96 cơ sở giấy xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở Phong Khê, Bắc Ninh: Buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu

Đỗ Lực Thứ bảy, ngày 28/08/2021 13:00 PM (GMT+7)
Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc 96 cơ sở sản xuất giấy xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi và đất cây xanh ở phường Phong Khê (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cần phải được xử lý nghiêm minh, đó là: Khôi phục lại hiện trạng sử dụng đất ban đầu.
Bình luận 0

Chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích có thể bị thu hồi đất

Như Báo điện tử Dân Việt đã thông tin, mới đây qua rà soát, thống kê, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã "điểm mặt chỉ tên" 96 cơ sở sản xuất giấy nằm trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi, đất cây xanh. Cụ thể, xây dựng trên đất nông nghiệp có 63 cơ sở; xây dựng trên đất thủy lợi có 21 cơ sở; Xây dựng trên đất sản xuất, kinh doanh và đất thủy lợi có 7 cơ sở; Xây dựng trên đất hành lang cây xanh có 6 cơ sở.

UBND TP Bắc Ninh xác định thời gian vi phạm của 96 cơ sở sản xuất này chủ yếu từ năm 2002 đến 2006, một số trường hợp vi phạm năm 2011, 2012.

Theo Thạc sỹ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội), hành vi vi phạm quy định về đất đai, xây dựng xảy ra ở nhiều địa phương trong đó có Bắc Ninh. Qua những con số thống kê vi phạm đất đai ở TP Bắc Ninh cho thấy, có rất nhiều hộ kinh doanh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, vi phạm quy định về trật tự xây dựng đến nay vẫn chưa được xem xét xử lý, gây bức xúc trong dư luận.

Theo quy định của pháp luật thì người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả. Nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng đất không tuân thủ các quy định của luật đất đai. Hành vi san lấp, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích có thể bị thu hồi đất và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

"Người vi phạm quy định về sử dụng đất đai sẽ bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, ngoài ra còn có thể bị thu hồi đất do sử dụng không đúng mục đích", luật sư Cường nhấn mạnh.

97 cơ sở giấy xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở Bắc Ninh: Cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất giấy trên đất nông nghiệp của Công ty TNHH giấy Kraft Phương Yến nằm giáp cụm công nghiệp Phong Khê I. Ảnh: Khương Lực.

Quy định tại Điều 5, Nghị định Số 91/2019/NĐ-CP Của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì các hình thức xử phạt chính bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền; bên cạnh đó còn có hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 09 tháng đến 12 tháng…

Buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu

"Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này bao gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này; Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; Buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định; Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất;…", luật sư Cường cho hay.

Cũng theo luật sư Cường, đối với việc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp có giao dịch về quyền sử dụng đất như sau: Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trước khi chuyển quyền sử dụng đất thì bên chuyển quyền sử dụng đất bị xử phạt vi phạm hành chính và phải thực hiện biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (nếu khi xử phạt hành vi chuyển quyền buộc bên nhận chuyển quyền phải trả lại đất cho bên chuyển quyền) theo quy định. Bên nhận chuyển quyền sử dụng đất phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả còn lại đối với từng trường hợp vi phạm theo quy định;

Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với cả hai bên chuyển đổi quyền sử dụng đất. Trường hợp chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với bên nhận chuyển quyền sử dụng đất. Trường hợp cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng đất đã cho thuê, đã thế chấp.

Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm này, bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là hai năm thì sẽ không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu và áp dụng các biện pháp hành chính khác.

Hiện nay theo quy định tại Điều 6 Luật đất đai năm 2013 hiện hành và Luật đất đai trước đây thì nguyên tắc sử dụng đất là đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất; người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khoản 1 Điều 170 Luật đất đai năm 2013 cũng quy định cụ thể về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất là sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, theo các quy định hiện nay và quy định trước đây thì người sử dụng đất phải sử sụng đúng mục đích sử dụng đất ban đầu. Nếu muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phải được phép của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, mọi hành vi sử dụng sai mục đích sẽ được coi là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 12 Luật đất đai năm 2013.

Vi phạm nghiêm trọng cả Luật Xây dựng, cho tồn tại sẽ tạo tiền lệ xấu

Theo luật sư Cường, đối với trường hợp các cơ sở sản xuất giấy tại Bắc Ninh xây dựng trên khu dân cư, trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi và đất cây xanh… là hành vi sử dụng không đúng muc đích sử dụng đất, vi phạm các quy định về đất đai. Ngoài ra, đối với việc các cơ sở này xây dựng công trình phải có giấy phép xây dựng nhưng không có giấy phép thì được coi là một trong các hành vi bị nghiêm cấm của Luật Xây dựng.

Đối với hành vi sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích sử dụng khác mà không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 9, Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính Phủ về hành vi xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Cụ thể, đối với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01 héc ta; mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính Phủ.

Đối với hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thì cũng là hành vi vi phạm quy định về xây dựng. Người vi phạm cũng sẽ bị xử phạt hành chính và bị khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình vi phạm.

Trong vụ việc trên rất nhiều hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm quy định về quản lý đất đai, xây dựng. Tuy nhiên việc xử lý không triệt để dẫn đến hành vi vi phạm kéo dài, nhiều trường hợp vi phạm. Bởi vậy trong vụ việc này cần phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đất đai. Nếu có hành vi buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho sai phạm thì cần phải xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, với một "com-bo" các lỗi vi phạm thế, nếu để hoặc cho phép các cơ sở này được tiếp tục hoạt động sẽ tạo tiền lệ xấu.

Bên cạnh đó, pháp luật có những thay đổi, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng có những thay đổi qua thời gian. Bởi vậy những hành vi vi phạm kéo dài qua nhiều thời kỳ thực hiện văn bản quy phạm pháp luật phải có sự thay đổi về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét đến yếu tố lịch sử đó để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp đất sử dụng không phù hợp với quy hoạch, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép nhưng đến nay đã phù hợp với quy hoạch, người dùng dụng đất đã sử dụng ổn định và có thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước thì phải xem xét tạo điều kiện để người sử dụng đất tiếp tục sử dụng và thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu thì cần được quan tâm nhiều hơn trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Với những trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, không phù hợp với quy hoạch, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân khác thì cần phải xử lý triệt để. Còn đối với các thửa đất đã phù hợp với quy hoạch, có quá trình sử dụng ổn định thì cần phải có những biện pháp xử lý.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem