Ai cũng có một con đường về nhà…

Cẩm Thuý Thứ năm, ngày 19/01/2023 13:30 PM (GMT+7)
Cữ Hà Nội đẹp nhất không phải lúc Hà Nội đang thu mà là lúc Hà Nội vào đông. Những ngày Hà Nội chuyển gió mùa đông Bắc mới thật là Hà Nội. Lạnh co ro, phố xao xác và như rộng ra trong những làn gió bấc thổi hun hút dọc dốc Hàng Than xuống vườn hoa Hàng Đậu, ra phía các bờ hồ.
Bình luận 0

Đương nhiên mùa nào thức nấy, mùa sen có sen, mùa cúc có cúc. Đương nhiên, tôi thích sen, còn bạn tôi thích mùa hoa sấu căng mắt mới nhìn thấy trên vòm lá xanh. Nhưng ở vị trí hot trend (xu hướng "nóng") trên Facebook thì không hoa nào sánh được với cúc họa mi. Vài năm vừa rồi loài hoa này vụt trở thành "ngôi sao" và những cánh đồng cúc họa mi cũng trở nên dài tít tắp.

Cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch, ở Hà Nội, họa mi tràn ngập phố. Buổi sáng, trên đường tôi đi làm, suốt dọc các phố Lạc Long Quân, Thụy Khuê, Phan Đình Phùng, Hàng Lược, Lương Văn Can... đâu cũng rực rỡ, rung rinh mướt mát họa mi. Dọc phố Phan Đình Phùng, người ta đổ xô đi chụp ảnh với cúc họa mi, từng ôm, từng chùm với váy áo xôn xao.

tat/ Ai cũng có một con đường về nhà.. - Ảnh 1.

Cảnh trong phim “Đường về nhà” của Lee Jung Hyang. Ảnh: T.L

Ai cũng có một con đường về nhà. Không có đường về nhà giống nhau cho tất cả mọi người. Nhưng đó chắn hẳn đều là con đường nhiều cảm xúc, để mỗi người trở về.

Làm duyên làm dáng chụp ảnh với cúc họa mi, đã như một nét đẹp thuở đầu đông miền Bắc.

Dù rằng đến năm nay, thì độ hot của họa mi đã giảm đi rất nhiều. Người ta vẫn khoe ảnh họa mi trên mạng, nhưng sự cuồng nhiệt thì đã nhạt dần. Cũng là chuyện bình thường thôi, người ta không thể thích mãi một loài hoa chỉ vì để đúng trend. Sẽ còn lại những người yêu thích nó thực sự, một cách bền bỉ, mỗi năm đón một mùa cúc họa mi đến, chừng một tháng rồi tàn, rồi chờ đến một năm sau. Thương nhớ ấy mới là thật lòng thương nhớ!

*

*          *

Như những người Hà Nội đi xa nhớ những món ăn, rặt Hà Nội. Không hẳn là một cái gì đó ồn ào ở trên truyền thông, những quán ăn đã có tiếng tăm nào đó. Mà đôi khi chỉ là một quán phở trong ngõ nhỏ, đến đầu phố đã thấy thơm sực lên. Tôi gọi đó là mùi của phố. Những quán phở như thế bà bán phở thuộc tính cách từng người, không cần phải nói vẫn bưng ra một bát phở chiều theo đúng ý mình. Có hôm nào đó bạn lỡ quên ví tiền, thì bà chủ chẳng những đon đả bảo "cứ về đi", mà còn trả hộ luôn cả tiền cốc trà của hàng nước bên cạnh.

tat/ Ai cũng có một con đường về nhà.. - Ảnh 3.

Cảnh trong phim “Đường về nhà” của Trương Nghệ Mưu. T.L

Trong ký ức của những người đã đi xa Hà Nội nhiều năm, chưa có họa mi ngập phố như bây giờ. Ký ức ấy có thể là một mùa hoa sữa ngồi quán cà phê trên một tầng cao cùng ông nhạc sĩ Hồng Đăng (người giờ đây cũng đã đi xa quá). Ký ức ấy có thể là mùa sen hay mùa sấu!

Nhà thơ Phan Vũ trong trường ca Hà Nội - phố đẹp lộng lẫy về Hà Nội, có gọi tên cảm giác "tha hương ngay trước cổng nhà cha mẹ". Chạnh lòng nghĩ cảm giác ấy khi một hôm nào đó bỗng thấy phố đã khác đi rồi khi ngồi quán cà phê trên cao nhìn xuống phố, không phải chỉ bởi vì góc ngồi đã khác.

Nữ nhạc sĩ Giáng Son có bài hát rất hay Hà Nội 12 mùa hoa, trong đó có kể về 12 loài hoa tượng trưng cho 12 tháng. Có nhiều ca sĩ hát bài này nhưng lại cũng phải Thu Phương - vào những năm tháng khó khăn của cuộc đời khi khắc khoải trong lòng một mong mỏi "về nhà", đã hát Hà Nội 12 mùa hoa hay đến nôn nao.

*

*          *

tat/ Ai cũng có một con đường về nhà.. - Ảnh 4.

Cúc họa mi xuống phố. Ảnh: C.T

Thế giới có đến vài bộ phim cùng có tên gần giống nhau là "Đường về nhà" khi dịch ra tiếng Việt (tựa tiếng Anh thì hơi khác một chút, như "Đường về nhà" nổi tiếng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu là "The road home", còn "Đường về nhà" của Lee Jung Hyang là "The way home"), mà phim nào cũng hay.

Đường về nhà của Trương Nghệ Mưu với vai diễn rực rỡ của Chương Tử Di khi nàng mới 19 tuổi. Mộtngười thanh niên được tin cha mất, trở về làng quê của mình. Đó là một vùng hẻo lánh giá lạnh, bé nhỏ và thưa dân. Viên xã trưởng báo tin cái chết của người cha và nói thêm là xác người quá cố chưa đưa về làng để mai táng được. Bởi lẽ bà mẹ không muốn người ta chở chồng mình về bằng xe vận tải. Bà muốn người ta khiêng di thể của chồng từ huyện về làng.

Vì con đường mang quá nhiều ân tình, quá nhiều kỷ niệm của vợ chồng, cho nên bà mẹ không muốn chồng mình quên đi con đường ấy. Bà tin rằng được khiêng về thì chồng của bà mới nhớ được con đường mà trở về…

Con đường vàng rực rỡ của tình yêu thời tuổi trẻ hay con đường giá lạnh đầy tuyết trắng lúc người ta khiêng người chết trở về làng, trong bộ phim của Trương Nghệ Mưu, thì đều là đường về nhà.

Có một con đường về nhà khác, trong bộ phim Đường về nhà của đạo diễn Hàn Quốc Lee Jung Hyang. Một cô con gái sống buông thả và hưởng thụ ở thành phố, đến lúc gặp khó khăn thì đưa cậu con trai 7 tuổi về cho bà mẹ ở quê nuôi. Quê ngoại cậu bé là một vùng quê nghèo hẻo lánh, đồng không mông quạnh, dường như chẳng có trò gì khiến tinh thần cậu có thể phấn chấn kể cả việc ngồi nhìn những đứa trẻ lấm lem ở đây cứ cố tìm cách trốn chạy khỏi 1 con bò điên hàng ngày. Người bà mà cậu bé chung sống thì bị câm và chẳng biết chữ…

Nội dung thì chẳng có gì đâu vì mô - típ đoán trước được là tình cảm yêu thương vô bờ bến của người bà nghèo khổ ấy sẽ cảm hóa một cậu bé con ích kỷ, ngỗ ngược. Nhưng mà ở trong một bộ phim bình dị những chi tiết phim đắt giá vô cùng. Ám ảnh một con đường về nhà với gương mặt người bà đau đớn và bao dung…

Ai cũng có một con đường về nhà. Không có đường về nhà giống nhau cho tất cả mọi người. Nhưng đó chắn hẳn đều là con đường nhiều cảm xúc, để mỗi người trở về. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem