Bắc Giang: Trồng rau công nghệ cao, nuôi gà công nghệ sinh học nông dân giỏi ở Hiệp Hòa thu tiền tỷ

Minh Ngọc Chủ nhật, ngày 03/04/2022 19:00 PM (GMT+7)
Trong những năm qua, tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) nhiều mô hình nông nghiệp của hội viên nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được thành lập và mang lại giá trị kinh tế hàng tỷ đồng, đóng góp rất lớn vào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Bình luận 0

Nhiều mô hình nông nghiệp có doanh thu tiền tỷ

Trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết, Hội ND huyện thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, góp phần làm thay đổi nhận thức, phát huy vai trò nòng cốt của người dân, khơi dậy và huy động sức mạnh của hội viên nông dân về phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế hộ gia đình và chung tay xây dựng Nông thôn mới (NTM).

Điển hình, về trồng trọt đã có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: rau Cần xã Hoàng Lương quy mô 200 ha; mô hình sản xuất nấm tại xã Hoàng An và Đông Lỗ; mô hình sản xuất dưa chuột, dưa chuột bao tử quy mô 65 ha tại các xã Thường Thắng, Mai Đình, Đông Lỗ, Hoàng Vân; mô hình sản xuất khoai tây hàng hóa quy mô 150 ha tại các xã: Danh Thắng, Đông Lỗ, Bắc Lý, Xuân Cẩm, Đoan Bái...

Bắc Giang: Nông dân Hiệp Hòa trồng rau, chăn nuôi gà công nghệ sinh học thu 15 tỷ mỗi năm  - Ảnh 1.

Trong những năm qua, tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) nhiều mô hình nông nghiệp của hội viên nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được thành lập và mang lại giá trị kinh tế hàng tỷ đồng. Ảnh: MN

Mô hình sản xuất rau an toàn, rau theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 55 ha tại các xã Đông Lỗ, Hợp Thịnh, Thanh Vân, Lương phong; Mô hình sản xuất hoa layơn lấy củ giống cung cấp cho Đà Lạt và các tỉnh tại xã Hoàng Vân, Thường Thắng...

Về chăn nuôi, mô hình chăn nuôi Lợn, có HTX hữu cơ Bình Minh (Danh Thắng); Công ty TNHH Kim Tân Minh (Quang Minh); Công ty Hải Thịnh (Thường Thắng); Mô hình chăn nuôi gà, vịt sinh sản (gà đẻ và ấp trứng) ứng dụng công nghệ cao tại thôn Đồng Tâm - xã Thường Thắng, thôn Tân Sơn – xã Hùng Sơn, thôn Khánh xã Lương Phong… với quy mô hơn 10 triệu con. 

"Các mô hình chăn nuôi gà nói trên đều ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý thức ăn, môi trường, công nghệ thông tin tự động điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng chuồng nuôi, lò ấp trứng, quy trình thụ tinh nhân tạo trong nhân giống... mỗi ngày cung ứng cho thị trường khoảng 5.000 gà con; doanh thu 15 tỷ đồng/năm...", bà Hiền cho biết.

Đối với lĩnh vực thủy sản, thì có mô hình nuôi cá thâm canh cao, mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã Thái Sơn, Hợp Thịnh, Đông Lỗ... cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn 50- 55% so với nuôi cá truyền thống.

Hội viên nông dân giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng NTM

Bà Hiền cho hay, phong trào thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" là phong trào hành động trọng tâm của Hội ND các cấp, tạo sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Năm 2021, toàn huyện Hiệp Hòa đã có 16.606 hộ đạt hộ SXKD giỏi các cấp/tổng số 17.721 hộ nông dân đăng ký danh hiệu nông dân SXKD giỏi.

"Các cấp Hội Nông dân Hiệp Hòa thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao", bà Hiền nói và cho biết, năm 2021, đã phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn xây dựng mới 3 HTX nông nghiệp (nâng tổng số HTX toàn huyện là 75 hợp tác xã). 

Nổi bật, thành lập mới 01 mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp "Chi hội Bánh chưng Hoàng An", nâng tổng số Chi hội Nông dân nghề nghiệp của huyện là 2 Chi hội. Toàn huyện có 19 tổ hội nông dân nghề nghiệp. 

"Bước đầu các chi, tổ hội nghề nghiệp đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, tạo sự gắn kết giữa các thành viên khi có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ", bà Hiền cho hay.

Bắc Giang: Nông dân Hiệp Hòa trồng rau, chăn nuôi gà công nghệ sinh học thu 15 tỷ mỗi năm  - Ảnh 2.

Năm 2021, toàn huyện Hiệp Hòa đã có 16.606 hộ đạt hộ SXKD giỏi các cấp. Ảnh: MN

Từ các mô hình kinh tế tập thể là nhân tố góp phần hình thành nên các sản phẩm OCOP. Năm 2021, huyện có 3 sản phẩm đạt 3 sao là: Gạo nếp cái hoa vàng của HTX nông nghiệp Thái Sơn; Kẹo Lạc và Kẹo Gạo lứt của cơ sở sản xuất kẹo Tiến Bộ xã Quang Minh, nâng tổng số đến nay toàn huyện có 10 sản phẩm đạt 3 sao. Nổi bật có 3 giải pháp sáng tạo nhà nông; 5 sản phẩm được tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh.

Công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, xây dựng NTM cũng được Hội ND các xã, thị trấn trong huyện tích cực hưởng ứng thực hiện, tuyên truyền vận động hội viên nông dân thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình, vệ sinh môi trường nơi công cộng. Tham gia thực hiện có hiệu quả "Ngày Chủ nhật xanh" hàng tháng. 

Năm 2021, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tổ chức 02 lớp tập huấn, hướng dẫn cho hơn 500 cán bộ, hội viên nông dân về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, hướng dẫn sử dụng phân bón, sử dụng thuốc BVTV sinh học, sử dụng nguồn nước sạch, quy trình kỹ thuật thu hoạch và bảo quản sản phẩm...

Toàn huyện hiện có: 83 Con đường "sáng, xanh, sạch đẹp" và 34 Cánh đồng 3 không "Không thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong danh mục cấm; Không vỏ bao bì thuốc BVTV, phân bón rác thải ở kênh mương nội đồng; Không thuốc sinh trưởng, thuốc kích thích trong danh mục cấm" do Hội Nông dân duy trì thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là thay đổi tư duy, hành động của hội viên nông dân trong việc bảo vệ môi trường nông thôn.

Chủ tịch Hội ND huyện Hiệp Hòa khẳng định, từ những kết qủa đạt được đã ngày càng khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội Nông dân, xứng đáng là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã phối hợp với Ngân hàng CSXH quản lý 102 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 4.583 hộ vay, dư nợ trên 186 tỷ đồng; với Ngân hàng NN&PTNT quản lý 127 tổ cho 3.227 hộ vay, dư nợ trên 242 tỷ đồng. Vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân: Tính đến 31/12/2021 nguồn quỹ HTND cả 3 cấp hỗ trợ cho 249 hộ gia đình hội viên vay để thực hiện 31 dự án tại 25 xã, thị trấn với số là: 8 tỷ 669,1 triệu.

Phối hợp với Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông triển khai cung ứng phân bón trả chậm cho các xã, thị trấn trong huyện đến nay được 1.185 tấn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem