"Ông Bụt" dưới chân núi tái sinh hàng chục mạng người

Thứ năm, ngày 09/06/2011 16:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người dân dưới chân núi Sài Sơn ở Quốc Oai, Hà Nội lâu nay luôn nắc nỏm khen ngợi người đàn ông thiện lương có tên là Trần Văn Sáu đã hàng chục lần cưu mang, cứu giúp những người cận kề cái chết.
Bình luận 0

Cứu cháu bé sơ sinh trong thúng

Gặp chúng tôi một tuần sau khi nhận cháu bé sơ sinh bị mẹ bỏ rơi ở chợ cóc thôn Thụy Khuê về nuôi, ông Trần Văn Sáu (đội 7, thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn) vẫn đang tất bật giúp vợ chồng người con trai thứ chăm sóc đứa cháu gái mà ông trời vừa gửi gắm. Chờ mãi đến giữa trưa, người đàn ông có khuôn mặt phúc hậu này mới ngơi tay để ngồi trò chuyện với chúng tôi.

img
Ông Trần Văn Sáu kể chuyện cứu người.

Nhớ lại sự việc xảy ra vào sáng sớm ngày 26.5, ông Sáu chậm rãi kể: "Đêm 25 tôi có phiên trực ở nhà văn hóa thôn. Tầm 6 giờ 30 sáng 26.5, tôi nghe có tiếng ồn ào ngoài cửa liền ra xem thì thấy mấy người trong gia đình đang có đám cưới xua đuổi một phụ nữ đi xe đạp mini mang theo chiếc thúng. Bị đuổi, chị ta bê chiếc thúng định bỏ vào góc chợ cóc Thụy Khuê cạnh nhà văn hóa thôn.

Tôi và mọi người thấy lạ cùng ra xem thì thấy trong thúng là một đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn. Đứa trẻ được bọc kín trong một ống quần vải, dây rốn được cuộn lại bằng một chiếc quai nón. Dưới ánh nắng chói chang, đứa trẻ tội nghiệp khát sữa khóc không thành tiếng.

Tôi hỏi người phụ nữ về đứa bé thì chị ta bảo: "Tôi đẻ ra nhưng tôi không nuôi được, ông có lấy thì tôi cho". Tôi nói luôn: "Thế thì chị cho tôi để tôi mang cháu về nuôi". Người phụ nữ gật đầu đồng ý rồi đi luôn. Vì chị ta mang khẩu trang nên cũng chẳng biết mặt mũi thế nào, nghe giọng cũng không rõ ở đâu nhưng chắc cũng chỉ ở quanh Quốc Oai vì cháu bé mới chỉ được sinh ra vài tiếng đồng hồ".

Sau khi xin được đứa trẻ, ông Sáu vội vã ôm về nhà người con trai trưởng. Ông bảo: "Lúc đó trong đầu tôi đã nghĩ đến vợ chồng người con trai thứ lấy nhau đã 9 năm nhưng chưa sinh được mụn con nào. Chắc ông trời thương nên mới để cháu bé vào cửa nhà tôi. Thế nhưng lúc đó tôi mang cháu về nhà con trai lớn để cô con dâu trưởng đã có kinh nghiệm mấy lần sinh nở tắm rửa, chăm sóc cho cháu bé.

Trong lúc con dâu đi pha nước để tắm cho bé thì tôi lên UBND xã Sài Sơn trình báo với chính quyền. Khoảng nửa tiếng sau thì đại diện Công an xã, Hội Phụ nữ, Trạm y tế xã xuống làm việc. Chị Nguyễn Thị Hồng Minh - Trạm trưởng Trạm y tế xã - đã cắt rốn cho cháu. UBND xã cũng phân công chị Minh đến tắm cho cháu hàng ngày".

img
Bé Trần Ánh Dương đang sống hạnh phúc trong sự yêu thương của ông Trần Văn Sáu và gia đình.

Trong khi vợ chồng người con thứ của ông Sáu là Trần Văn Hùng mừng phát khóc vì có được cô con gái bé bỏng, xinh xắn thì ông Sáu không quên đi làm giấy chứng sinh để kịp làm giấy khai sinh cho bé. Vợ chồng anh Hùng đặt tên cho bé là Trần Ánh Dương với mong muốn cuộc đời của bé sau này sẽ luôn tươi sáng. Nhiều người dân ở Thụy Khuê đến giờ vẫn khen đứa bé tốt số gặp được ông Sáu, nếu không được ông nhận về kịp thời thì không biết số phận bây giờ ra sao.

Tái sinh cho hàng chục mạng người

Đến xã Sài Sơn, nhắc đến ông Sáu đội 7, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện về người đàn ông được mệnh danh là "Bụt sống" trên mảnh đất chùa Thầy này. Hỏi những chuyện này, ông Sáu xuề xòa: "Có gì đâu chú! Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa. Tôi sống trên đất chùa, làm việc thiện cũng là chuyện bình thường. Tôi cứu người không tính đến chuyện chờ người trả ơn mà chỉ để tích phúc cho con cháu".

Qua câu chuyện của ông, tôi biết có không ít người được ông Sáu cứu sống đã cảm tạ ơn tái sinh mà nhận ông làm bố nuôi. Đến nay, ngoài 6 người còn đẻ, ông Sáu còn có 6 người con nuôi. Nếu tính cả con nuôi, đến giờ ông Sáu đã có hơn 30 cháu nội, ngoại. Điều làm người đàn ông phúc hậu này tự hào và hạnh phúc là con cháu ông, ai cũng khỏe mạnh, ai cũng giỏi giang.

img Cuộc đời tôi đã cứu rất nhiều người. Không ít người trong số đó chẳng một lần trở lại. Tuy nhiên, tôi chẳng quan tâm đến điều đó vì "Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa". Đó chẳng phải là giáo lý của nhà Phật vẫn thường răn dạy chúng ta hay sao! img

Ông Trần Văn Sáu

Nhắc đến 6 người con nuôi, ông Sáu bồi hồi nhớ lại những lần cứu người từ trong cõi chết. Ông bảo: "Chúng đều là những người chết trượt. Vì cảm ơn cứu mạng của tôi mà nhận nghĩa bố con". Trong số những người được ông Sáu cứu sống thì phần lớn là gặp tai nạn nơi sông nước. Trường hợp ông nhớ nhất là lần giành lại sự sống cho cậu con nuôi tên Sơn ở cùng huyện Quốc Oai.

Ông kể: "Năm 1972, tôi đang công tác tại Huyện đội Quốc Oai và được phân công vào thôn tuyển quân. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường ra trường mẫu giáo gần đó trò chuyện với các cô giáo. Một lần tôi ra chơi thì không thấy các cô trong lớp nên mới ra vườn tìm. Đi qua chiếc giếng, tôi thấy có gì đó nhấp nhô trong đám bèo tây. Lúc đầu tôi nghĩ là có con cá to nhưng nhìn kỹ mới tá hỏa vì phát hiện ra đó là một cháu bé khoảng 3 tuổi. Tôi vội vàng ôm đứa bé lên và chạy về huyện đội.

Tôi đốt bao nhiêu rơm sưởi cho cháu và cố gắng dốc nước ra. Khi thấy nó nôn ra cả cơm thì tôi đã nghĩ là không cứu được. Thế nhưng tôi vẫn cố gắng sơ cứu, một lúc lâu sau thì đứa bé tỉnh. Tôi vào lấy cái chăn dày của bộ đội ra cuốn quanh cháu. Khoảng nửa tiếng sau thấy cháu bật khóc thì tôi biết là cháu đã sống. Đấy cũng là người con nuôi đáng quý nhất của tôi. Tôi làm ngôi nhà này một tay Sơn trông nom, giúp đỡ".

Ngoài Sơn, ông Sáu còn từng cứu người con nuôi Nguyễn Nho Bảng thoát khỏi tay thủy thần khi Bảng ra ao tập bơi lúc còn nhỏ. Người con nuôi đầu tiên của ông Sáu là Nguyễn Sơn Năm ở cùng thôn Thụy Khuê thì được ông ôm đi viện cấp cứu khi trèo lên cây muỗm và bị ngã từ trên cao xuống. Giờ Năm đã trưởng thành, hiện đang là cán bộ ngân hàng ở huyện Quốc Oai và đã có 2 con.

Lần cứu người nguy hiểm nhất có lẽ là khi ông lao vào gầm xe công nông lôi người con nuôi Nguyễn Hữu Mạnh thoát khỏi tử thần khi bị xe cuốn vào và kéo đi gần chục mét. Lúc đó Mạnh bị thương rất nặng, gần chết nhưng ông Sáu vẫn chạy đôn đáo nhờ được người có xe máy đưa Mạnh đi cấp cứu. Mạnh sống là nhờ được đưa đến bệnh viện kịp thời.

Ngoài những người con nuôi ra, ông Sáu còn cứu sống hàng chục người khác, trong đó có không ít du khách đi lễ chùa Thầy gặp tai nạn. Dù đã vài năm trôi qua nhưng ông Sáu vẫn nhớ như in cậu học trò tên Vinh nhà ở Khâm Thiên, Hà Nội bị trượt chân ngã xuống hang Cắc Cớ khi cùng lớp đi thắng cảnh chùa Thầy. Bất chấp nguy hiểm, ông Sáu đốt đuốc tụt xuống đáy hang cõng Vinh trèo lên rồi đưa thẳng xuống UBND xã Sài Sơn dưới chân núi. Vinh đã được cứu sống sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem