3 năm trồng cây để… vài giờ chặt bỏ?

Hòa Nguyễn – Trần Hiền Thứ sáu, ngày 15/07/2016 08:48 AM (GMT+7)
Những tưởng cuộc sống sẽ ổn định hơn khi chuyển sang loại cây trồng mới thay vì trồng lúa không năng suất, nhưng sắp đến vụ thu hoạch, hàng chục hộ dân tại một xã ở huyện Kim Bảng (Hà Nam) nhận được “trát” phải chặt bỏ khiến bao công sức họ bỏ ra sắp tan theo khói mây.
Bình luận 0

Yêu cầu chặt cây khi sắp đến ngày thu hoạch

Thực trạng này đang diễn ra tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Vào đầu tháng 6.2016, 56 hộ dân xã Tượng Lĩnh nhận được thông báo của chính quyền xã phải chặt cây với lý do vi phạm trong việc chuyển đổi đất lúa. Thời hạn chậm nhất để các hộ dân trên thực hiện là trước ngày hôm nay (15.7).

Thông tin này được lan truyền đi như tiếng sét đánh ngang tai với những người dân cần mẫn. Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư và công sức chăm sóc các loại cây ăn quả trên những mảnh ruộng nông nghiệp trong 3 năm qua của 56 hộ dân ở xã Tượng Lĩnh có nguy cơ “tan theo bọt nước”.

Sự việc bắt đầu từ đầu năm 2014. Theo đó, trước đó diện tích đất trồng cây ăn quả của 56 hộ dân bây giờ là sử dụng để trồng lúa. Tuy nhiên, do thổ nhưỡng không phù hợp, địa hình khu đất cao nên khi trồng lúa cho năng suất thấp, các hộ dân đã làm đơn gửi lên chính quyền xã Tượng Lĩnh mong muốn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang trồng những loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao hơn.

img

Một diện tích trồng cây ăn quả rất lớn trên địa bàn xã Tượng Lĩnh được người dân chuyển đổi từ 3 năm trước có nguy cơ phải chặt bỏ vì vi phạm trong việc chuyển đổi đất lúa.

Cũng trong thời gian đầu năm 2014, chính quyền xã Tượng Lĩnh thông báo cho các thôn được quyền chuyển đổi các khu đất cốt cao, trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Trước tình hình này, tháng 3.2014,  56 hộ dân trong xã Tượng Lĩnh đã viết đơn gửi lên chính quyền xã xin được chuyển đổi ruộng trồng lúa năng suất thấp sang làm trang trại trồng cây ăn quả.

Qua nhiều lần họp bàn, xã Tượng Lĩnh có khuyến khích người dân sản xuất, trồng trọt.Thế nhưng, khi trồng cây sắp đến ngày thu hoạch, các hộ dân này bỗng nhận được thông báo từ chính quyền xã rằng phải chặt bỏ những cây trồng kia vì đã xảy ra vi phạm. Việc này khiến cho các hộ dân đang trồng cây ăn quả trên diện tích đã xin chuyển đổi như “ngồi trên đống lửa”.

Vẻ mặt sầu thảm, đứng bên cạnh những cây ổi trĩu quả của mình, bà Trần Thị Ngái (xã Tượng Lĩnh, Kim Bảng, Hà Nam) cho biết thông báo từ phía chính quyền xã Tượng Lĩnh đang làm cả gia đình bà bị đảo lộn. Từ chỗ đang phấn khởi vui mừng vì vườn ổi đã cho những lứa quả ngon và năng suất thì bỗng nhiên, gia đình bà đứng trước nguy cơ tay trắng vì một cái thông báo.

“Nhà tôi đã đầu tư rất nhiều tiền của, công sức mấy năm nay vào diện tích trồng cây ăn quả này, giờ bỗng nhiên bảo chúng tôi chặt đi. Thử hỏi giờ bắt chặt đi thì gia đình tôi sẽ thế nào, tương lai sẽ ra sao, nợ nần vay mượn để đổ vào đây biết lấy gì ra mà trả” – bà Ngái rầu rĩ.

Cũng lâm vào hoàn cảnh trớ trêu như gia đình bà Ngái, gia đình anh Tạ Văn Thắng (xã Tượng Lĩnh, Kim Bảng) cũng đang khốn đốn bởi nếu theo thông báo, tương lai gần 500 gốc nhãn, chanh, ổi đang trĩu nặng quả của gia đình anh sẽ là “bình địa”.

Theo lời tâm sự của người đàn ông này, gia đình anh đã bỏ rất nhiều tiền, công sức để cải tạo, vun xới để có được thành quả như ngày hôm nay. Nhìn những gốc nhãn, gốc ổi ngày một lớn khiến anh Thắng thêm xót xa, sầu não. “Chính quyền họp và quyết định là các gia đình tự chặt cây của mình, phá rỡ lều trông coi trước thời hạn đã thông báo. Giờ nhìn cây nào cũng xót” – anh Thắng thở dài.

Chỉ vì "vội vàng"?

Theo phản ánh của người dân xã Tượng Lĩnh, trước khi chuyển đổi cây trồng từ lúa sang các loại cây ăn quả lâu năm khác, họ đã xin với chính quyền và được chính quyền chấp nhận và hướng dẫn thủ tục để thực hiện thế nhưng không hiểu vì sao lại có thông báo yêu cầu phải chặt hết cây.

"Khi xã có cuộc họp với thôn Thọ Cầu chúng tôi, thì chúng tôi có nguyện vọng muốn chuyển diện tích đất canh tác lúa sang trồng cây hàng hoá lâu năm, hoặc cây ăn quả thì phía bên xã có trả lời là được phép nhưng với điều kiện phải làm đơn qua thôn Trưởng xác nhận xong gửi về UBND xã để đồng ý. Thôn chúng tôi cũng đã thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của xã, có làm đơn gửi đến Trưởng thôn” – bà Kiều Thị Út, một hộ dân thuộc diện phải chặt bỏ như thông báo bức xúc.

Điều đáng nói, những việc trồng cây ăn quả này được đích thân Trưởng thôn phổ biến cho bà con trồng một loại cây để sau này dễ dàng trong việc xuất khẩu và những công đoạn thực hiện việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây ăn quả của người dân thì một cán bộ địa chính xã cũng biết và không có ý kiến.

img

Hàng chục gia đình trong xã Tượng Lĩnh đang “đứng ngồi không yên” vì không biết diện tích trồng cây ăn quả của họ có còn để mà thu hoạch hay phải chặt bỏ theo thông báo.

Cũng theo người đứng đầu xã Tượng Lĩnh, UBND xã trước mắt yêu cầu người dân xử lý, tháo dỡ những lều bạt dựng trên diện tích canh tác sau đó sẽ báo cáo với huyện về những tồn tại này để tìm hướng giải quyết.

Trong khi các cơ quan chức năng có liên quan đang xem xét hướng giải quyết vụ việc thì hàng trăm nhân khẩu có diện tích trồng cây ăn quả của xã Tượng Lĩnh đang sống trong cảnh “đứng ngồi không yên”. Chắc hẳn họ sẽ không thể vui mừng, phấn khởi khi ra vườn cây trĩu quả của mình nữa bởi vì nếu thông báo kia được thực hiện, công sức của họ chỉ còn lại là những cành củi khô trên mảnh đất cằn cỗi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem