Cũng là con cá tươi vừa bắt được, là miếng thịt xẻ ra còn nóng hổi nhưng dựa vào những thứ có xung quanh mà người ta có phương án chế biến khác nhau để từ đó có cách gọi tên sao cho đặc tả và cùng đạt đến cái đích là vui vẻ, ngon lành.
Chẳng rõ ngày trước ra biển bắt được con cá hồng, người ngư dân miền biển rắc muối, kẹp lá rau thơm ăn gỏi cảm nhận cái lạc thú sông nước thế nào. Cũng như chẳng hay người đồng bằng châu thổ kết rơm nướng cá lòng đào ra sao. Nhưng với đồng rừng thì phải là "thịt thơm mùi khói".
Bữa đó chúng tôi hào hứng với miếng thịt lợn mà đồng bào miền núi gọi là thịt lợn ba sọc dưa. Than đã hồng, thịt đã ướp thơm mùi gia vị mà vẫn chưa hay chàng thanh niên người Thái sẽ nướng như thế nào. Thường thì người ta vẫn hay ép thịt bằng kẹp lưới sắt, hoặc cầu kì hơn là vót xiên tròn vừa quạt than vừa phải quay đều tay. Hoặc giả, có người lại chẻ nan mỏng, đan thành cáng che, trong bọc lá chuối rồi nướng hai lần lửa để thịt, cá chín dần. Nhưng lần này thì chúng tôi khó đoán thật.
Thoạt tiên, chàng trai mang con dao bản leo lên đồi tìm những ống tre nhỏ chỉ bằng cổ tay, nghĩa là lớn hơn những ống cơm lam một chút. Sau đó buộc những xiên thịt vào quanh ống và đặt lên than nướng. Cách chế biến này chỉ có thể được bật mí khi được cảm nhận trên mâm cơm. Thịt chín đều, vàng ruộm và có vị thơm ngọt khi được áp vào ống tre như một kiểu nướng áp chảo. Quả tình với những gì đang có trong tay, người thanh niên Thái vẫn đem lại cách chế biến lạ lẫm. Vừa cười vừa gắp thức ăn cho khách, anh vừa nói:
- Người đồng rừng sở dĩ chế biến thế bởi không gần nguồn nước, vừa giữ được vệ sinh trong cách chế biến, hơn nữa lại dễ mang theo làm thức ăn khô đi rừng. Giờ không còn cuộc sống săn bắn, du mục nhưng bà con vẫn giữ cách chế biến đó, coi như một thói quen trong văn hóa ẩm thực. Ngẫm ra cũng thật thú vị biết chừng nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.