“Tôi nhớ có lần đi cùng đoàn của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton bước vào quán Việt, tôi nhận thấy dường như ông đã rất sửng sốt khi được ăn món phở. Món ăn của nhà hàng này từ đó có tên gọi mới “phở Tổng thống”... Đại sứ Ngô Quang Xuân kể về vai trò của nông sản Việt - tác nhân không thể thiếu vắng của trụ cột ngoại giao văn hóa Việt Nam.
Thưa ông, tiệc ngoại giao là nơi truyền tải những thông điệp về tinh hoa, văn hóa ẩm thực thông qua những sản vật của nước chủ nhà đến bạn bè quốc tế. Trong thời gian sống ở nước ngoài, chắc hẳn ông sẽ có rất nhiều câu chuyện về những món ăn mang hồn cốt người Việt, tỏa sáng trên các bàn tiệc ngoại giao?
Đại sứ Ngô Quang Xuân chia sẻ kỹ năng giao tiếp ngoại giao với các ứng viên Hoa khôi Áo dài năm 2014. (Ảnh: Tuấn Linh)
- Tôi có thể kể được rất nhiều câu chuyện thú vị về ngoại giao ẩm thực, nhưng ấn tượng nhất là lần ở New York (Mỹ) tôi mời một số nhà ngoại giao nước ngoài tới Phái đoàn ngoại giao ta dự tiệc ngồi với một vài món “chủ công” của cơm Việt.
Thật ngạc nhiên khi một nhà ngoại giao lão luyện từ Tây Âu chia sẻ với bàn tiệc rằng các món ăn Đại sứ Xuân chiêu đãi hôm nay “rất tuyệt”, rồi ông khoái chí cho biết vừa mới tìm được những món ăn cũng có thể nói truyền thống và “authentique” (đích thực) nhất của ẩm thực Việt tại quán La Cuisine du Việt Nam (Ẩm thực Việt Nam) ở góc Phố 13 gần giáp với Đại lộ 7 (Đảo Mahattan, thành phố New York).
Ông nói thêm cứ tính trung bình một nhiệm kỳ ngoại giao cho là kéo dài ba bốn năm, có lẽ ông sẽ không kịp nếm hết món ăn đến từ các dân tộc ở khối lượng khổng lồ các nhà hàng có mặt trên Đảo Mahattan này, và để chắc chắn không bỏ sót, ông đã chọn ẩm thực Việt Nam đặt vào tốp ưu tiên nhất trong “lộ trình khám phá ẩm thực” của mình. Dần dà, các món ăn và chuyện trò ngoại giao sôi nổi đã giúp tôi “đưa” bạn bè năm châu ngày càng đến gần với đất nước và con người, đến với hồn cốt văn hóa Việt…
Thế giới biết đến Việt Nam là một đất nước nông nghiệp. Là nhà ngoại giao Việt Nam, ông đã bao giờ tận dụng lợi thế đất nước là một quốc gia nông nghiệp để giới thiệu, quảng bá những nông sản đặc biệt của Việt Nam trên bàn tiệc ngoại giao hay chưa?
- Cái nghiệp ngoại giao đa phương của tôi không chỉ một thời có liên quan nhiều tới nhiệm vụ bảo vệ, giới thiệu, quảng bá nền nông nghiệp và những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Những hoạt động này thường xuyên diễn ra ở Liên Hợp Quốc, ở Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), ở hội đàm, giao lưu với các quốc gia…
Trong chặng đường dài đàm phán Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có thể nói phần về hàng hóa và thuế liên quan đến sản phẩm nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn từ yêu cầu của đoàn đàm phán các nước cũng như trong nội dung các bản chào đàm phán của ta. Vào những thời điểm đó thì việc giới thiệu đặc sản Việt thông qua các hoạt động ngoại giao ẩm thực có thể hỗ trợ phát huy tác dụng kép, vừa góp phần cho việc thuyết phục chấp nhận thỏa hiệp đàm phán trên bàn tiệc, vừa xây dựng được thiện cảm của bạn bè các nước.
Những món ăn làm từ nông sản Việt đã từng làm vị khách quốc tế nào sửng sốt không, thưa ông?
Quan điểm
Tôi cũng gặp khá thường xuyên một số đặc sản như nem rán, nem cuốn... trên các bàn tiệc ngoại giao chính thức mà các nước họ tổ chức ở những khách sạn sang trọng.
-Cũng khá nhiều đấy! Vào một ngày tháng 11.2000, khi tham gia nhóm tiền trạm đón đoàn cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên sau chiến tranh - tôi đã thấy nét mặt hầu hết người dân TP.HCM mà tôi được gặp tại khu vực nhà hàng 1-3 đường Phan Chu Trinh, quận I đã sửng sốt như thế nào khi phát hiện ra vị Tổng thống vào đây... ăn phở!
Trước đó, chúng tôi đã mục sở thị vẻ mặt hồ hởi của Tổng thống Bill Clinton khi ông bước vào quán, và với con mắt nghề nghiệp của mình, tôi nhận thấy dường như ông đã rất sửng sốt khi được ăn món phở. Quán phở xuất hiện tên mới “Phở 2000” và tên đặc biệt là “Phở Tổng thống” từ đây…Giờ thì tôi chỉ ước mơ làm sao để các nhà hàng giữ cho bằng được hương vị thực sự truyền thống vốn có của món đặc sản độc nhất vô nhị này.
Ông cũng là người được đi dự rất nhiều tiệc chiêu đãi ngoại giao, có bao giờ ông ngạc nhiên phát hiện thấy nông sản Việt Nam trên bàn tiệc của họ ?
- Tôi không nói về tiệc tùng tại tư dinh các nhà ngoại giao các nước ở Việt Nam, mà chỉ nói tới gần một thập kỷ rưỡi bôn ba làm Đại sứ ở nước ngoài, tôi đã từng được nghe nhiều phu nhân Đại sứ các nước khoe rằng hoặc họ tự làm, hoặc họ yêu cầu người giúp việc thường xuyên làm các món ăn Việt ở nhà. Ở Geneve, Thụy Sĩ chẳng hạn, họ còn khoe hàng tuần “đi chợ” sang thành phố Ferney Voltaire bên Pháp, đến cửa hàng Mekong hoặc một số cửa hàng của người Việt khác để sắm mọi nguyên liệu và gia vị để về chế biến các món ăn Việt. Có thể nói rằng, việc thấy trên mâm cơm mỗi gia đình ngày càng xuất hiện thêm “yếu tố” nước ngoài đang dần trở thành bình thường của thời cả thế giới đang tích cực hội nhập với nhau.
Nông sản Việt không chỉ tăng thêm độ ngon, vị đậm đà, tính thẩm mỹ cho các món ăn Việt Nam, nhưng vượt xa hơn, làm thế nào để nó trở thành đại sứ văn hóa, đại sứ ẩm thực Việt, truyền những hồn cốt người Việt lan tỏa khắp nơi trên thế giới, thưa ông?
- Theo tôi chúng ta đã có được những điều cơ bản, đã có cái “bất biến”, đó là ẩm thực Việt đã được yêu thích, đã có thương hiệu nhất định. Vấn đề ở đây là mọi người Việt chúng ta cần hiểu biết hơn, tự giác hơn, cần trân trọng gìn giữ, phát huy. Người nông dân thì phải bảo đảm làm ra chất lượng mặt hàng nông sản sạch, người làm chế biến, nhà hàng hay thương gia thì đừng quá chạy theo đồng tiền mà làm méo mó hàng hóa, làm hàng giả, tranh nhau buôn chuyến làm mất giá… Tôi tin rằng từ những điển hình thành công, một nền ngoại giao PR (tuyên truyền vận động, giới thiệu quảng bá…) cho những thế mạnh Việt sẽ giúp củng cố uy tín và phát triển vị thế nông sản Việt, văn hóa Việt trên trường quốc tế.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Đại sứ/Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XII Ngô Quang Xuân được biết đến nhiều bởi ông là người đã cống hiến cả đời cho nền ngoại giao đa phương, là Đại sứ bên cạnh Liên Hợp Quốc, New York trong thập kỷ 90 và tại các tổ chức quốc tế ở Geneve (Thụy Sỹ) giai đoạn 2002-2008. Ông cũng là vị Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại WTO. Với đóng góp của mình, ông đã được Nhà nước tặng nhiều huân chương, huy chương và vinh danh Đại sứ “suốt đời”…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.