Ngày xưa, khi việc nuôi trồng khó khăn, các loại rau dại là "cứu cánh" cho người dân, không chỉ là rau xanh bổ sung vitamin mà còn là lương thực cứu đói.
Còn ngày nay, mức sống của người dân đã được cải thiện, ngày càng chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống lành mạnh và rau dại một lần nữa trở thành một "hương vị thơm ngon".
Rau dại rất khác với các loại rau thông thường, thường trông giống cỏ hơn, nhưng giá trị dinh dưỡng rất cao, nhiều loại rau dại vừa là thực phẩm vừa là thuốc.
Mùa thu là mùa thu hoạch, thiên nhiên không thể thiếu các loại rau rừng thơm ngon, người xưa thường nói: "Ăn 3 loại cỏ vào mùa thu tốt hơn dùng đông trùng hạ thảo".
Dưới đây là 3 loại "rau rừng" phù hợp với mùa thu, bổ dưỡng, ngon miệng.
Loại rau 1: Tề thái
Tề thái là một trong những loại rau dại mọc khá nhiều ở các vùng nông thôn, vùng núi. Vào mùa thu, mặc dù rau này không non mềm như mùa xuân nhưng cũng rất ngon miệng, đáng để bạn nếm thử.
Loại rau này lá xanh mềm, giàu vitamin C, vitamin A, sắt, canxi và các chất dinh dưỡng khác, có tác dụng thanh nhiệt và giải độc. Ngoài ra, tề thái còn rất giàu chất xơ, giúp thúc đẩy nhu động ruột, nhuận tràng.
Món ăn gợi ý: Rau tề thái trộn hạnh nhân
Nguyên liệu: Rau tề thái, hạnh nhân, kỷ tử, tỏi
Cách làm:
- Có rất nhiều đất trong rau tề thái nên hãy làm sạch nó nhiều lần, sau đó cắt bỏ rễ. Loại rau này mọc dại nên khi thu hoạch sẽ lẫn nhiều loại cỏ dại, lá cây nên cần phải nhặt bỏ. Dù hơi rắc rối nhưng độ ngon của loại rau này đáng để chúng ta bỏ công.
- Cho nước vào nồi đun sôi, thêm 1 thìa dầu vào, chần rau tề thái trong 20-30 giây. Dầu ăn giúp rau giữ được màu xanh non.
- Vớt rau tề thái ra cho ngay vào nước nguội để hương vị ngon hơn.
- Sau khi rau nguội, vớt rau ra vắt kiệt nước, sau đó đặt lên thớt, cắt nhỏ. Gỡ rau tơi ra rồi cho vào tô lớn.
- Chuẩn bị nước sốt: Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ cho vào bát, thêm 1 thìa hạt vừng trắng rang chín, đổ dầu nóng cho thơm, sau đó thêm 2 thìa giấm, 1 thìa nước tương nhạt, muối, đường, tinh chất gà, dầu mè, sau đó khuấy đều.
- Thêm hạnh nhân và kỷ tử vào rau tề thái sau đó đổ nước sốt gia vị và khuấy đều.
Loại rau 2: Ngọn su su
Rau su su rất giàu vitamin, axit amin, chất xơ thô, có thể giúp nhu động ruột, tăng cường tiêu hóa đường tiêu hóa.
Ngoài ra hàm lượng protein của loại rau này cũng rất cao, bổ dưỡng như ăn thịt, có tác dụng tốt cho mắt và làm giảm huyết áp...
Món ăn gợi ý: Rau su su trộn
Nguyên liệu: Rau su su, ớt cay, tỏi.
Cách làm:
- Ngọn su su tươi mùa về, tước bỏ vỏ, để lại phần non mềm. Sau đó bẻ rau thành các đoạn ngắn, rửa sạch bằng nước nhiều lần.
- Cho nước vào nồi, đun sôi, thêm một thìa muối và chút dầu ăn vào, chần ngọn rau su su trong vòng 1-2 phút để ngọn rau chín vừa, không nên chần quá lâu khiến ngọn bí bị nhừ. Dầu ăn sẽ giúp ngọn rau xanh non. Vớt rau ra, để ráo nước.
- Chuẩn bị nước sốt: Tỏi băm nhỏ, ớt cắt khúc ngắn, thêm một ít bột hạt tiêu, một thìa hạt vừng, rồi đổ dầu nóng để kích thích mùi thơm của tỏi và ớt băm. Thêm một thìa muối, một thìa nước tương nhạt, một thìa giấm gạo, một lượng dầu mè thích hợp, sau đó khuấy đều gia vị.
- Cho rau su su vào tô lớn, đổ nước sốt đã nêm vào, sau đó khuấy đều, bày ra đĩa và thưởng thức.
Loại rau 3: Nụ hoa hiên
Hoa hiên (Daylily) hay còn gọi là kim châm, huyên thảo, hoàng hoa và một số người gọi nó là "rau não", bởi vì loại hoa này không chỉ giàu protein và carotene, mà còn rất giàu lecithin, có tác dụng rất tốt trong việc tăng cường và cải thiện não bộ.
Món ăn gợi ý: Hoa hiên trộn tỏi ớt
Nguyên liệu: Hoa hiên, tỏi, ớt cay.
Cách làm:
- Loại bỏ nhị hoa và làm sạch chúng, cho hoa hiên vào nồi nước sôi, thêm 1 thìa muối sau khi nước sôi, sau đó nhỏ vài giọt dầu ăn, để giữ màu hoa tươi non. Chần hoa trong 2 phút, sau đó lấy ra và cho vào nước lạnh để nguội.
- Sau khi nguội hoàn toàn, vớt hoa hiên ra để ráo nước. Bày chúng ra đĩa cho chỉn chu, đẹp mắt.
- Tỏi bóc vỏ băm nhỏ, ớt cắt khúc ngắn.
- Đổ dầu vào chảo nóng, sau đó cho tỏi băm và ớt cay vào xào. Cách này giúp tỏi không còn mùi cay nồng và có vị ngon hơn.
- Chuẩn bị nước sốt: Cho một thìa muối vào bát, đổ vào một lượng thích hợp, thêm một chút đường, một lượng giấm thích hợp, đổ dầu nóng vào để kích thích mùi thơm, sau đó đổ hoa hiên vào.
Lưu ý: Hoa hiên tươi có chứa colchicine, có thể dễ dàng gây ngộ độc. Khi chế biến nên bỏ nhị hoa bên trong ra vì nhị hoa cũng chứa một phần colchicine.
Sau khi loại bỏ nhị hoa, bạn cần rửa sạch chúng bằng nước nhiều lần, tốt nhất là ngâm chúng một lúc. Sau đó, chần chín hoa để loại bỏ hoàn toàn colchicine.
Chúc bạn thành công khi chế biến các loại rau này!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.