Tháng cao điểm kiểm tra nồng độ cồn của Công an TP.HCM kết quả ra sao?

Quang Dương Thứ năm, ngày 21/12/2023 18:25 PM (GMT+7)
Trong cao điểm từ 16/11-15/12/2023 công an thành phố đã thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý 2.256 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Bình luận 0

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ chiều 21/12, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, trong cao điểm từ 16/11-15/12/2023 công an thành phố đã thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý 2.256 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 1.095 trường hợp (94%).

Tháng cao điểm kiểm tra nồng độ cồn của Công an TP.HCM kết quả ra sao?- Ảnh 1.

1 tháng cao điểm kiểm tra nồng độ cồn của Công an TP.HCM có 2.256 trường hợp vi phạm. Ảnh: N.T

Về tình hình tai nạn giao thông (TNGT), ông Hà cho biết từ 16/11-15/12/2023, Công an TP.HCM ghi nhận 180 vụ TNGT, làm 40 người chết và 131 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng vụ TNGT tăng 8 vụ, số lượng người chết giảm 10 người.

Lý giải về việc trường hợp vi phạm nồng độ cồn tăng 94% so với cùng kỳ, ông Hà cho biết đây là thời điểm công an thành phố mở cao điểm xử lý nồng độ cồn. Trong đó, tăng cường các tổ công tác; tăng cường trang thiết bị cho công an quận, huyện xử lý vi phạm nồng độ cồn. Công an TP.HCM thực hiện kiểm tra triệt để, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, do đó ghi nhận số lượng người vi phạm cao.

Ông Hà nhận định, trong thời gian đầu triển khai cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, ghi nhận số lượng người vi phạm tăng cao. Tuy nhiên càng về sau, số lượng người vi phạm đã giảm dần do người dân đã ý thức, chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật.

Tại buổi họp báo lần trước (ngày 14/12), Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, hiện nay công tác kiểm tra nồng độ cồn tại TP.HCM triển khai theo 2 bước. Bước đầu tiên sử dụng phương pháp kiểm tra định tính. Bằng phương pháp này, CSGT dùng phễu để xác định người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong hơi thở hay không.

Khi dừng kiểm tra phương tiện, người điều khiển phương tiện thổi một hơi thở định tính, tốn khoảng 3-5 giây vào phễu. Nếu không phát hiện nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện được tiếp tục hành trình tham gia giao thông.

Trường hợp kiểm tra định tính phát hiện có nồng độ cồn, lực lượng CSGT sẽ yêu cầu người vi phạm đưa phương tiện vào khu vực xử lý. Tại đây, CSGT dùng máy đo định lượng để kiểm tra.

“Máy này dùng ống thổi, mỗi người 1 ống thổi riêng biệt. Lực lượng CSGT sẽ lấy, bóc ống thổi trong túi nylon hoặc để người vi phạm tự tay bóc ống thổi ra và cắm vào máy để thổi. Sau đó căn cứ kết quả, xác định mức độ vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định. Nếu người dân phát hiện lực lượng CSGT không thay ống thổi mới ở bước kiểm tra định lượng, có thể yêu cầu CSGT thay ống thổi khác”, ông Hà cho biết.

Như vậy, người dân có thể yêu cầu lực lượng CSGT thay ống đo nồng cồn mới tại bước kiểm tra định lượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem