Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tết Kỷ Dậu (1789), từ đêm 30 tháng Chạp đến trưa mồng 5 tháng Giêng, vua Quang Trung đã chỉ huy quân Tây Sơn tiến thần tốc, chiến đấu quyết liệt với chiến thắng vang dội ở Ngọc Hồi – Đống Đa, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của 29 vạn quân Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long.
Đây là một chiến công hiển hách, là bản hùng ca vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”...
Vào thời gian đánh quân Mãn Thanh, quân số Tây Sơn khoảng 10 vạn quân. Theo mô tả của các nhà truyền đạo phương Tây lúc đó, Tây Sơn gần như sử dụng “Chiến tranh toàn dân”. Quân đội được tổ chức thành năm lực lượng: Trung quân, Tiền quân, Tả quân, Hữu quân và Hậu quân.
Lúc bấy giờ, lực lượng tượng binh trong đơn vị Tiền quân mang trọng trách cực lớn và chủ đạo trong việc tiến công. Voi đã được thuần hóa vốn tính hiền lành, thân thiện với con người, nhưng khi xung trận có chiêng trống, cờ xí thì nó trở nên hưng phấn và hung tợn.
Tiếng rống của voi là thứ vũ khí uy hiếp tinh thần của đối phương, đặc biệt là kỵ binh, vì ngựa vốn cực kỳ sợ voi. “Voi lửa” (trên lưng voi đặt súng đạn pháo và nhân binh phóng cầu lửa) đóng vai trò chủ đạo, uy hiếp đối phương, được điều khiển bởi nài voi. Voi chiến có thể trực tiếp tiêu diệt địch bằng ngà, vòi, chân làm vũ khí dẫm đạp.
Những người lính trên lưng voi có lợi thế về độ cao, quan sát tốt, tỏ ra lợi hại bằng những mũi giáo dài, cũng như dùng các loại cung, nỏ. Trong trận đánh kinh thiên động địa Tết Kỷ Dậu (1789) năm ấy, có hơn 100 voi xung trận dưới sự chỉ huy của nữ tướng Đô đốc Bùi Thị Xuân, những khẩu đại bác đặt trên lưng voi phóng đạn, những quả cầu lửa được phóng khắp nơi, quân Thanh địch không nổi, tán loạn, xéo cả nhau mà chạy, thây nằm ngổn ngang khắp đồng.
Số lượng voi ở Tây Sơn Thượng đạo xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau. Tập san Sử Địa số 13 có ghi: “Cùng với sự phát triển của nghĩa quân qua các trận đánh, Tây Sơn thu thêm nhiều voi chiến từ các nhà Nguyễn, Trịnh.
Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, Chúa Nguyễn mở rộng về phía Nam, gồm các vùng cao nguyên nên việc kiếm voi dễ dàng, vì thế chúa Nguyễn lúc nào cũng có hàng trăm voi, như giáo sĩ Delacourt khẳng định ít nhất là 400 voi trận”.
Theo nghiên cứu của Li Tana (Xứ Đàng Trong), trong lúc Đàng Ngoài phải mua voi từ Lào và lực lượng quân đội có khoảng 100 con, thì ngược lại Đàng Trong được lợi thế lớn có thể kiếm được nhiều voi ngay tại chỗ. Trừ vùng Quảng Nam ra thì hầu như vùng nào cũng có voi.
Tuy nhiên để tập hợp voi thành đội ngũ chỉnh tề, có tổ chức là vấn đề vô cùng khó khăn, nhất là việc luyện voi trở thành chiến binh. Nguyễn Nhạc sau khi lên ngôi vua năm 1778 đã tiến hành chỉnh đốn lực lượng tượng binh (ở Tây Sơn Thượng đạo khoảng 300 con), quy định rõ ngạch voi, số đội và các quy định về quản lý, chăm sóc huấn luyện voi.
Vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc giao cho Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thung và Nguyễn Lữ phụ trách kinh tế tài chính đồng thời giao riêng cho Đô đốc Bùi Thị Xuân phụ trách về chăm sóc và huấn luyện voi chiến.
Tranh minh họa nữ tướng, đô đốc Bùi Thị Xuân. Nguồn: qdnd.vn
Bùi Thị Xuân là người thôn Xuân Hòa, một thôn nằm phía đông Phú Phong (nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) sinh trưởng trong một gia đình khá giả.
Bà sớm được học văn, học võ, lớn lên vừa xinh đẹp vừa khéo léo, tính khí mạnh mẽ. Năm 1771, Bùi Thị Xuân 20 tuổi kết duyên với Trần Quang Diệu rồi cùng nhau tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc.
Việc huấn luyện voi của nữ tướng Bùi Thị Xuân hết sức chặt chẽ, bài bản, người dân địa phương vẫn lưu truyền câu chuyện: “Nghe đâu ở bãi gò Dinh, sông Côn là bãi tập voi của bà”. Hằng ngày bà cho voi ra huấn luyện đúng giờ giấc thời gian trong ngày để tạo thói quen.
Theo “Cân quắc anh hùng truyện” của danh sĩ Nguyễn Bá Huân (được in trong tập Bắc Bình Vương của Phạm Minh Thảo – NXB VHTT, 2008) ghi: “Bà dựa trên đặc tính của loài, voi thường sống trong nhóm gia đình, bao gồm con cái với các con non của nó hoặc một số con cái có quan hệ họ hàng, con đực tách riêng rẽ, toàn bộ chỉ hướng dẫn con voi cái hoặc voi mẹ già nhất là cả đàn làm theo”.
Ngoài ra từ kinh nghiệm là voi rất sợ những âm thanh lớn, lạ dị thường, vì thế bà dùng những tiếng chiêng, trống khuyếch đại âm thanh tập luyện một thời gian dài để voi làm quen. Từ đặc điểm này, trong các trận chiến voi Tây Sơn không hoảng loạn khi cờ trống đối phương nổi lên mà còn phấn khích hơn.
Trong chế độ ăn uống của voi, bà thường hòa nước muối vào một số lá cây rừng, bỏ vào trong các thân cây chuối để voi ăn ở các buổi tập luyện. Sau một thời gian voi quen với khẩu vị, bà dùng tập tính này để thưởng cho những chú “ngoan ngoãn” luyện tập, vì vậy cả đàn nhanh chóng đi vào khuôn phép.
Trong chiến thắng của vương triều Tây Sơn Tết Kỷ Dậu 1789, tượng binh đã làm cho quân Thanh kinh hồn bạt vía với chiến lược mang tính nghệ thuật quân sự độc đáo, đó là công lao rất lớn của nữ tướng Đô đốc Bùi Thị Xuân.
Đánh giá tài năng và sự cống hiến của bà cho sự thành công của triều Tây Sơn, Giáo sư sử học Nguyễn Khắc Thuần viết: “Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả một cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân trở thành một danh tướng đời đời kính trọng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.