Bài dự thi Tết đoàn viên: Bầu trời ngoài ô cửa bệnh viện
Bài dự thi Tết đoàn viên: Bầu trời ngoài ô cửa bệnh viện
Đặng Lê Cát Tiên
Thứ tư, ngày 01/02/2023 14:00 PM (GMT+7)
Tôi biết, trẻ con mong đợi Tết đến nhường nào. Tết để được nép mình vào vai bố, mắt líu ríu chờ đợi nồi bánh chưng, bánh tét thành hình, để được nắm tay mẹ, ướm thử quần áo, giày dép mới hay quấn quýt bên ông bà, bên mâm cỗ sum vầy...
Đông tàn, chút se lạnh hiếm hoi cuối cùng của tiết trời miền Nam được gói ghém mang đi cẩn thận, không để sót lại có lẽ một chút gì. Năm nay Tết đến rõ sớm. Ngoài kia, phố phường trăm loài hoa ganh nhau khoe sắc, dệt thêu mảng trời óng ánh sắc màu. Hoa mào gà đỏ rực, nối nhau chạy dài êm ả như nhung. Quất chín vàng, chùng chình trĩu quả. Nghìn vạn cánh cúc pha lê đại đóa, cúc mâm xôi được trồng nghiêm ngắn vào chậu, sáng rực cả khoảng trời. Nhưng làm sao người ta biết Xuân đã về thầm thì nếu thiếu đi hương sắc mai vàng ngày Tết. Hai bên mạn đường Hùng Vương, những nụ mai e ấp trên cành khẳng khiu, âm thầm nuôi dưỡng nhựa sống suốt tháng ngày đằng đẵng dài, đợi chờ Xuân về để loan tin, khoe sắc. Đối với người miền Nam, thấy mai là thấy Tết, thương nhớ và trân quý vô cùng.
Ngoài kia rực rỡ. Ngoài kia náo nhiệt, hân hoan, rộn ràng. Mặc kệ tất thảy, cơ số người nằm bất động trên chiếc giường phủ ngập màu trắng toát bây giờ chỉ cần được sống, dù là sống đau đớn, sống khổ sở. Từ ngày bé, tôi đã chết khiếp mùi thuốc sát trùng, những lọ thuốc đa màu nhưng đắng nghẹn trong khoang miệng. Lâu lắm rồi, tôi không đến bệnh viện. Dù vài khoảng thời gian đau ốm liên miên, tôi vẫn có trăm nghìn lý do để né tránh việc phải vào viện thăm khám cho mình. Tôi sợ lắm nhiều đêm dài hun hút, những muộn phiền trôi lãng vào quá khứ chờ chực ngược dòng, hiện về nguyên vẹn trong ký ức xấu xí thuở ấu thơ.
Ấy vậy mà hôm nay, trong sắc cảnh phục Công an chỉnh tề, tôi vào viện. Chẳng phải bệnh tật hay tính khí nắng mưa thất thường mà bước chân bỗng nhiên ráo hoảnh, ngỡ rằng nhẹ tênh mà hóa ra nặng nề, vô thức. Có lẽ tâm hồn tôi đã ngưng bước lại khi đứng trước khoa Nhi, nhìn các em mà ngỡ nỗi niềm quá khứ như lẩn khuất tìm về.
Tôi biết, trẻ con mong đợi Tết đến nhường nào. Tết có phải để được nép mình vào vai bố, mắt líu ríu chờ đợi nồi bánh chưng, bánh tét thành hình, để được nắm tay mẹ, ướm thử quần áo, giày dép mới hay quấn quýt bên ông bà, bên mâm cỗ sum vầy. Bởi, Tết là để đoàn viên. Người Việt có chăng thương Tết vì thương nhớ gia đình, nguồn cội mình. Cũng giống như một vị phóng viên nước ngoài đã viết: Người Việt có thật là yêu bóng đá hay chúng ta chỉ yêu quốc kỳ và chờ có dịp để mang lá cờ đỏ sao vàng để hòa chung tình yêu trọn vẹn?
Nhưng trẻ con ở đây, nào biết Tết là gì. Những gương mặt thơ ngây, những bàn tay nhỏ xíu, xanh tái, chi chít vết kim tiêm truyền thuốc. Những ánh mắt to tròn, trong veo, những nụ cười rạng rỡ khi đón nhận quà bánh từ tay chúng tôi cùng lời hứa sớm ngày ra viện hân hoan và lòng đầy phấn khởi. Chỉ có ánh mắt gia đình bọn trẻ chất chứa nỗi niềm man mác buồn, bộn bề suy nghĩ. Cuộc chiến chống chọi với bệnh tật của những chiến binh nhí dường như bị vùi lắp trong biển ngày mênh mông, mịt mù sương chẳng tìm lối thoát. Thế nhưng, nếu cứ mãi để tâm ngẩng mặt trông nhìn bầu trời nhuộm màu tro tàn, thâm xám ấy thì người ta chỉ có thể nghĩ duy nhất tới nó mà thôi.
Sống, chết là số trời hay cần hơn lòng người bình tâm, mạnh mẽ mà bước tiếp. Đừng nghĩ bọn trẻ nằm thấp thỏm trên giường bệnh mà không biết gì. Hơn ai hết, bao cảm giác đau đớn chỉ có người trong cuộc thấu hiểu tường tận mà thôi. Sống khổ, chết đau đành lẽ chung phận người chênh vênh trong kiếp đời đầy bi ai, thống khổ. Trong giấc ngủ từ lâu chẳng còn an yên, giấc mơ trở về cõi lòng sâu, đất ẩm như dự báo một điềm gỡ mà đời người khô khốc lo ngại không muốn đối mặt, trông nhìn. Giấc mơ lay thức tâm hồn, trầm mặc, quẩn quanh suy ngẫm.
Tôi nhẩm tính đếm bao ngày tới Tết, đan tay giao ước với các em lời hứa nhất định phải cố gắng chóng khỏe để về nhà đón Tết như mọi người. Dù biết rằng sẽ có em tương lai được cho phép xuất viện nhưng sẽ có em mãi chẳng thực hiện được giao ước của mình. Tôi vẫn quả quyết muốn lắm một lời hẹn ước vẹn tròn, cất giữ chúng như bí mật riêng.
"Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng,
Trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vang.
Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng,
Trong gió ngàn, mừng đón xuân sang…"
Tiếng nhạc vang lên giữa khung trời ngập tràn mùi thuốc sát trùng như kéo tôi trở về thực tại sau bộn bề những suy nghĩ quẩn quanh. Căn phòng này, gối chăn đã phủ đầy hơi ấm của gia đình, ghì chặt các em qua tháng ngày đằng đẵng. Và có chăng, người ta cần gì cành mai đào mỗi độ Tết về. Bởi lẽ, Tết chỉ đoàn viên thật sự nếu bên cạnh mỗi người còn gia đình, còn tình thương dạt dào. Sau tất cả, màu trời ngoài kia vẫn còn đó sự khôi nguyên, nhuộm đầy màu hy vọng.
Vậy cho nên, dù ở nơi nào, tôi luôn mong mỏi mỗi người có một cái Tết thật vẹn nguyên, đúng nghĩa. Bởi lẽ chúng ta đều chỉ có một lần được sống trước khi trở về cõi vĩnh hằng. Có những điều tưởng chừng hụt hẫng nhưng ngẫm kỹ lại vẫn thấy nắng vàng len lỏi. Cứ nghĩ vui rằng, Tết ở viện như một kỷ niệm đáng nhớ trong đời để sau này trải qua muôn nghìn thăng trầm, bể dâu, con người ta sẽ mỉm cười mà nhận ra: những tháng ngày đó, ta có gia đình – một cái Tết thật tròn đầy niềm vui. Tết chỉ thật sự đoàn viên chỉ khi ta có gia đình, dù ở bất kỳ nơi đây, bất kỳ hoàn cảnh nào: sướng vui hay ưu phiền trước mắt.
Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.