Bà lão nhặt ve chai hơn 40 năm và những lần "tay không bắt móc túi" ở bờ hồ Hoàn Kiếm

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 30/06/2022 14:00 PM (GMT+7)
Suốt hơn 40 năm lang bạt nhặt ve chai kiếm sống quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, bà Trần Thị Nậm không thể đếm nổi bao nhiêu bước chân của mình đã đi qua. Nhiều đối tượng móc túi, "tăm tặc" thấy bà phải ngán ngẩm rời đi.
Bình luận 0

Bà lão nhặt ve chai hơn 40 năm bờ hồ Hoàn Kiếm và những lần "quyết chiến" với "tăm tặc", móc túi

Những ngày này, trời Hà Nội oi nóng, ngột ngạt, thế nhưng hôm nào cũng vậy bà Trần Thị Nậm (71 tuổi, quê huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đều đặn vẫn đi bộ 15 đến 20 vòng bờ hồ Hoàn Kiếm nhặt ve chai. 

Với nhiều người dân thủ đô, mỗi lần đi qua đây không lạ lẫm gì với hình ảnh bà lão dù ở tuổi thất thập nhưng rắn rỏi, giọng nói vang. Thế nhưng ít ai biết, bà còn "kiêm nhiệm" tham gia hỗ trợ cùng công an bắt nhiều đối tượng móc túi, "tăm tặc" quanh khu vực bờ hồ này.

Bà lão nhặt ve chai và những điều chưa kể tay không bắt móc túi ở bờ hồ Hoàn Kiếm  - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Nậm đã gắn bó quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội hơn 40 năm qua.

Vẻ mặt cười tươi, bà Nậm gạt đi những giọt mồ hôi lấm tấm lên chiếc áo cũ đã phủ màu gió sương. Bà chia sẻ, đã sống bằng nghề nhặt ve chai quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm suốt hơn 40 năm qua. Trái ngược với nhiều người khi thấy móc túi, bán tăm lừa đảo chọn cách im lặng, tránh lo chuyện bao đồng thì bà Nậm không bao giờ khoanh tay đứng nhìn. Không ít đối tượng móc túi theo đuổi "con mồi" thấy "mụ già" Nậm liền ngán ngẩm rời đi.

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bà Nậm kể, cách đây khoảng 3 tháng tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm xuất hiện nhóm móc túi. Nhóm này thường có khoảng gần chục đối tượng. Vốn đi nhặt ve chai ở đây nên bà Nậm biết đâu là khách du lịch, đâu là kẻ gian.

Bà lão nhặt ve chai và những điều chưa kể tay không bắt móc túi ở bờ hồ Hoàn Kiếm  - Ảnh 2.

Hàng ngày bà lão vẫn miệt mài đi nhặt ve chai, bên cạnh đó thường xuyên để ý nhóm đối tượng xấu móc túi người đi đường. Ảnh: Gia Khiêm

"Tôi có hơn 40 năm ăn ngủ bờ hồ Hoàn Kiếm nên nhẵn mặt nhóm móc túi, bán tăm lừa đảo. Hôm đó vào ban ngày nhóm đối tượng bám theo một bạn trẻ lợi dụng sơ hở để kéo khoá rút ví tiền, điện thoại. Tôi lẳng lặng bám theo, mượn điện thoại của người đi đường lấy trong túi tờ ghi số điện thoại của Công an quận Hoàn Kiếm gọi ra bắt sống. Khi bắt nhóm đối tượng con cãi nhem nhẻm nhưng trước bằng chứng không thể chối cãi công an đã bắt 4,5 đối tượng về trụ sở xử lý", bà Nậm kể.

Có những vụ do quá bức xúc trước hành vi gian xảo của các đối tượng, bà Nậm lao vào "quyết chiến" luôn. "Có lần do quá bức xúc khi thấy đối tượng xấu móc túi tôi lao vào đấm túi bụi vào mặt sau đó hô hào người dân báo công an", bà Nậm nhớ lại.

Bà lão nhặt ve chai và những điều chưa kể tay không bắt móc túi ở bờ hồ Hoàn Kiếm  - Ảnh 3.

Hình ảnh bà Nậm bắt nhóm tăm tặc báo công an giải quyết thời điểm tháng 9/2017. Ảnh: CĐM

Bên cạnh đó, bà cũng là người nhặt được nhiều tài sản có giá trị như máy tính, ví tiền, điện thoại… của người dân để quên khi mải mê chụp ảnh để trả.

"Tôi nhớ hôm 2 giờ sáng nhặt được túi xách trong đó có điện thoại, ví tiền. Tôi đứng một lúc nhưng không thấy ai quay lại nhận. Sau đó tôi liền mang lên Công an phường Hàng Đào bàn giao. Không lâu sau đó người mất lên trình báo thì may mắn nhận lại được tài sản của mình ở đây. Họ muốn gửi cám ơn nhưng tôi không lấy bởi người ta cũng là dân lao động đi chơi sơ suất bị mất nhưng may mắn tìm lại được", bà Nậm nhớ lại.

Bà lão nhặt ve chai : "Tôi không sợ bị trả thù"

Chuyện làm phúc đáng ra là việc tốt cần nhân rộng, thế nhưng khi kể ra ngần ấy chuyện, ngoài thái độ kính trọng, mến mộ, bà Nậm vẫn nhận lại không ít lời dèm pha. Thậm chí có lúc bà còn "bị chửi" nói "mụ nhặt rác đầu đường xó chợ dương oai, diễu võ. Có người lại xa lánh, sợ mình là kẻ bao đồng, hở một chút là soi mói hoặc hung hăng, đánh đấm người khác".

Bà lão nhặt ve chai và những điều chưa kể tay không bắt móc túi ở bờ hồ Hoàn Kiếm  - Ảnh 4.

Bà Nậm cười cho biết, không hề sợ kẻ gian trả thù, bà muốn bờ hồ Hoàn Kiếm sẽ không có đối tượng xấu nào. Ảnh: Gia Khiêm

Sau 2,3 năm tích cóp được khoản tiền hơn 20 triệu cầm theo người phòng khi ốm đau bệnh tật, cách đây vài tháng trong lúc ngủ ghế ven bờ hồ bà Nậm bị kẻ gian móc mất. 

"Số tiền đó phải đánh đổ mồ hôi công sức, nhặt nhạnh ve chai bán với giá 4 nghìn đồng/kg bao ngày tháng tôi mới dành dụm được. Không có nhà cửa nên đi đâu tôi cũng mang bên mình. Chính vì bị mất trộm tôi biết mình càng phải bài trừ những đối tượng trộm cắp, móc túi. Cứ phát hiện đối tượng nào nghi vấn tôi liền báo công an. Nhiều người lo sợ bị trả thù chứ riêng tôi thì không. 

Tôi nói với công an, nếu ngày nào tôi bị trả thù cứ tra hỏi những đối tượng móc túi quanh khu vực bờ hồ kiểu gì cũng ra. Tuyệt nhiên, khoảng hơn 2 tháng nay không thấy đối tượng nào bén mảng đến đây nữa", bà Nậm cười nói.

Bà lão nhặt ve chai và những điều chưa kể tay không bắt móc túi ở bờ hồ Hoàn Kiếm  - Ảnh 5.

Đồ hành lý bà Nậm luôn mang theo bên mình. Ảnh: Gia Khiêm

Nhiều năm qua, bà Nậm được một gia đình ở gần trụ sở Công an phường Hàng Đào cho tá túc, tắm gội nhờ. Xong xuôi bà lại ra khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm nhặt nhạnh ve chai, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường.

"Ít người biết tôi có 2 người con một trai một gái. Các con tôi đều đã có gia đình và ở quê. Tôi không bao giờ nói quê mình bởi sợ có kẻ về nhà trả thù. Con trai cả 50 tuổi nhưng bị tai biến nhiều năm nay. 

Trước nhặt được nhiều ve chai cứ 3 tháng tôi lại gửi cho vài triệu nhưng từ khi Covid-19 cuộc sống khó khăn nên tôi cũng không gửi được gì. Được cái ông trời cho mụ già như mình sức khoẻ. Bao năm qua nắng thì ở dưới gốc cây, mưa thì ngủ vỉa hè nhưng may không ốm đau gì", bà Nậm cho hay.

Bữa lót dạ của bà lão đặc biệt này rất đơn giản, sáng ăn 10 nghìn xôi, trưa nhịn, tối khi thì suất cơm hộp, cái bánh mì… Với việc tham gia ngăn chặn trộm cắp, móc túi bà từng nhiều lần nhận Bằng khen của Công an TP Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm, UBND quận Hoàn Kiếm và các phường trên địa bàn. 

"Bằng khen được tặng tôi chẳng có chỗ treo. Trước tôi nhờ Ban quản lý chợ Đồng Xuân treo trên tường. Còn sức khoẻ ngày nào tôi còn tiếp tục đi nhặt ve chai nuôi sống bản thân. Phát hiện đối tượng móc túi nào tôi không nề hà lao vào chiến luôn", bà Nậm cười nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem