Nhóm 4 ngân hàng quốc doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển đến năm 2025 (Ảnh: IT)
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 986 phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam, trong đó nêu cụ thể hướng giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng lớn thuộc nhóm "Big Four" và có kế hoạch để niêm yết các ngân hàng này trên thị trường chứng khoán quốc tế.
Giảm sở hữu nhà nước, niêm yết 3 ngân hàng ở nước ngoài
Cụ thể, theo chiến lược phát triển được Thủ tướng Chính phủ thông qua, trong giai đoạn 2018 - 2020, đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank), Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn thực hiện chuẩn mực basel 2, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Các ngân hàng trên (VCB, BID và CTG) sẽ lựa chọn cổ đông chiến lược có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị; chuẩn bị các điều kiện tiền đề, tiến tới niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Đến giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ xác định các NHTM Nhà nước nói trên tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc triển khai và áp dụng Basel 2 theo phương pháp nâng cao và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sẽ giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước từ mức 65% hiện nay xuống còn 51%.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đặt lộ trình thực hiện niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng này trên thị trường chứng khoán nước ngoài; riêng Ngân hàng Agribank, sau khi cổ phần hóa sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu tại thị trường trong nước.
Chuyên gia kinh tế nói gì?
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng, trước hết để các ngân hàng niêm yết được trên thị trường chứng khoán nước ngoài thì điểm tín nhiệm phải cao. Hiện tại, tất cả các ngân hàng ở Việt Nam có điểm tín nhiệm không thể cao hơn điểm tín nhiệm quốc gia được. Điểm tín nhiệm quốc gia đang ở mức thấp, ở mức không khuyến khích đầu tư, đầu cơ. Do đó, khi điểm tín nhiệm quốc gia đang ở mức thấp thì tất cả các thành phần kinh tế ở quốc gia đó không thể có điểm tín nhiệm cao hơn điểm tín nhiệm quốc gia được.
Agribank sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước, 3 ngân hàng còn lại gồm BIDV, Vietinbank và Vietcombank sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế trong giai đoạn 2020-2025 (Ảnh: Quốc Hải)
“Đây chính là trở ngại đầu tiên, mặc dù báo chí trong những ngày qua đã đưa thông tin 14 ngân hàng được Moody’s, Fitch Ratings... tăng điểm tín nhiệm. Có thể nói, các ngân hàng Việt dù có tăng điểm nhưng trong vẫn ở trong nhóm không khuyến khích đầu tư, đầu cơ”, ông Hiếu nói.
Điểm trợ ngại thứ 2, theo ông Hiếu, nếu Chính phủ rút vốn của mình xuống 51% thì vẫn là những ngân hàng có vốn Nhà nước do tỷ lệ nắm giữ vẫn khuynh đảo. Đây là một trở ngại tiếp theo, bởi các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng lớn đều là tư nhân thành ra chúng ta phải tư nhân hóa toàn diện. Thành ra cơ hội mà cổ phiếu các ngân hàng Việt bán ra thị trường quốc tế mới lớn chứ nếu vẫn còn “bàn tay” của Chính phủ ở các ngân hàng thì có lẽ xác xuất thành công rất ít, hoặc có thể nói là không được đón nhận nồng nhiệt trên thị trường đầu tư quốc tế.
Trong khi đó, LS.TS Bùi Quang Tín, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng thực chất để niêm yết trên sàn quốc tế thì tỷ lệ sở hữu đâu nhất thiết phải về mức 51%. Vấn đề quan trọng trước hết là các ngân hàng phải niêm yết hiệu quả trên sàn HoSE hoặc sàn HNX. Tất nhiên, những thiêu chuẩn của sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay còn thấp, nếu sàn quốc tế như sàn chứng khoán Singapore, Nhật, Mỹ... thì các tiêu chuẩn sẽ khắt khe hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, trước mắt các ngân hàng muốn lên sàn của New York, Nasdaq thì trước hết phải qua sàn Singapore trước vì đây là sàn thử nghiệm, và dĩ nhiên các điều kiện chắc chắn sẽ nghiêm ngặt hơn về tất cả các nội dung của hoạt động ngân hàng, trong đó bao gồm hiệu quả kinh doanh, hiệu quả này phải thể hiện rất rõ trên báo cáo tài chính.
“Báo cáo tài chính này phải được kiểm toán bởi các Công ty kiểm toán Big Four trên thế giới, không thể nào kiểm toán bởi các doanh nghiệp trong nước vì nước ngoài nào biết các DN kiểm toán này là ai. Tức là đơn vị kiểm toán phải nổi tiếng vì đã niêm yết ở sàn chứng khoán nước ngoài thì phải do công ty nước ngoài kiểm toán”, ông Tín nói.
Điều quan trọng thứ 2, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng phải hiệu quả. Hiện nay các ngân hàng của chúng ta nếu ra sàn chứng khoán Singapore đã cực kỳ khó rồi, vì hiệu quả kinh doanh, nợ xấu, quản trị rủi ro, tăng trưởng tín dụng, tiềm năng trong hoạt động kinh doanh... của các ngân hàng vẫn còn quá nhiều vấn đề. Chưa tính việc các ngân hàng thương mại nhà nước thì phần chi phối của Nhà nước chiếm nhiều quá, và nhà đầu tư nước ngoài rất ngại cách thức quản trị điều hành của các DN bị chi phối của Nhà nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.