"Afghanistan đang trên bờ vực thảm họa", đại diện Liên Hợp Quốc tuyên bố

Thứ sáu, ngày 19/11/2021 09:00 AM (GMT+7)
Đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc (UN) tại Afghanistan kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm cách hỗ trợ tài chính cho người dân nước này.
Bình luận 0

Đặc phái viên UN tại Afghanistan cho biết nước này đang "đứng trên bờ vực của một thảm họa nhân đạo", đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm cách hỗ trợ tài chính cho người dân Afghanistan.

Cụ thể, bà Deborah Lyons cho biết ước tính khoảng 60% trong số 38 triệu người Afghanistan đang phải đối mặt với nạn đói, thậm chí tình trạng khẩn cấp về lương thực có thể sẽ tồi tệ hơn trong mùa đông.

"Bây giờ không phải là lúc quay lưng lại với người dân Afghanistan", Lyons nói trong cuộc họp báo hôm thứ Tư (17/11) tại UN. Bà phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào đầu ngày: "Bỏ rơi người dân Afghanistan bây giờ sẽ là một sai lầm lịch sử và mang lại hậu quả bi thảm".

"Afghanistan đang trên bờ vực thảm họa", đại diện Liên Hợp Quốc tuyên bố - Ảnh 1.

Thảm họa nhân đạo có thể ngăn ngừa được

Lyons khẳng định thảm họa nhân đạo "có thể ngăn chặn được" vì nguyên nhân chính của nó là các lệnh trừng phạt tài chính đối với Taliban, nhóm tiếp quản đất nước kể từ tháng 8. Bà đảm bảo với cộng đồng quốc tế rằng Liên Hợp Quốc sẽ nỗ lực hết sức để tránh việc chuyển hướng quỹ cho Taliban.

Các biện pháp trừng phạt "đã làm tê liệt hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của nền kinh tế", theo đặc phái viên UN. GDP của đất nước ước tính đã giảm 40% kể từ khi Taliban tiếp quản.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ngừng việc phát hành khoảng 450 triệu USD cho Afghanistan hơn một tuần sau khi chính phủ được phương Tây hậu thuẫn sụp đổ và Taliban lên nắm quyền. 9 tỷ đô la dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan, hầu hết được giữ ở Mỹ, cũng bị đóng băng.

img
img
img
img
img

Khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan đang diễn ra căng thẳng hơn bao giờ hết.

Khi được James Bays của Al Jazeera hỏi liệu việc giải phóng các khoản tiền bị đóng băng có thể làm giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện tại hay không, Lyons cho biết: "Chúng tôi đang xem xét số tiền mà các nhà tài trợ đã cam kết cho hoạt động nhân đạo và đảm bảo rằng chúng tôi có các cơ chế để giải phóng chúng. Trên thực tế, việc giải phóng tài sản là do các quốc gia chủ chốt quyết định".

Lyons cũng cho biết một cơ chế mới để trả lương cho nhân viên y tế đã được thiết lập. Trước đó, Taliban gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả lương cho người lao động ở các lĩnh vực quan trọng như y tế và giáo dục.

"Sự tê liệt của lĩnh vực ngân hàng sẽ dẫn đến tình trạng xuất hiện nhiều giao dịch không chính thức và không được kiểm soát", đặc phái viên cho biết. Bà khẳng định điều này "sẽ tạo điều kiện cho vấn nạn khủng bố, buôn người và buôn lậu ma túy", đầu tiên là ở Afghanistan, sau đó "lan đến các khu vực, quốc gia khác".

Trong bối cảnh khó khăn đó, Lyons cảnh báo rằng Taliban sẽ không thể ngăn chặn sự mở rộng của ISIL (ISIS), nhóm này dường như đã có mặt ở hầu hết các tỉnh và ngày càng hoạt động mạnh mẽ. UN ước tính số vụ tấn công do ISIL gây ra đã tăng đáng kể, từ 60 vụ năm ngoái lên 334 vụ năm nay.

Giải phóng tài sản

"Afghanistan đang trên bờ vực thảm họa", đại diện Liên Hợp Quốc tuyên bố - Ảnh 5.

Trung Quốc và Nga thúc giục việc giải phóng các nguồn dự trữ của Afghanistan, mặc dù vậy, cố vấn cấp cao của Mỹ về các vấn đề chính trị đặc biệt, Đại sứ Jeffrey DeLaurentis lại không đề cập đến các lệnh trừng phạt.

Ông chỉ trích Taliban phớt lờ lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế về việc theo đuổi một giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột ở Afghanistan, thay vào đó lại chọn chiến thắng trên chiến trường.

Ông nói với Hội đồng Bảo an: "Chúng ta đang thấy những hậu quả khủng khiếp của sự lựa chọn này bày ra trước mắt".

DeLaurentis nói thêm: "Người dân Afghanistan sẽ không phải trả giá cho quyết định của Taliban". Ông cho biết Mỹ là nhà tài trợ nhân đạo lớn nhất cho Afghanistan, với khoản viện trợ 474 triệu USD được cung cấp vào năm 2021, đồng thời kêu gọi các nước khác tăng cường hỗ trợ.

Đặc phái viên của UN tuyên bố sẽ tiếp tục nêu ra những vấn đề khó khăn đối với Taliban, bao gồm cả việc kêu gọi khôi phục các quyền cho phụ nữ, trẻ em gái cũng như các dân tộc thiểu số, để từ đó thiết lập một chính quyền toàn diện hơn.

Lyons nói rằng Taliban đã nhận ra những mối quan ngại của cộng đồng quốc tế và đang cố gắng giải quyết chúng.

Chính quyền Taliban chưa được bất kỳ quốc gia nào hoặc UN công nhận. Ghế UN của Afghanistan vẫn do đại diện của chính phủ tiền nhiệm, Đại sứ Ghulam Isaczai nắm giữ.

Lê Phương (Aljazeera)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem