử tàu, khi tàu rời khỏi cầu  cảng Thọ Quang khoảng 30m thì bị sự cố hỏng máy.

“Tôi khẳng định, bên Công ty Bảo Duy nôn nóng sớm cho xong tàu để bàn giao còn đóng chiếc khác, nên mới xảy ra sự cố trên. Còn nguyên tắc, nếu xong tàu anh phải  bàn giao chìa khóa cho tôi thì lúc đó mới nói đến chuyện bàn giao được, còn đằng này chìa khóa họ giữ, họ tự cho tàu chạy thử chứ tôi có chạy thử đâu. Tôi đã nói thẳng trước tòa là bên Bảo Duy tự ý phá máy, tôi sẽ theo đến cùng ra tòa với hai doanh nghiệp để đòi cho được quyền lợi…” - ngư dân Liên bức xúc. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem