ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội
Nằm trong chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, các ĐBQH đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Theo ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, bày tỏ sự băn khoăn đối với một số điều luật được bổ sung vào nội dung, quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước.
Điều luật đầu tiên được ông Nguyễn Đức Kiên chỉ ra là Khoản 4, Điều 30 với nội dung: “Căn cứ để ban hành quyết định kiểm toán là có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Ông Kiên bình luận: “Đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật rồi thì phải chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra để khởi tố, truy tố chứ? Kiểm toán chỉ vào cuộc ở giai đoạn sau, khi cần đánh giá thiệt hại do vụ việc gây ra. Tôi không rõ cơ quan soạn thảo lý giải điều luật này như thế nào?”.
Với nội dung “Khi thực hiện kiểm toán, Kiểm toán viên Nhà nước có quyền truy cập vào dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và dữ liệu điện tử quốc gia; yêu cầu đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng truy cập phần mềm ứng dụng của đơn vị để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán” tại điểm b khoản 2 Điều 42 của Luật Kiểm toán nhà nước, thậm chí ĐBQH Nguyễn Đức Kiên đề nghị cơ quan soạn thảo phải đối chiếu lại với Hiến pháp.
“Cá nhân tôi sau khi liên hệ với các Luật về kinh tế mà bản thân được giao phụ trách, tôi thấy có nhiều bất cập”, ông Kiên nói.
Còn với Điều 68 về Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động Kiểm toán Nhà nước, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên cho rằng: “Quy định ở điểm a, Khoản 1 về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động Kiểm toán Nhà nước, bao gồm cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước. Nếu chỉ nói pham vi đối tượng được quy định ở điều khoản này, thì tất cả mọi đối tượng, từ bà bán nước tới doanh nghiệp Nhà nước ai cũng bị kiểm toán. Bởi lý giải nộp ngân sách cũng có nghĩa là nộp thuế, tôi không hiểu quy định như vậy thì Kiểm toán Nhà nước có đủ nhân sự để làm không, có chồng chéo tới việc khác không?”.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Trường Giang nêu quan điểm: “Tôi vào kiểm toán cơ quan thuế, nhằm đối chiếu xem cơ quan thuế có tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động thu thuế hay không? Khi đó, tôi sẽ tiến hành kiểm toán tuân thủ và tiến hành đối chiếu với người nộp thuế. Như vậy người nộp thuế mới là đối tượng kiểm toán, tất cả mọi người nộp thuế, từ bà bán nước tới các đối tượng khác đều bị kiểm toán. Tôi đề nghị cần nghiên cứu thêm, quy định rõ, tránh gây hiểu lầm, mở rộng đối tượng, đơn vị được kiểm toán. Còn trên thực tế, nguồn lực của Kiểm toán Nhà nước cũng không thể thực hiện kiểm toán được toàn bộ đối tượng”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước
Trong khi đó, theo Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước bổ sung khoản 1, khoản 2, khoản 2a Điều 68 để quy định rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Ủy ban TCNS cho rằng, nội dung của khoản 1, khoản 2 điều 68 như dự thảo Luật là chưa rõ ràng và mở rộng đối tượng kiểm toán so với quy định tại Điều 4 của Luật KTNN hiện hành là “Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”.
Vậy nên, tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động kiểm toán là các tổ chức, cá nhân mà kiểm toán viên xác định được trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán và cho rằng các tổ chức, cá nhân đó có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán, có những nội dung cần làm rõ để xác nhận, đánh giá và kết luận, kiến nghị về đơn vị được kiểm toán. Tổ chức, cá nhân chỉ trở thành tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán khi tổ chức, cá nhân đó liên quan đến việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Đồng thời, việc kiểm tra, đối chiếu…đối với tổ chức, cá nhân có liên quan không phải là kiểm toán tổ chức, cá nhân đó. Vì vậy, sửa đổi Luật cần tập trung: (1) làm rõ thế nào là “tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”; (2) Quy định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán;
(3) Quy định quyền hạn, phạm vi, trình tự, thủ tục của KTNN trong việc kiểm tra, đối chiếu… đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.