Bài dự thi Tết đoàn viên: Tha hương nhớ Tết quê

Nguyễn Huỳnh Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 21/01/2023 07:10 AM (GMT+7)
Tôi vào thành phố để làm việc đến nay đã sáu năm. Ngần ấy năm cũng là khoảng thời gian tôi phải trải qua bao mùa Tết một mình xa nhà. Cảm giác ăn Tết xa quê, dù quen thuộc đến đâu nhưng kỳ lạ thay vẫn luôn khiến cho người tha hương đau đáu nhiều nỗi niềm trong lòng.
Bình luận 0

Những ngày giáp Tết, dù ngoài phố đã rộn ràng với các gian hàng bán hoa, trái cây nhưng không khí ở xóm trọ nơi tôi sống vẫn vô cùng tĩnh lặng. Mọi người trong khu nhà trọ đại đa phần đều là công nhân nên vẫn đi làm. Thi thoảng, tôi được tan ca sớm, ở nhà tranh thủ bán hàng online, nấu cơm chờ mọi người đi làm về ăn. 

Những ngày đầu chọn ở lại thành phố, tâm trạng tôi còn bình tĩnh. Đến 25 Tết, bản thân bắt đầu xốn xang. Bạn bè đồng nghiệp dần dần rủ nhau về quê hết. Vài gia đình ở gần phòng trọ cũng đã sắp xếp khăn gói về quê đón Tết. 

Bài dự thi Tết đoàn viên: Tha hương nhớ Tết quê - Ảnh 1.

Vừa đạp xe vừa nhớ những ngày cuối năm chuẩn bị Tết, nước mắt lại đột ngột ứa ra trong vô thức. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: TN).

Cứ đều đặn hằng ngày, luôn có người ghé sang dãy phòng trọ chơi báo là họ sắp về quê, hỏi thăm xem mọi người có gửi gì về nhà. Tuy nhiên, các anh chị trong phòng trọ đều không có gì đặc biệt để gửi về cả. Thi thoảng, có người chỉ gửi một lá thư. Anh em tôi cũng chẳng có gì làm quà tặng cho gia đình. Những lá thư về nhà thì tôi vẫn viết đều đặn, không gì phải chờ đến Tết. 

Cũng bởi, bản thân tôi hiểu rằng những người ở lại Tết thường có điều kiện kinh tế không mấy dư dả. Suốt một năm dài làm ăn vất vả, đầu tắt, mặt tối, nay chỉ cần một chuyến về quê ăn Tết coi như nhẵn túi. Sang năm mọi người lại phải làm lại từ đầu. Do đó, với những người công nhân làm ăn xa quê như chúng tôi, dù mong nhớ quê đến đâu cũng thường rất hiếm khi về Tết. Cố gắng lắm thì mọi người phải vài ba năm mới về Tết một lần, còn lại những lần khác sẽ chờ vào dịp hè hoặc một dịp nào đấy, chứ không hẳn là Tết cho đỡ chi phí. 

Với những người lao động xa quê, thu nhập thấp, hành trình về quê khó khăn nhất là vấn đề mua vé. Vé máy bay vốn dĩ quá đắt đỏ. Người lao động phổ thông chỉ đi xe khách hoặc tàu lửa hạng ghế cứng, ghế phụ. Để mua được vé tàu, vé xe mọi người thường tập hợp tiền lại, cử một người đi xếp hàng mua vé. Vài lần tôi đi cùng các anh chị xếp hàng mua vé, việc thức thâu đêm là chuyện bình thường. Dù vất vả là thế nhưng ai cũng háo hức mong chờ ngày về quê, hội ngộ với gia đình và những người thân yêu. 

Tôi nhớ nhất chuyến xe đi cùng một cặp vợ chồng từ Pháp trở về quê. Trên đường đi, sau những câu chuyện xã giao, bà lão đã gần bảy mươi, bắt đầu kể chuyện xưa. Cũng bởi, trên đường bắt gặp cội mai vàng nhà ai đó đang khoe sắc rực rỡ, những ký ức năm cũ lại trở về tinh khôi trong câu chuyện của một người già. Bà lão bồi hồi xúc động khi kể về thuở thiếu thời, mỗi khi cơn gió chướng gọi tháng Chạp về, kí ức bà lại nôn nao mong Tết. Bà nao nao kể lại rằng, ngày Rằm tháng Chạp mỗi năm bà phải cùng anh trai nhặt cho hết lá mai trước sân, ngoài vườn để chờ đến giao thừa cắt vào cúng gia tiên. Thỉnh thoảng bà chậm rãi dừng lại, nước mắt kèm nhèm ứa ra khi nghĩ về bố mẹ, người anh trai đã về cõi vĩnh hằng trong dòng hồi ức xa xôi. Chuyến xe cuối ngày hôm ấy nhờ những lời chia sẻ của bà mà đong đầy kỷ niệm. 

Nhưng đó là chuyện của vài năm trước, còn hiện tại, tôi đành chấp nhận đón Tết xa nhà cùng biết bao ký ức trong tâm tưởng. Hôm nay, ngày 30 Tết, các anh chị em trong khu nhà trọ tôi sống cùng nhau chăm chút một mâm cỗ chưng trái cây cúng Tết. Mọi người, tùy vào khả năng, góp vào một món cho bữa cơm tất niên. Tôi sẽ ngồi nhấm nháp chén cơm với chút thịt kho hột vịt, ít dưa chua củ hành mà nhớ quê da diết. Cũng tầm giờ này, tôi vẫn thường ngồi cạnh ba mẹ, hân hoan tận hưởng bữa cơm cuối năm bên hiên nhà đầy nắng. 

Bài dự thi Tết đoàn viên: Tha hương nhớ Tết quê - Ảnh 2.

Gói bánh tét nơi xóm trọ. (Ảnh: NVCC)

Khi tôi đang phụ chị nhà hàng xóm rửa những cái chén hạt mít vẽ hình rồng màu xanh dương thì chợt nhận được điện thoại từ quê. Mẹ tôi gọi chỉ để hỏi han tôi ăn Tết ở thành phố ra sao, có chuẩn bị mâm cỗ đủ đầy.

Chẳng hiểu sao khi nghe mẹ nói thế, nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi. Bao nhiêu cảm xúc bị dồn nén từ đầu như được xé vỏ trào ra. Tôi bỏ mặc đám chén đựng nước cúng lăn lông lốc trên sàn nước, ngồi khóc tức tưởi. 

Buổi chiều giao thừa, tôi rong ruổi đạp xe đi mãi trên những trục đường lớn đi vào trung tâm thành phố. Vừa đạp vừa nhớ những ngày cuối năm chuẩn bị Tết, nước mắt lại đột ngột ứa ra trong vô thức. Nhớ từng cái lá chuối xanh mướt được chải chuốt, rọc cọng cẩn thận trước khi buộc vào cột nhà. Nhớ từng ngọn trầu, trái cau, từng trái chuối mẹ dặn phải rửa thật sạch sẽ để tỏ lòng thành với người đã khuất. Nhớ từng cái lạt giang mỏng tang mềm dẻo nhưng thít vào là đứt thịt da mà có lần tôi đã nghịch dại khiến ba mẹ lo lắng đến xót cả ruột. Nhớ những củ hành mẹ làm đã trắng nõn sau mấy ngày ngâm nước tro trong. Nhớ tiết trời se se lạnh vừa đủ làm mấy chậu kiểng quanh hiên nhà bừng nở vàng ươm. Nhớ mùi hương trầm thoảng đưa trong gió. Nhớ những cánh hoa đào phớt hồng xin được từ vườn nhà ai trong xóm... 

Ký ức cứ thế dẫn dắt tôi đi khắp các nẻo đường trung tâm ở Sài Gòn. Mãi cho đến khi, mọi người tập trung đông đúc để chờ bắn pháo hoa, tôi mới quay trở về vì sợ kẹt xe. Sực nghĩ năm nay, nhiều gia đình lại vắng bóng những người con phương xa về đón Tết. Chỉ thương nhiều cha mẹ già lại mòn mắt trông con.

Nơi phố thị cũng biết bao người cồn cào nhớ cha mẹ già có đợi được đến mùa Tết sang năm? Những người con tha hương, dù ở tuổi nào, không nói thành lời nhưng vẫn cất giấu những khoảnh khắc Tết quê ở một ngăn sâu nhất tận trong tim mình.    

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem