Cả một năm quần quật lao động kiếm sống, với biết bao vui buồn, may rủi..., thì đến chiều ba mươi Tết, thời khắc cuối cùng của một năm, mọi thứ được mất đều đã hiện rõ một cách cụ thể. Được thì cũng được rồi. Mất thì cũng đã mất. Việc quan trọng là cần phải chuẩn bị (tâm thế, vật lực, sức khỏe…) để đón năm mới, rất có thể là sự quay vòng, sự trở lại y nguyên của chu trình cũ. Tương lai, bao gồm cả những biến số khó lường còn đang ở phía trước, chưa thể biết nó tốt hay xấu, tốt hơn hay xấu hơn. Nhưng cho dù là gì thì nó cũng cần phải được làm mới.
Làm mới quan trọng nhất là về mặt cảm xúc, chẳng hạn cần phải tạo ra sự hân hoan từ mọi thành viên; chẳng hạn cần phải lạc quan tin vào một năm sẽ phát tài; chẳng hạn mong ước và tin tưởng năm mới sẽ nhiều may mắn, ít rủi ro. Trong cái không gian sinh tồn cổ xưa vốn ít dịch chuyển, gần như tù đọng, việc làm mới đôi khi giống như việc xóa bài chơi lại. Nó mang tính tất toán. Đó chưa phải là lúc lo nghĩ về ngày hôm sau. Người ta chưa cần đến những lời chúc, thường giống như sự cầu mong cho kế hoạch sắp tới, mà cần đến sự quên lãng tạm thời, để tận hưởng niềm hạnh phúc của một bữa cơm tổng kết, bữa cơm tiễn cũ (tống cựu) trước khi đón mới (nghinh tân). Trừ ra những gia đình có tang hoặc tai họa vào đúng thời điểm cuối năm, còn lại với đa số đó là khoảnh khắc bỏ lại mọi thứ. Làm cả năm, lo cả năm, đói khổ vất vả cả năm nên giây phút thảnh thơi, buông xả tuyệt đối luôn là điều quý hiếm.
Về mặt khoa học, việc con người đạt đến trạng thái hỉ xả ở mức gần với tuyệt đối (mà ở đây lại là trạng thái hỉ xả tập thể), dù chỉ trong khoảnh khắc, là vô cùng hiếm hoi, vì thế mà nó cực kỳ quan trọng cho việc tẩy độc cơ thể. Ngoài ra nó có tác dụng "set up" lại những chỉ số sinh học đã bị thời gian, thói quen "ăn mòn" hoặc bị "trơ hóa".
Nhưng bữa cơm tất niên sở dĩ luôn duy trì được mức độ quan trọng vì trên thực tế nó là bữa cơm đoàn tụ. Yếu tố đoàn tụ không chỉ mang tính vật chất như gặp lại những người thân đi xa trở về, gặp mặt đầy đủ con cháu - dù điều này chưa bao giờ ít quan trọng, trong điều kiện nhiều khi, nhiều người trong đại gia đình nhiều thế hệ, nhiều chi nhánh trực hệ chỉ gặp nhau đông đủ vào mỗi dịp tết - mà còn mang theo cả sự đoàn tụ về tinh thần. Đó là ngày cùng nhau tưởng nhớ những người đã khuất, là ngày sống trong sự trở về cái bản thể bị muôn thứ công việc, những toan tính thực dụng…che khuất, vùi lấp. Vào hôm đó, con người có nhu cầu rộng lượng, đại lượng, sẵn sàng bỏ qua hoặc tha thứ lỗi lầm của người khác và mong người khác cũng ứng xử tương tự như vậy với mình.
Nhưng bầu không khí bao bọc bữa cơm tất niên, mới là thứ đáng nói nhất. Ngoài kia thế gian, vũ trụ rộng lớn là một sự tĩnh lặng, bình an, đầy phúc lạc không bao giờ lặp lại trong một năm. Còn trong mỗi không gian riêng, mọi thứ đều đạt đến mức linh thiêng: Từ lời nói, ánh mắt, cử chỉ mời mọc nhau, gắp cho nhau thức ăn, rót rượu và nâng cốc cạn chén…cho đến những nụ cười xởi lởi đều vượt qua mọi quy ước đơn giản thông thường, đều ở mức đỉnh cao của văn hóa ứng xử. Và với người Việt, thì cái không gian ấm áp đó còn vô cùng an toàn, bởi họ tin luôn có sự bao bọc của tổ tiên đang hạnh phúc chất ngất nhìn ngắm con cháu trưởng thành. Các cụ dù vân du khắp muôn phương cũng không bao giờ quên ngày hội tụ với con cháu. Và đó luôn là sự hiện diện mang tính chứng kiến và lắng nghe. Chứng kiến sự nối dõi ngày một dài. Lắng nghe những điều chúng cầu xin. Ngay trong bữa cơm ồn ào, đám con cháu chút chít vẫn không quên xin tổ tiên bảo trợ riêng cho những hy vọng. Ít có thời điểm nào mà cả cá nhân lẫn cộng đồng, người sang và kẻ hèn, dân quê mùa hay phố thị… đều được đề cao ở mức chót vót như trong bữa cơm tất niên.
Và rõ ràng là không thể có bữa cơm thứ hai trong năm đạt được độ hoàn hảo về mọi mặt như bữa cơm cuối cùng của năm cũ ấy. Những ngày lễ trọng còn lại trong năm, dù làm cách nào đi nữa, đều không thể tạo ra một sự hòa nhập lớn, một đại cảm hứng, một không khí linh thiêng kỳ lạ như những gì xảy ra trong bữa cơm chiều ba mươi Tết. Không cần phải chờ đến phút giao thừa, mà ngay sau khi mọi người chia tay nhau, mọi thứ đã chuyển trạng thái sang một không gian hoàn toàn khác. Thay vào sự đoàn tụ, thay vào cảm giác quên lãng, là chuẩn bị để lại chia xa, là lo lắng thường nhật…Bởi tương lai, ngoài sự tiếp nối của cuộc sống luôn khiến người ta háo hức, cũng bao hàm luôn cả vô vàn điều bất trắc, nhọc nhằn, cần phải vượt qua.
Bữa cơm tất niên của người Việt, theo tôi, xứng đáng là một hành vi mang tính cộng đồng độc đáo gắn với văn hóa, gắn với sự bình đẳng và gắn với sinh tồn, ở mức tinh hoa.
Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.