An Giang: Về làng nghề bánh phồng trăm tuổi ở miền Tây nhớ vị Tết xưa

Chúc Ly - Ngọc Quyên Thứ năm, ngày 20/01/2022 13:20 PM (GMT+7)
Làng nghề bánh phồng trăm tuổi ở miền Tây lại tất bật sản xuất mỗi độ Tết đến xuân về. Hương vị truyền thống đặc trưng của bánh phồng nơi đây trở thành phần ký ức đậm sâu của nhiều người dân An Giang.
Bình luận 0

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, tiếng chày quết bánh phồng đã trở thành ký ức, hoài niệm của biết bao thế hệ người dân An Giang.

Bánh phồng là món ăn dân dã, thân thuộc không chỉ bởi hương vị, mà còn mang đậm tình làng nghĩa xóm.

Về làng nghề bánh phồng trăm tuổi ở miền Tây để nhớ vị Tết xưa - Ảnh 1.

Hương bánh phồng nướng bên bếp lửa hồng khiến nhiều người nhớ nhung vị Tết xưa. Ảnh: CTV.

Đến với làng nghề bánh phồng Phú Mỹ ở ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân những ngày giáp Tết mới có cảm nhận hết không khí nhộn nhịp, tất bật của nơi đây. Trải qua thăng trầm, làng nghề truyền thống này tồn tại gần 100 năm tuổi.

Ngay từ sớm tinh mơ, men theo con đường nội ô thị trấn Phú Mỹ, tiếng chày quết bánh vang đều khắp cả xóm. Ở đây, người người, nhà nhà san sát nhau phơi bánh trắng cả sân trước, ngõ sau, kể cả tận dụng không gian trên mái nhà.

Về làng nghề bánh phồng trăm tuổi ở miền Tây để nhớ vị Tết xưa - Ảnh 2.

Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ trăm năm tuổi tất bật mỗi độ xuân về. Ảnh: CTV.

Về làng nghề bánh phồng trăm tuổi ở miền Tây để nhớ vị Tết xưa - Ảnh 3.

Những mẻ bánh phồng đẹp mắt sắp thành phẩm. Ảnh: CTV.

Theo nhiều cụ cao niên ở đây cho biết, từ khi người dân biết trồng nếp thì bánh phồng cũng bắt đầu xuất hiện. Qua thời gian với nhiều đổi thay, biến cố, chiếc bánh phồng vẫn gắn với hạt nếp Phú Tân, gắn bó với cuộc sống của người dân xứ cù lao chân chất, nghĩa tình.

Chỉ riêng làng bánh phồng ấp Thượng 3, mỗi năm có thể sử dụng khoảng 1.000 tấn nếp để chế biến hàng vạn chiếc bánh phồng các loại. Làng nghề hiện có trên 50 cơ sở làm bánh, giải quyết việc làm thường xuyên khoảng 300 lao động. 

Về làng nghề bánh phồng trăm tuổi ở miền Tây để nhớ vị Tết xưa - Ảnh 4.

Người dân tận dụng mái nhà để phơi bánh phồng. Ảnh: CTV.

Điều làm nên sự đặc biệt của bánh bồng nơi đây chính là hương vị truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Hương vị đặc trưng đó được tạo nên bởi nguồn nếp do địa phương sản xuất với tên gọi thân thương "nếp Phú Tân".

Nhờ nguồn nguyên liệu nếp đặc sản riêng biệt, nên bánh phồng Phú Mỹ có hương vị riêng, độ thơm, béo, ngọt rất khác biệt so với bánh phồng ở những nơi khác. Chính yếu tố đó đã giúp làng nghề tồn tại cho đến ngày nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem