Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong lịch sử xã hội phong kiến Trung Quốc, nhắc tới các tham quan, không thể bỏ qua cái tên Hòa Thân. Khối tài sản mà Hòa Thân tham ô lớn tới mức ông ta được mệnh danh là "đệ nhất đại tham quan" của triều đại nhà Thanh.
Hòa Thân (1 tháng 7 năm 1750 - 22 tháng 2 năm 1799), còn được gọi là Hòa Khôn, tự Trí Trai, hiệu Gia Nhạc Đường, Thập Hốt Viên, Lục Dã Đình chủ nhân, là một trọng thần dưới triều vua Càn Long.
Xuất thân là một công tử Mãn Châu (Trung Quốc), gia thế nhà Hòa Thân tuy không hiển hách song cũng là gia tộc quân công. Khi còn đi học, Hòa Thân đã bộc lộ sự vượt trội hơn hẳn so với các bạn học. Năm lên 10 tuổi, ông đã bắt đầu học cách bắt chước kiểu chữ của Càn Long để sau này khi viết tấu chương có thể lấy được thiện cảm từ Hoàng đế.
Nhờ tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh, nên ông được hai thầy giáo là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang rất mực yêu mến.
Vào năm Càn Long thứ 33 (1768), Hòa Thân lấy con gái của Tổng đốc Phùng Anh Liêm làm vợ khi mới 18 tuổi. Năm 1769, ông tham dự kỳ thi khoa cử nhưng không đỗ, sau ông được thế tập thế chức "Khinh xa Đô úy". Năm Càn Long thứ 37 (1772), ông nhậm chức Tam đẳng Thị vệ sau cải thành Niêm can xứ Thị vệ.
Tuy còn trẻ nhưng Hòa Thân đã sớm có năng lực làm việc cũng như các đóng góp cho triều đình. Nhờ học thuộc Luận Ngữ, Hòa Thân đã trở thành thị vệ duy nhất có thể đàm đạo cùng Càn Long. Từ đó, Hòa Thân được Càn Long rất tín nhiệm, trọng dụng.
Năm thứ 40 (1775), Hòa Thân lần lượt nhậm Càn Thanh môn Thị vệ, Ngự tiền Thị vệ, kiêm Phó Đô thống Mãn Châu Chính Lam kỳ. Năm thứ 41 (1776), tháng giêng, ông nhậm chức Hộ bộ Thị lang. Tháng 3, ông được phép hành tẩu tại Quân cơ đại thần, một tháng sau được phong làm đại thần Tổng quản Nội vụ phủ, quản lý sự vụ Nội vụ phủ Tam kỳ Quan binh. Cùng năm, ông nhậm Phó Đô thống Mãn Châu Tương Hoàng kỳ, Quốc sử quán Tổng tài, được ban thưởng ban triều quan Nhất phẩm, cưỡi ngựa bên trong Tử Cấm Thành.
Hòa Thân bắt đầu tham ô khi được Càn Long ra lệnh điều tra vụ án tham nhũng của Đại học sĩ kiêm Tổng đốc Vân Quý là Lý Thị Nghiêu. Sau vụ án này, Hòa Thân được thăng chức lên Hộ bộ Thượng thư. Ông ta cũng lén "bỏ túi" được phân nửa tài sản của tên tham quan này.
Sau đó, Hòa Thân còn được phong Nhất đẳng Nam, năm 1788 là Bá tước trung tương, năm 1795 được vua phong là công tước, cấp bậc cao hơn cả quan nhất phẩm. Cậy có sự ưu ái của Càn Long, Hòa Thân đã làm loạn chốn quan trường. Trong những năm tháng làm quan, Hòa Thân đã vơ vét và thao túng, ăn hối lộ, tham nhũng của cải của nhà nước.
Ông ta không những nhận hối lộ mà còn công khai đòi tiền, không những tham ô ngấm ngầm mà còn tước đoạt trắng trợn. Theo quy định của triều đình nhà Thanh, các quan lại không được tham gia vào việc kinh doanh và thu lợi nhuận từ những dịch vụ như cầm đồ, buôn bán... nhưng Hòa Thân không từ món lợi nào.
Ông ta còn đút túi cả tiền thu thuế. Sử sách Trung Quốc còn ghi lại rằng vào cuối đời Càn Long, trong các cống phẩm và vật dụng các tỉnh cống nạp triều đình thì chỉ có 12% được đưa vào ngân khố, 88% còn lại "bị hút" về phủ Hòa Thân. Của cải của Hòa Thân nhiều đến mức trong dân gian có tương truyền rằng "Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có".
Mãi cho tới năm Gia Khánh thứ 4 tức năm 1799, Càn Long băng hà, chỗ dựa vững chắc của Hòa Thân đã sụp đổ, lúc này Gia Khánh cũng chẳng cần kiêng nể ông ta.
Vào ngày thông báo di chiếu của Càn Long, Gia Khánh tuyên bố miễn chức của Hòa Thân và Phúc Trường An, giao cho Hình bộ tống giam, đồng thời giao cho Thành Thân vương Vĩnh Tinh, Nghi Thân vương Vĩnh Tuyền, Ngạch phụ Lạp Vượng Đa Nhĩ Tế, Định Thân vương Miên Ân, Đại học sĩ Lưu Dung, Đổng Cáo, Binh bộ Thượng thư Khánh Quế phụ trách điều tra gia sản và thẩm vấn.
Tuy nhiên, có một chuyện bất ngờ xảy ra, khi các quan lại cùng binh lính tới khám xét nhà Hòa Thân, họ đã quay về và báo cáo không tìm được vàng bạc hay bất cứ gì chứng minh ông ta cất giấu đồ tham ô trong nhà. Gia Khánh cảm thấy rất ngạc nhiên, ai ai mà không biết Hòa Thân giàu có nhất cả nước.
Sau một đêm suy nghĩ, Gia Khánh mới phát hiện ra vấn đề. Hóa ra, Càn Long đã đồng ý cho con trai Hòa Thân là Phong Thân Ân Đức kết hôn với người con gái thứ mười rất được yêu quý của Càn Long là công chúa Cố Luân Hòa Hiếu. Thông qua cuộc hôn nhân với hoàng tộc, địa vị của gia tộc Hòa Thân càng trở nên vững chắc. Vì con trai của Hòa Thân lúc đó vẫn được coi là có quan hệ với hoàng tộc nên những vị quan lại đó không dám khám xét nhà của ông ta.
Lúc này, Gia Khánh gọi những người tham gia điều tra vụ án tham ô của Hòa Thân vào triều và nói đúng 2 từ: 彻查 (Triệt tra), ngụ ý là họ phải điều tra kỹ lưỡng. Ý tứ của vị hoàng đế này rất rõ ràng, dù Hòa Thân có phải thân thích với hoàng đế hay không thì họ vẫn phải khám xét cẩn thận. Nhờ lời này của Gia Khánh, toàn bộ tài sản của Hòa Thân lần này đều bị tịch thu.
Bản tịch biên gia sản rất dài ghi đủ các thứ vàng bạc châu báu, gấm vóc... không thể nào đếm xuể. Sau này nghe nói, số lớn của cải châu báu tịch thu được đều được Gia Khánh Đế cho người đến chuyên chở về cung. Sự giàu sang của ông ta được thể hiện qua số tài sản bị tịch thu, gồm có: Những dinh thự, đất đai có tổng cộng 3.000 phòng, 8.000 mẫu (32 km²) đất, 42 ngân hàng, 75 tiệm cầm đồ, 600 cân nhân sâm Cát Lâm thượng hạng, 60.000 lạng vàng bọc đồng, 100 thỏi vàng lớn nguyên chất (1.000 lạng mỗi thỏi), 56.600 thỏi bạc cỡ vừa (100 lạng mỗi thỏi), 9 triệu thỏi bạc nhỏ (10 lạng mỗi thỏi), 58.000 cân tiền ngoại, 1.500.000 đồng tiền xu, 1.200 miếng ngọc bội, 230 chuỗi ngọc trai (mỗi viên ngọc trai có cỡ gần tương đương quả anh đào lớn), 10 viên ngọc trai lớn (cỡ tương đương quả nhãn), 10 viên hồng ngọc, 40 viên ngọc bích lớn, 40 bàn đựng bộ đồ ăn bằng bạc (10 bộ mỗi bàn), 40 bàn đựng bộ đồ ăn bằng vàng (10 bộ mỗi bàn), 11 tảng san hô (mỗi tảng cao hơn 1m), 14.300 xấp lụa tốt, 20.000 tấm len lông cừu loại tốt, 550 tấm da cáo, 850 tấm da gấu, 56.000 tấm da cừu và da gia súc độ dày khác nhau, 7.000 bộ quần áo tốt (mặc trong cả bốn mùa), 361.000 chiếc bình bằng đồng và thiếc, 100.000 đồ sứ được làm bởi các nghệ nhân có tiếng, 24 cái giường bằng vàng ròng có trang trí tinh xảo (mỗi giường có cẩn tám loại đá quý khác nhau), 460 cái đồng hồ tốt của châu Âu, 600 tì thiếp trong phủ, còn gia nhân thì không tính hết.
Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước lượng vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được.
Sau khi thẩm vấn và kê biên tịch thu tài sản, Gia Khánh công bố 20 tội lớn của Hòa Thân, đồng thời thông báo việc này đến tất cả Tổng đốc và Tuần phủ các tỉnh để cùng bàn luận và định tội Hòa Thân. Trong chỉ dụ đều ghi rõ Hòa Thân phạm tội với Tiên hoàng Càn Long cho nên trong thời gian đại tang có xử lý sủng thần của Tiên hoàng cũng hoàn toàn danh chính ngôn thuận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.