Báo TQ dằn mặt Ấn Độ: Đối đầu với Trung Quốc là "tự sát..."
Báo TQ dằn mặt Ấn Độ: Đối đầu với Trung Quốc là "tự sát..."
Thứ ba, ngày 23/06/2020 15:30 PM (GMT+7)
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ gần đây tăng vọt sau các vụ đụng độ, ẩu đả chết người ở biên giới. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Bắc Kinh mới đây có bài "dằn mặt" nước láng giềng rằng, đối đầu với Trung Quốc là tự sát đối với nền kinh tế Ấn Độ.
Theo Thời báo Hoàn cầu (Global Times), sau vụ ẩu đả ở biên giới hôm 15/6 khiến hàng chục binh sĩ ở cả 2 bên thương vong, Ấn Độ đã phát động một chiến dịch tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc và các nhà chức trách nước này được cho là đang tìm kiếm các rào cản thương mại cao hơn để chống lại Bắc Kinh. "Đây chắc chắn là những con đường tự sát cho sự phát triển kinh tế của Ấn Độ", Thời báo Hoàn cầu viết.
Theo báo Trung Quốc, Ấn Độ tìm cách đối đầu với Trung Quốc phần lớn là vì lý do chính trị nhằm để phân tán sự chú ý của dư luận trong nước vào những hậu quả nặng nề mà đại dịch Covid-19 mang lại. Chính phủ Ấn Độ đã chọn tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa đất nước bất chấp Covid-19 vẫn hoành hành rất đáng ngại ở nước này với 410.000 ca mắc bệnh tính đến ngày 22/6.
"Khuấy động cuộc đối đầu với Trung Quốc có thể giúp Ấn Độ giảm bớt những áp lực trong nỗ lực phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, việc tăng cường đối đầu với Trung Quốc lại là một lựa chọn tự sát cho nền kinh tế của Ấn Độ", Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh.
Tờ báo này phân tích, xét về chuỗi giá trị toàn cầu, Ấn Độ không còn nhiều sự lựa chọn nếu muốn tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc và điều này sẽ đội thêm chi phí cao hơn cho các công ty và khách hàng của họ. Ngoài ra, một số ngành công nghiệp Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc và không thể hoạt động nếu không hợp tác với Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ gần đây bùng lên mạnh mẽ, đặc biệt là sau vụ ẩu đả hôm 15/6 khiến hàng chục binh sĩ 2 nước thương vong.
Khu vực xảy ra vụ ẩu đả có địa hình khắc nghiệt, độ cao lớn và dân cư thưa thớt chạy qua vùng Ladakh, giáp khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc, nơi đa phần dân cư theo đạo Phật và là địa điểm du lịch nổi tiếng.
LAC phân chia lãnh thổ do Ấn Độ và Trung Quốc kiểm soát, song hai nước tiếp tục tranh cãi vị trí chính xác của đường phân giới này. Nỗ lực phân định LAC của Ấn Độ và Trung Quốc bị đình trệ suốt hai thập kỷ qua. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 90.000 km2 ở phía đông Himalaya và 38.000 km2 ở phía tây dãy núi. Cả hai khu vực đều trong tranh chấp với Ấn Độ.
Trung Quốc và Ấn Độ tìm cách khẳng định yêu sách lãnh thổ của mình bằng cách quân sự hóa mạnh khu vực. Hai nước này xây dựng các tuyến đường, sân bay, tiền đồn cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác như đường dây điện thoại. Các đội tuần tra của Ấn Độ và Trung Quốc thường xuyên đi dọc đường biên giới tranh chấp.
Hai nước trong những tuần gần đây tìm cách xuống thang căng thẳng. Tuy nhiên, vụ ẩu đả chết người hôm 15/6 đã khiến tình hình trở nên phức tạp và bấp bênh hơn trước, dấy lên nguy cơ chiến tranh biên giới bùng nổ giữa 2 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở châu Á.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.