Cấp mỏ nơi đầu nguồn, công trình nước sạch chỉ để rửa xe
Phản ánh đến báo Dân Việt, người dân tại thôn Nà Cà, xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, bấy lâu nay họ khốn đốn do phải chịu ảnh hưởng từ hoạt động khai thác quặng của Công ty TNHH khai khoáng Bắc Kạn. Từ thông tin phản ánh của người dân, PV Dân Việt đã có mặt ghi nhận hiện trường.
Từ trục đường chính rẽ xuống tổ 3A Nà Cà, xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông, (nơi có mỏ Tô Lô) là một bể nước khá to, nước đầy ăm ắp. Đó là công trình nước sạch cung cấp nước cho cả thôn Cà Nà với gần 100 hộ dân. Tuy nhiên công trình nước sạch này hiện chỉ phục vụ cho việc rửa xe, giặt giũ là chính… bởi ô nhiễm.
Công trình nước sạch được xây dựng từ năm 2002, sau hơn 10 năm giờ chỉ dùng để rửa xe, giặt giũ vì mỏ khai thác quặng đặt ở ngay đầu nguồn.
Ông Hoàng Văn Lâm (45 tuổi, trú tại tổ 3A) cho biết, người dân không dám dùng nước này cho việc nấu nướng vì đầu nguồn nước là mỏ khai thác quặng Tô Lô. “Chúng tôi phải tự lo nước ăn uống, kể cả phải mua nước lọc về dùng dù công trình nước sạch đã dẫn nước về tận nơi. Bởi họ khai thác quặng ngay trên khu vực đầu nguồn công trình nước sạch”, ông Lâm nói.
Dẫn chúng tôi lên tận cửa mỏ Tô Lô, bà Hoàng Thị Ngân, trú tại tổ 3A thôn Nà Cà cho biết, cửa mỏ này đặt đúng đầu nguồn nước, công trình nước sạch cấp nước cho thôn tổ lấy nước từ đây. Sau khi Công ty TNHH khai khoáng Bắc Kạn đến mở mỏ, họ chọn mở đúng vào vị trí nguồn nước mà thôn tổ đang dùng trước đó.
Công trình nước sạch phục vụ thôn Nà Cà nằm phía dưới mỏ quặng khoảng 40m.
Phía trên là cửa mỏ Tô Lô, nơi có cánh cửa tôn đang đóng chính là xuất phát của nguồn nước mà công trình nước sạch dẫn về phục vụ người dân trong thôn.
Máy lọc nước của nhà bà Hoàng Thị Ngân, lõi lọc chỉ dùng được một tháng đã đen sì.
Được biết, công trình nước sạch lại được xây dựng phía dưới, cách cửa mỏ khoảng 40m. Khi công ty TNHH khai khoáng Bắc Kạn được cấp phép và đi vào hoạt động, ngoài việc nước ô nhiễm từ hoạt động khai khoáng, nguồn nước còn bị ảnh hưởng bởi lán trại công nhân, khu vệ sinh... xả thải tống xuống nên không đảm bảo, nhất là khi có mưa.
“Gia đình tôi ốm đau bệnh tật suốt, tôi bị ung thư, nhà rất khó khăn nhưng vẫn phải mua nước sạch hằng ngày để dùng. Mãi đầu năm 2019 vợ chồng đứa con gái cả thương bố mẹ mới mua cho cái máy lọc, nhưng lõi lọc dùng chỉ một tháng đã đen sì cả”, bà Ngân than.
Cuộc sống khốn khó vì... quặng
Không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước, việc khai thác quặng của Công ty TNHH khai khoáng Bắc Kạn còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều diện tích cấy trồng của bà con tại tổ 3A và 3B Nà Cà.
Dẫn chúng tôi ra ruộng, bà Lương Thị Lên, tổ 3A Nà Cà chỉ về đám ruộng lúa già nửa là đất đá và cỏ, bức xúc: "Đất đá từ mỏ Tô Lô tràn xuống ruộng dân thế này đây, ruộng tôi trước tốt lắm, giờ còn ra ruộng nữa đâu."
Bà Lên cho biết, gia đình bà Lên có 600m2 ruộng bị ảnh hưởng trực tiếp do đất đá, còn 900m2 ruộng khác cũng bị đất đá từ mỏ tràn xuống, lấp sạch con mương thoát nước, nước tràn vào ruộng rửa trôi đất màu. Cũng theo bà Lên, lượng đất đá tràn xuống quá nhiều, người dân không tài nào khơi kịp.
Ruộng bà Lương Thị Lên già nửa là đất đá và cỏ cho trâu ăn, không thể canh tác vì đất đá từ mỏ quặng cách đó hơn 300m tràn xuống.
Mương thoát nước này trước đây rộng và sâu chừng 1m giờ đã bị đất đá từ mỏ quặng Tô Lô phủ lấp.
Phần ruộng này của bà Hoàng Thị Ngân trươc đây chuyên trồng lúa nếp giờ đành bỏ hoang chẳng thể canh tác.
Những viên đá đen được bà Hoàng Thị Ngân và người dân trong thôn khẳng định là từ mỏ quặng Tô Lô tràn về.
Gần khu ruộng bà Lương Thị Lên là ruộng của gia đình ông Nông Quốc Khanh, ruộng ông Khanh cũng bị đất đá vùi lấp, diện tích ảnh hưởng hơn 600m2, gia đình ông Khanh rất khó khăn, vợ bị ung thư, chồng cũng mới mổ sa đì mà ruộng lại không thể cấy hái được.
“Khi Công ty đến để đền bù, họ không qua xã mà vào thẳng thôn, tôi đi chữa bệnh về muộn, gặp họ ở ngoài đường bảo họ vào đo rồi tính cho gia đình tôi thì họ bảo để lần sau. Tôi chỉ được hỗ trợ hơn 1 triệu đồng, không qua sổ sách gì. Lúc đầu tôi không nhận mà yêu cầu họ phải múc đá đi và cải tạo lại đất, họ bảo tiền này hỗ trợ phân do, họ sẽ múc. Gia đình chúng tôi làm đơn gửi xã, xã bảo gửi trực tiếp cho công ty, phía công ty lại bảo đơn phải qua xã, chúng tôi chẳng biết phải nghe ai nữa”, bà Hoàng Thị Ngân, vợ ông Khanh nói.
Bà Hoàng Thị Đào chỉ cho PV cánh đồng Nà Bây tại tổ 3B Nà Cà hiện đang bỏ hoang vì không thể canh tác do đất đá tràn xuống.
Còn bà Hoàng Thị Đào - người có hơn 1.300m2 đất ruộng ở Nà Bây, tổ 3B bị đất đá từ khu vực mỏ Xam Tai tràn vào cho biết: "Khi quặng chưa vào, nhà tôi còn có cái ăn, quặng vào rồi thành hộ nghèo, hai mẹ con phải đi ăn nhờ nhà em cậu và bà ngoại vì ruộng bị đất đá từ mỏ quặng tràn xuống, không cấy hái được gì, có ruộng cũng như không. Tiền ăn học con tôi cũng là em cậu hỗ trợ."
"Tôi đã làm đơn từ vụ Xuân 2018, họ hứa đền bù và cải tạo lại đất nhưng không thấy làm. Tháng 3/2019, đại diện công ty đã xuống làm việc nhưng họ tính đền bù theo mức thiệt hại do thiên tai, tôi không đồng ý với cách tính của họ. Họ bảo, có kiện ra tòa họ cũng không có tiền trả đâu. Rồi họ hẹn sẽ quay lại tiếp tục thỏa thuận nhưng đến nay đã 2 tháng chưa thấy họ về lại," bà Đào bức xúc.
Giống như bà Đào, hộ ông Long Văn Ỏn (hơn 2000m2), và hộ ông Hoàng Văn Thi (hơn 2000m2) có ruộng trên cánh đồng Nà Bây hiện cũng đang bỏ hoang vì không thể cấy hái do đất đá từ mỏ Xam Tai tại tổ 3B Nà Cà tràn xuống.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Ma Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Sỹ Bình cho biết, mỏ Tô Lô và Xam Tai của Công ty TNHH khai khoáng Bắc Kạn hiện đang tạm dừng hoạt động. Khi Công ty xây dựng Văn phòng ở khu mỏ Xam Tai, đường lên không làm mương thoát nước nên khi mưa, đất đá ở khu vực từ taluy dương xối xuống ruộng của bà con tại tổ 3B. Bên mỏ Tô Lô tổ 3A hoạt động khai khoáng cũng gây thiệt hại trên cánh đồng Khuổi Deng. Công ty có hỗ trợ hoa màu cho bà con được một lần, nhưng chưa khắc phục thiệt hại gây ra.
“Trong các lần tiếp xúc cử tri, xã đều chốt vấn đề này. Hậu quả lấp mương thủy lợi và một phần diện tích ruộng là do quá trình hoạt động khai khoáng và xây dựng cơ bản của công ty này mà nên chứ trước kia không bị thế. Về nguồn nước, công ty đã xây kè chắn nhưng nước giờ vẫn không dùng được”, ông Toản cho biết thêm.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.