Bắc Kạn ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng nông thôn mới
Bắc Kạn ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng nông thôn mới
Lam Chi - Vân Tùng
Thứ sáu, ngày 17/11/2023 11:07 AM (GMT+7)
Tích cực đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); đầu tư mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới thông tin phục vụ đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Kạn đang từng bước nỗ lực thực hiện công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng nông thôn mới.
CLIP: Chuyển đổi số ở tỉnh Bắc Kạn góp phần xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới... Clip: Chiến Hoàng
Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số
Để thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bắc Kạn đã hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trong việc cung cấp các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đặc biệt chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hiện đại hóa hành chính; giải pháp tăng cường tương tác giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp; kết nối tích hợp chia sẻ dữ liệu các ứng dụng của các sở, ban, ngành địa phương trong tỉnh, xây dựng công cụ hỗ trợ báo cáo thống kê tổng hợp phân tích dự báo, cảnh báo...
Tỉnh cũng xây dựng trung tâm điều hành thông minh IOC, tận dụng năng lực công nghệ để hỗ trợ trong chỉ đạo điều hành chính xác, nhanh chóng.
Cùng với đó, tỉnh Bắc Kạn đã nhận được sự hỗ trợ khảo sát đánh, giá tổng thể hiện trạng các hoạt động ứng dụng CNTT; nhu cầu về hạ tầng mạng truyền số liệu trong các cơ quan Đảng, Nhà nước đối với lưu trữ dữ liệu để lập kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông và ứng dụng CNTT hướng đến xây dựng đô thị thông minh và chính quyền điện tử... của một số đơn vị viễn thông.
UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030 với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và thỏa thuận hợp tác đồng hành, hỗ trợ, tư vấn triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025 với Công ty cổ phần FPT.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT và dịch vụ viễn thông phục vụ kết nối chia sẻ dữ liệu để triển khai CQĐT và định hướng phát triển hạ tầng; triển khai một số sản phẩm dịch vụ hệ sinh thái giáo dục vnedu; giải pháp điểm danh thông minh (VN Face); chữ ký số cá nhân tích hợp cổng dịch vụ công quốc gia (Smart CA)...
Hạ tầng CNTT cũng triển khai việc ứng dụng VNPT Money (thanh toán không dùng tiền mặt); chợ thanh toán không tiền mặt, chợ 4.0 tại tất cả các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh; cài đặt ứng dụng, in mã QR miễn phí cho các tiểu thương, người dân đến chợ trao đổi hàng hóa cũng đã được sự hỗ trợ của VNPT.
Là công nhân làm việc tại khu công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), chị Nông Huyền Diệu chia sẻ, chữ ký số cá nhân đã và đang trở thành một tấm giấy thông hành không thể thiếu trong hành trang thời công nghệ 4.0.
"Từ khi được VNPT - Bắc Kạn cấp chữ ký số miễn phí, chúng tôi đã có thể ký trên nhiều thiết bị như: Điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay và được tích hợp vào các nền tảng thanh toán hoặc các ứng dụng phục vụ trong việc học tập, chăm sóc sức khỏe hoặc khi công ty đề nghị thực hiện các thủ tục hành chính… tôi thấy việc đó thực sự rất tiện ích"- chị Diệu bày tỏ.
Thúc đẩy phát triển kinh tế số
Tỉnh Bắc Kạn với sự hỗ trợ của VNPT đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh (VNPT HIS); duy trì, triển khai và tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm như: Chữ ký số (VNPT CA), hóa đơn điện tử, phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội (VNPT BHXH)... cho hơn 800 đơn vị doanh nghiệp, hộ kinh doanh; đồng bộ ứng dụng quản lý nhà thuốc, quản lý phòng khám cho gần 200 quầy thuốc, nhà thuốc và cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
Ngoài ra VNPT còn hỗ trợ triển khai giải pháp quản lý phòng chống mã độc cho hơn 100 đơn vị hành chính; triển khai biên lai điện tử và tem vé điện tử cho hơn 90 đơn vị UBND các cấp huyện, thành phố, xã, phường, khu du lịch, ban quản lý chợ, bến xe...
Ông Vũ Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT - Bắc Kạn cho biết, thời gian tới, VNPT - Bắc Kạn tiếp tục hợp tác chặt chẽ, việc hỗ trợ công tác chuyển đổi số của tỉnh; cung cấp những giải pháp hữu hiệu nhằm chung tay cùng địa phương sớm thực hiện thành công Đề án chuyển đổi số như Kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Kạn đã đề ra.
Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra các nhiệm vụ ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025 như: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; xây dựng, phát triển dữ liệu số; đảm bảo an toàn thông tin; phát triển trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư góp phần thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư của tỉnh; phát triển thương mại điện tử...
Để thực hiện tốt đề án, trong năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại 8 xã/phường với mục tiêu từng bước thu hẹp khoảng cách, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của chính quyền cấp xã; đồng thời hỗ trợ nâng cao kỹ năng số cho người dân, từng bước xây dựng nền kinh tế số ở các địa phương.
Cùng với đó, đầu tháng 8, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phát động chương trình phổ cập điện thoại thông minh tại 8 xã/phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số.
Thông qua hình thức trao tặng trực tiếp điện thoại thông minh hoặc hỗ trợ kinh phí mua điện thoại, chương trình đã thu hút được được nhiều tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đồng hành, ủng hộ với số tiền gần 750 triệu đồng, tương đương với gần 400 máy điện thoại thông minh.
Nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động chuyển đổi số, đặc biệt là trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, Chương trình Diễn đàn Chuyển đổi số trong Truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, đại diện TikTok Việt Nam; Giám đốc dự án OCOP On TikTok, Công ty Cổ phần Giải pháp KYC đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tỉnh đoàn Bắc Kạn tổ chức.
Trao đổi với báo điện tử Dân Việt, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc ứng dụng chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng, nhất là đối với công tác giảm nghèo. Làm chuyển đổi số tốt sẽ có dữ liệu số tốt, dữ liệu hộ nghèo tốt, từ đó phân tích được nguyên nhân hộ nghèo và đưa ra được những giải pháp thoát nghèo phù hợp nhất, nhanh nhất.
Theo ông Phạm Duy Dưng, có nền tảng số, chuyển đổi số tốt thì chúng ta sẽ giúp người dân quảng bá sản phẩm của mình trên các sản thương mại điện tử một cách đơn giản và thuận tiện, từ đó giúp bà con tiêu thụ sản phẩm của mình một cách tốt nhất, cho giá trị sản phẩm cao hơn.
Tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua, đã tập trung một số nội dung như: Số hóa dữ liệu hộ nghèo; thông tin thị trường lao động trên các trang cổng thông tin điện tử cũng như các trang mạng để biết, tìm hiểu và lựa chọn công việc cho mình; tích cực, chủ động hướng dẫn người dân trong việc đăng tải các sản phẩm của mình lên các sản thương mại điện tử, giúp bà con tiêu thụ được tốt hơn.
"Chúng tôi đang tích cực, chủ động thực hiện từ việc đầu tư hạ tầng về thông tin, đưa các trạm phủ sóng 3G, 4G về đến tận vùng sâu vùng xa. Chủ động, tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội và công tác giảm nghèo nhanh, hiệu quả nhất đến với bà con" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.