“16.000 tỷ đồng cho Biển Đông là chưa đủ”

Thứ tư, ngày 04/06/2014 08:47 AM (GMT+7)
“16.000 tỷ đồng đầu tư cho vấn đề Biển Đông là chưa đủ. Tôi đề nghị cắt phần lớn tất cả khoản chi thường xuyên không nằm trong lương và trợ cấp xã hội...” - ông Trần Du Lịch - ĐBQH đoàn TP.HCM nói với phóng viên NTNN ngày 3.6.
Bình luận 0
Khi thảo luận ở Quốc hội ngày 2.6, ông cho rằng gói đầu tư hỗ trợ, cho cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân không chỉ là 16.000 tỷ đồng mà phải hơn thế nữa, tức là có thể còn nhiều hơn?

- Những biện pháp của Chính phủ trong việc đầu tư hỗ trợ ngư dân cũng như lực lượng chấp pháp trên biển mới chỉ là biện pháp tạm thời chứ chưa phải là chính sách có tính chiến lược. Chúng ta phải tính toán xem xét đầu tư ở những việc khác, ví dụ những nhà máy bị phần tử xấu đập phá gây thiệt hại phải ngừng hoạt động, ngoài việc hỗ trợ nhà đầu tư thì việc hỗ trợ công nhân thế nào, vấn đề lao động, tăng cường an ninh ra sao... Nói tóm lại lúc này phải cần rất nhiều tiền. Còn về con số 16.000 tỷ đồng - đó là cân đối một số nguồn dư ra, nhưng quan điểm của tôi là còn nhiều nguồn cần phải cắt nữa, có thể sẽ dư thêm cả chục nghìn tỷ đồng. Có đại biểu nói có thể dư 5.000 -10.000 tỷ đồng, đó là cắt những thứ chi tiêu thường xuyên như giao tế, tiếp khách, đi nước ngoài, mua sắm xe công... Như vậy chúng ta có thể tăng 5.000 -10.000 tỷ đồng cho tài khóa năm nay để đầu tư cho những vấn đề nóng như Biển Đông mà không phải tăng bội chi, còn sang năm tới chúng ta phải tính bài bản hơn.

Tiếp theo đầu tư tiền, chúng ta phải thực hiện những gì để đạt mục tiêu mang tính chiến lược?

- Về ngư nghiệp, tôi cho rằng có hai loại đầu tư phải làm. Thứ nhất phải xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá mà chúng ta đã quy hoạch thành 5 khu, xây dựng ngay một khu ở miền Trung trước, Nhà nước phải làm. Thứ hai là xây dựng quỹ và có định chế để có thể đóng tàu thuyền cho ngư dân thuê, xây dựng gói tín dụng... Tất cả những việc đó phải tính dài hơi, tôi đề nghị Chính phủ nên tính toán những việc đó để đến kỳ họp tới đưa ra Quốc hội để bàn và quyết.

Cảnh sát biển theo dõi tàu Trung Quốc hoạt động bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam.  TTXVN
Cảnh sát biển theo dõi tàu Trung Quốc hoạt động bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. TTXVN

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng lâu nay chúng ta xây dựng nhiều chính sách thường mang tính “chữa cháy” nên không có tầm chiến lược và thiếu bền vững, quan điểm của ông thế nào?

"Chúng ta có thể tăng 5.000 -10.000 tỷ đồng cho tài khóa năm nay để đầu tư cho những vấn đề nóng như Biển Đông mà không phải tăng bội chi, còn sang năm tới chúng ta phải tính bài bản hơn”.
Ông Trần Du Lịch

- Tôi thấy đa số chính sách mang tính ứng phó là chính nên không bền vững. Về nông nghiệp, dường như ai cũng thấy rõ năng suất mía, ngô và nhiều thứ thấp hơn Trung Quốc, tại sao vậy? Đơn giản là không phải vì điều kiện tự nhiên mà vì phương thức sản xuất không áp dụng khoa học công nghệ vào được. Tại sao nhiều doanh nghiệp làm được là bởi phương thức tổ chức sản xuất của họ đưa khoa học công nghệ vào được. Về lâu dài phải thay đổi phương thức sản xuất, ví dụ ở Nghệ An lấy nông trường mà chia cho hộ nông trường viên làm thì thất bại, người ta lấy nông trường cho TH làm lại thành công.

Vấn đề lớn nữa chúng ta cứ nghĩ sản xuất nhiều lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực mà không nghĩ vấn đề đầu tư làm thức ăn chăn nuôi. Tất cả bế tắc là do chúng ta không mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất. Nếu làm nông nghiệp vẫn tư tưởng người cày có ruộng là không thể phát triển được.

Có ý kiến cho rằng Quốc hội nên ra lời kêu gọi toàn quốc đồng lòng, thi đua lao động sản xuất, vượt qua khó khăn. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông nghĩ sao?

- Tôi lại cho rằng chúng ta không nên hô khẩu hiệu theo phong trào. Biển Đông là vấn đề lớn cần sự đồng thuận của người dân. Còn vấn đề tái cơ cấu kinh tế để giải quyết vấn đề tự chủ kinh tế là chiến lược quốc gia thì không thể làm phong trào được, phải làm bài bản. Chẳng hạn tái cấu trúc nông nghiệp, Chính phủ đã đưa ra một loạt chính sách nhưng tôi thấy chưa đủ, cần bổ sung. Thứ hai là nông nghiệp phải có công nghiệp hỗ trợ đi kèm mới phát triển. Nếu không có những cái đó chúng ta không chuyển hướng tình hình kinh tế được, không thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế vào nước khác.

Xin cảm ơn ông !
Đại biểu Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh):

"Cử tri rất hoan nghênh Chính phủ đã bố trí 16.000 tỷ đồng cho các lực lượng giữ gìn và phát triển kinh tế biển. Tôi nghĩ số này vẫn là ít, nếu có thể tăng 5.000 - 10.000 tỷ đồng nữa thì mới tạm được, nhưng phải ưu tiên cho lực lượng công an- cảnh sát biển, vì họ vừa làm ở ngoài biển vừa phải giữ gìn trên đất liền”.

Đại biểu Lê Nam(đoàn Thanh Hoá):
"Đây là quyết sách rất quan trọng, nhất là trong tình hình hiện nay khi hàng ngày chúng ta đang chứng kiến khí phách của ngư dân bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chủ trương của Chính phủ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi còn rất nhiều khó khăn lại dành 16.000 tỷ đồng để tăng cường khả năng chiến đấu của cảnh sát biển, kiểm ngư, lực lượng quân đội. Tôi đề nghị cần tính toán cả lực lượng công an nhân dân".

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh):
Đây là nhiệm vụ cấp bách phải tập trung thực hiện để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Phần chính sách hỗ trợ ngư dân phải tính toán đảm bảo tính đồng bộ mới phát triển chuỗi giá trị của ngành ngư nghiệp. Cần rút kinh nghiệm từ chương trình đánh bắt xa bờ đã triển khai trước đây nhằm đem lại những lợi ích thiết thực và hiệu quả đem lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế quan trọng này.

Anh Thư (tổng hợp)


Lương Kết (thực hiện) (Lương Kết (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem