Mưa lớn tại nhiều nơi
Không như dự báo vài ngày trước khi bão số 2 đổ bộ, vào ngày hôm qua 24.6, bão số 2 chỉ quét qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), nhưng không hề suy yếu, rồi thẳng tiến xuống vịnh Bắc Bộ, cùng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, rồi “xuôi” xuống Nam Định, Thái Bình.
|
Bộ đội giúp người dân Hải Phòng lợp lại nhà bị tốc mái. |
Trong buổi sáng qua, bão số 2 chỉ quét qua khu vực ven biển Quảng Ninh như Móng Cái, Tiên Yên, Hạ Long… sau đó di chuyển sâu xuống Hải Phòng. Do đổ bộ trực tiếp, nên trong ngày 24.6, hầu hết khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đều có mưa to đến rất to.
Nhiều nơi lượng mưa vượt 100mm như Phủ Liễn (Hải Phòng) 133mm; Cúc Phương (Ninh Bình) 134mm; trung tâm Hà Nội 120mm; Yên Định (Thanh Hóa) 142mm, Bái Thượng (Thanh Hóa) 158mm…
Tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã đo được gió mạnh 20m/s (cấp 8), giật 23m/s (cấp 9); Cô Tô (Quảng Ninh) có gió mạnh 15m/s (cấp 7), giật 22 m/s (cấp 9). Vùng ven biển Quảng Ninh - Thái Bình cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. ….
Chiều tối qua (24.6), bão số 2 đã đổ bộ vào khu vực Hải Phòng, Thái Bình, trong đó trọng tâm là tỉnh Thái Bình. Theo ông Lê Thanh Hải- Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư: “Khi đổ bộ, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, có cường độ cấp 6-7. Sau khi suy yếu, áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa trên toàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong 2-3 ngày tới, lượng mưa khoảng 50mm.
Thiệt hại cả trên bờ và trên biển
Ngoài Hải Phòng, địa phương chịu thiệt hại nặng về người và của do lốc xoáy, tại nhiều địa phương cũng đã có những thiệt hại đầu tiên về người. Tại Nghệ An, trong đêm 23.6 đã xảy ra liên tiếp 3 vụ chìm tàu cá, làm một người mất tích (xem tin bên). Cũng tại Nghệ An, đêm 23.6 đã xảy ra dông, lốc tại 20 xã của huyện Quỳnh Lưu với gió cấp 10, 11. Hiện chưa có thiệt hại về người nhưng hàng chục nhà cấp 4 đổ và tốc mái, thiệt hại ước tính 3,7 tỷ đồng.
Khu vực bản Xua Lông, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), nơi xảy ra 4 người chết do lũ quét khi đi xúc cá hiện vẫn đang bị chia cắt. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo UBND huyện Mù Cang Chải huy động lực lượng tại chỗ gồm huyện đội, công an địa phương để tìm kiếm cứu nạn. Cũng tại địa bàn này, lũ cũng làm hư hại 15ha lúa, trong đó 10ha mất trắng do bị bùn, đá vùi lấp.
Tại Hà Nội, trước những dự báo về đợt mưa lớn và kéo dài đến hết tuần này, Hà Nội đã huy động hơn 1.500 nhân viên của Công ty Thoát nước Hà Nội đã ứng trực trên toàn địa bàn đảm bảo nhiệm vụ tiêu, thoát nước. Trạm bơm Yên Sở đã vận hành hết công suất suốt cả đêm để đảm bảo hạ mực nước cho hệ thống. Tuy nhiên, theo ghi nhận của NTNN, trong ngày hôm qua, nhiều tuyến đường của thủ đô đã ngập nặng, cá biệt có phố như Thái Thịnh, Thái Hà ngập tới 30 - 50cm, khiến giao thông hỗn loạn.
Theo thống kê của các địa phương, tính đến ngày 24.6, diện tích lúa xuân chưa thu hoạch của các địa phương vẫn còn rất nhiều, nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Cụ thể, Ninh Bình đã thu hoạch được 22.233/41.593ha (bằng 53,45%); Hải Phòng 21.564ha (60%); Thái Bình: 22.820/81.407ha (28,03%); Thanh Hóa: 91.672/122.142ha (75%). Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, các địa phương nói trên đang tăng cường chỉ đạo, huy động lực lượng tổ chức thu hoạch diện tích lúa đã chín, nhằm giảm thấp nhất thiệt hại.
Thanh Hoá: Cứu sống 7 thuyền viên bị nạn ở biển
Sáng 24.6, tàu TH 90712 công suất 400 CV của ông Hoàng Văn Hưởng, thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc) đang trên đường trở về bến tránh trú bão đã bị sóng đánh chìm cách bờ biển huyện Quảng Xương khoảng 11 hải lý về phía Đông. Trên tàu có 7 thuyền viên. Rất may toàn bộ số thuyền viên này đã được tàu bạn cũng đang trên đường về nơi trú ẩn cứu vớt. Đến trưa 24.6, 7 thuyền viên này đã vào đất liền an toàn. Thiệt hại về vật chất ước tính trên 600 triệu đồng.
Hồng Đức
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.