10 năm đoạn trường dưới đòn roi của chồng

Minh Nguyệt Thứ năm, ngày 25/08/2016 06:05 AM (GMT+7)
3 tháng trú ngụ tại Ngôi nhà bình yên, gương mặt chị Ng.Th.Ph (Vĩnh Phúc) vẫn mang nặng ưu tư. Nhưng nhờ sự tư vấn, giúp đỡ, chị Ph và nhiều phụ nữ khác đã thoát khỏi ám ảnh, tìm cách thoát khỏi bạo lực.
Bình luận 0

Xin lỗi rồi lại đánh

Phóng viên Nông Thôn Ngày Nay gặp chị Ph vào một ngày cuối tuần tại căn phòng nhỏ tại Ngôi nhà bình yên (Trung tâm Phụ nữ và phát triển – Hội LHPN Việt Nam), nơi chị tìm đến lánh nạn sau những trận đòn roi liên tiếp của chồng.

img

Một buổi sinh hoạt của các nạn nhân tại Ngôi nhà bình yên. Ảnh: M.N

Kể từ lúc thành lập năm 2007 đến nay Phòng tham vấn, Ngôi nhà bình yên đã tiến hành tham vấn, hỗ trợ cho 4.523 ca. Trong đó, số ca về BLGĐ là 3.523 (chiếm 87%) số ca mua bán người là 520. 90% khách hàng là nữ ở độ tuổi từ 25-45 tuổi. Có đợt cao điểm, vào hè Ngôi nhà bình yên tiếp nhận, hỗ trợ  25-30 người, bao gồm cả mẹ và bé.

Chị Ph nhớ lại: “Đã 10 năm rồi, không một ngày nào tôi được yên thân. Chồng tôi cứ bực bội là lại tìm cớ đánh mắng tôi. Có lần đang nằm, tự nhiên anh ấy vào phòng tát tới tấp vào mặt tôi, đánh xong lại khóa cửa nhốt tôi trong nhà”. Chị Ph thường xuyên thâm tím mặt mày, có lần sau trận đòn khó thở không ăn uống được, phải nhập viện điều trị vì thương tổn và suy sụp. Nhưng vừa nhập viện thì chồng lại tìm đến vờ chăm sóc, xin lỗi, dụ chị về nhà để... đánh tiếp.

Sau 10 năm sống trong cảnh đọa đày, gần đây nhất trong một lần xuống Hà Nội điều trị thương tích do bị chồng đánh, chị được người quen giới thiệu để vào trú ngụ tại Ngôi nhà bình yên. Gạt đi những giọt nước mắt, chị cương quyết: “Giờ nhất định tôi sẽ không quay lại ngôi nhà đó, nhất quyết phải ly hôn. Tôi sẽ giành quyền nuôi 2 con nhỏ, đòi tài sản và bắt đầu một cuộc sống mới”.

Mặc dù rất quyết tâm, nhưng chị Ph biết, để ly hôn được với chồng trong hoàn cảnh này là điều không hề đơn giản. Bà Hà Nhật Linh - cán bộ xã hội Ngôi nhà bình yên cho biết, Ngôi nhà bình yên có những hỗ trợ dịch vụ rất đa dạng, với 9 dịch vụ cơ bản- ăn ở, trợ giúp pháp lý, tham vấn tâm lý, hỗ trợ học nghề... Thường thì sau hỗ trợ tại Ngôi nhà bình yên, các chị em sẽ được hỗ trợ hồi gia trong vòng 2 năm. “Rất nhiều chị em bị bạo lực gặp khó khăn để ly hôn bởi người chồng quá gian xảo. Thậm chí, có ca ly hôn được rồi nhưng người chồng cũ vẫn làm phiền, hoặc đe dọa gây bạo lực” –  bà Linh nói.

Không còn cam chịu

Chuyên gia Lê Thị Ngọc Bích - cán bộ tham vấn ở Ngôi nhà bình yên cũng nhận thấy có những thay đổi khác từ nhận thức của nạn nhân  bạo lực gia đình (BLGĐ). Kể từ năm 2007, khi Ngôi nhà bình yên vừa được thành lập chỉ có những nạn nhân bị BLGĐ rất nặng, khi bị đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng mới đến cầu cứu.

“Trong quãng thời gian đó, nạn nhân không ý thức được quyền, không hiểu BLGĐ là gì, còn cho rằng mình bị chồng đánh là đương nhiên” – bà Bích nói.

Theo bà Bích, mặc dù nạn nhân BLGĐ đã có những thay đổi về mặt tâm lý thì sự cảm thông, hỗ trợ của cơ quan công quyền và xã hội vẫn còn hạn chế. Có lần, đoàn tham vấn xuống làm việc với chính quyền địa phương về ca BLGĐ thì có một anh công an xã đã phản ứng bằng một câu nói rất phũ nhưng cũng rất thật: “Chúng tôi còn trăm công nghìn việc”.

Sau lần can thiệp bất thành ấy, nạn nhân Vũ Thị T (Hoài Đức, Hà Nội) quay trở về nhà, chị lại hứng chịu trận đòn roi. Có tối người chồng còn đánh, ném chị xuống ao. Sau đó, dù chồng đã đi cải tạo nhưng lúc về đâu vẫn hoàn đó, lại đánh đập chị. Sau đó chị quyết định ly hôn, cho đến giờ sau gần 10 năm chị vẫn chưa được ly hôn vì không đưa ra được bằng chứng chứng minh mình bị BLGĐ, không có kinh tế để theo đuổi vụ ly hôn.

“Rất nhiều nạn nhân cứ bị BLGĐ mãi đeo đẳng, họ mãi không thể thoát khỏi đòn roi của chồng” – bà Bích nói.

Bà Bích cũng kiến nghị: “Để hạn chế sự thờ ơ của chính quyền địa phương, về lâu dài các cơ quan chức năng, đặc biệt là cấp thôn, xã/phường cần được tập huấn hiểu và thực thi Luật Phòng chống BLGĐ một cách nghiêm túc. Kèm theo đó, thúc đẩy sự phối hợp của các cơ quan như: UBND, Hội Phụ nữ, Công an, Tòa án… trong việc hỗ trợ nạn nhân, giải quyết bạo lực, thụ lý nhanh các vụ án ly hôn có liên quan tới BLGĐ”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem