Ai về nghe giọng... làng tôi

Thứ bảy, ngày 15/02/2014 08:01 AM (GMT+7)
Hàng nghìn năm qua, từ đời này sang đời khác, dẫu bao biến cố thăng, trầm nhưng tất cả những người con sinh ra, lớn lên ở mảnh đất này vẫn luôn giữ được “báu vật” của làng mình. Đó là, giọng nói đặc trưng của làng, người ngoài phải cần “phiên dịch”.
Bình luận 0
Ngôn ngữ làng tôi

Làng tôi, từ xa xưa có tên là vùng đất Bản Thủy hoặc Kênh Thủy. Về sau, được đổi tên thành xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) cho đến ngày nay. Dải đất Vĩnh Lộc trải dài, uốn lượn theo triền sông Mã bên phía bờ tả.

Hơn 600 năm về trước, vùng đất này được Hồ Quý Ly chọn làm nơi xây thành Tây Đô, lập ra Vương triều Hồ. Và cũng chính mảnh đất này là nơi phát tích của Chúa Trịnh, kéo dài ngôi vị hơn 240 năm…

  Tiếng làng Kênh Thủy là một thách thức với các cô gái trẻ về làm dâu.
Tiếng làng Kênh Thủy là một thách thức với các cô gái trẻ về làm dâu.

Vùng đất Kênh Thủy là nơi giáp với di chỉ văn hóa Đa Bút khoảng chừng 2km đường chim bay. Tuy gọi là làng, nhưng nơi đây là một xã, hiện nay có bốn làng nhỏ, dân số khoảng chục nghìn người.

Điều đặc biệt nhất là làng tôi có ngôn ngữ riêng. Tiếng mẹ đẻ được coi như báu vật của làng. Ngôn ngữ ấy vô cùng khác lạ so với bất kỳ ngôn ngữ các dân tộc khác, dù rằng người làng tôi đều là dân tộc Kinh. Thế nhưng, khi người dân quê tôi nói tiếng mẹ đẻ thì chỉ những người cùng quê mới hiểu, bởi cách phát âm nhiều từ vựng khác biệt hẳn với các vùng, miền khác ở xứ Thanh.

Cách phát âm về tên gọi nhiều sự vật, đồ dùng của giọng làng tôi đều rất khác với tiếng phổ thông. Thí dụ: Tóc - gọi là tắc; mũi-mủn; răng-nanh; lưỡi-lản; chân-chò; vung nồi-bàng xoong; cái nồi đất kho cá -trách; nắp nồi đất-phẳn; nia-nâm cấm; gầu múc nước giếng -đài; gầu sòng-bẳn; gáo múc nước-chuộc; giường-chằng; con nhện-rạnh; con chuồn chuồn-bà bịm; con mèo-mẻo; lúa-lọ; gạo-cấu; hạt tấm-mẳn; rơm-bui ..v.v..

Xin trích một đoạn hội thoại của người mẹ sai bảo đứa con gái: “Té, chằn vô lày phẳn đặn trách cá lậy không thiêng mọ đi đá, xoong đẩn lả vô cấy chá”. Con gái phụng phịu vì mải chơi, nói lại: “Rầy rẩy cấy, té đẳng bắt con bà bịm”. Người mẹ liền quát nạt con: “Hoọc không chìu hoọc, mằn không mằn, răng mi đi bắt bà bịm mải rứa? Không lày phẳn đặn trách cá lậy, thiêng mọ đi lày chi hốc?”.

Xin “dịch” theo tiếng phổ thông: Người mẹ sai bảo con gái: “Bé, chạy vào lấy vung đậy nồi cá kho lại, kẻo chuột mò vào ăn mất đấy, xong rồi gài củi vào bếp lửa cái nhé”. Đứa con gái đang mải chơi, nên phụng phịu nói lại: “Từ từ chút, con đang bắt con chuồn chuồn”. Người mẹ quát nạt con: “Học không chịu học, làm không làm, sao mày đi bắt chuồn chuồn mãi thế? Không lấy vung đậy nồi cá lại, chuột ăn mất, lấy gì mà ăn?”.

Báu vật của làng


Người dân làng tôi rất tự hào về ngôn ngữ riêng của quê mình. Từ người già, tới con trẻ làng tôi đều có thể nói tiếng mẹ đẻ song song với tiếng phổ thông (tiếng Việt). Bởi vậy, những người đi trước luôn răn dạy lớp người đi sau rằng; “chém cha không bằng pha tiếng”. Đã là người sinh ra và lớn lên ở làng tôi, dù đi khắp nơi làm ăn, sinh sống cũng phải giữ được tiếng mẹ đẻ.

Người làng tôi đi xa quê hương, nếu gặp người cùng làng, cùng xã ở bất kể nơi đâu, đều nói chuyện với nhau bằng tiếng Kênh Thủy, chứ không dùng tiếng phổ thông giao tiếp. Thậm chí, có người đi sang nước Pháp, nước Nga xa xôi, định cư mấy chục năm, khi về thăm quê vẫn nói tiếng Kênh Thủy chuẩn. Người làng tôi chất phác, thật thà nên khi gặp nhau giữa chốn thị thành đều kể những chuyện làng quê bằng tiếng mẹ đẻ mà chẳng ngại ngùng hay sợ người “phố” chê mình... nhà quê.

“Té, chằn vô lày phẳn đặn trách cá lậy không thiêng mọ đi đá, xoong đẩn lả vô cấy chá”.

Trích một đoạn hội thoại của người mẹ sai bảo đứa con gái

Trong khi đó, người dân làng tôi cũng lấy vợ, lấy chồng ở nơi khác, nhưng dù người nơi khác về đây ở rể, làm dâu thì suốt đời họ vẫn không thể nào phát âm chuẩn được giọng làng tôi, tuy rằng họ hiểu được ngôn ngữ ấy. Và đương nhiên, khi những đứa trẻ có mẹ, hoặc bố là người làng tôi, sinh ra ở đây thì đều nói được tiếng Kênh Thủy.

Nhiều đoàn nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đã về tìm hiểu tiếng nói của người dân làng tôi. Họ ở lại nhiều ngày để ghi lại tiếng nói, cách phát âm tiếng Kênh Thủy, nhằm tìm hiểu nguồn gốc tiếng nói nơi đây. Tuy nhiên, đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng về nguồn gốc ngôn ngữ của làng.

Có giả thuyết cho rằng, tiếng nói, cách phát âm của người quê tôi do nguồn nước ở địa phương quyết định; hoặc do một bộ tộc người cổ đến đây cư trú hàng nghìn năm trước tạo nên. Cũng có giả thuyết cho rằng, tiếng nói của người dân làng tôi bắt nguồn từ tiếng Việt – Mường cổ; hoặc là nguồn gốc của tận cùng tiếng Mường, khởi thủy tiếng Kinh, lẫn theo tiếng Hoa, tiếng Thái và cũng có thể có cả tiếng Chăm (?!)

Dẫu rằng, trong khi các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đang tìm hiểu về nguồn gốc tiếng nói, cách phát âm của người làng tôi, thì hơn 8.000 người dân ở bốn làng Đông, Đoài, Trung, Sanh và khoảng chừng hơn 2.000 người địa phương đang sống xa quê, hàng ngày vẫn sử dụng, gìn giữ tiếng Kênh Thủy của quê hương mình như một báu vật vốn có từ xa xưa đến bây giờ vậy.
Thế Lượng (Thế Lượng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem