Bảo vệ động vật hoang dã: "Chỉ cần chúng ta muốn là sẽ làm được" (Bài cuối)
Bảo vệ động vật hoang dã: "Cần chuyển từ cam kết cao thành hành động ngay" (Bài cuối)
Nguyễn Liễu - Thảo Ly - Như Ý
Thứ sáu, ngày 23/06/2023 07:25 AM (GMT+7)
Đó là khẳng định của bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc quốc gia Tổ chức Wildlife Conservation Society – Chương trình Việt Nam (WCS Việt Nam) khi trao đổi với phóng viên báo Dân Việt.
Từ thực trạng về buôn bán rùa trong khoảng thời gian qua, theo bà nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nuôi nhốt, săn bắt thậm chí là ăn thịt rùa như hiện nay?
- Chúng tôi nhận thấy một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nuôi nhốt, săn bắt, sử dụng và buôn bán trái pháp luật các loài rùa bắt nguồn từ các nhu cầu sau:
Sử dụng làm thực phẩm: Một bộ phận người dân cho rằng thịt rùa nói chung có nhiều chất đạm nhưng ít chất béo và hầu như không có tinh bột. Nhiều người cho rằng ăn thịt rùa giúp tăng cường sức khỏe, đặc biệt là sức khoẻ sinh lý đối với nam giới. Do đó, xuất hiện nhiều nhà hàng phục vụ món ăn chế biến từ rùa. Ngoài ra, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác trong khu vực như Trung Quốc hay Singapore, thịt rùa cũng được ưa chuộng.
Theo nhà sinh vật học và nhà bảo tồn rùa Peter Paul van Dijk của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, chuyên gia của IUCN về rùa châu Á, ít nhất 20 triệu cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt được tiêu thụ ở Trung Quốc mỗi năm. Nhu cầu này được coi là chất xúc tác cho việc khai thác và buôn bán các loài rùa cạn và rùa nước ngọt ở Việt Nam. Ví dụ điển hình là vào năm 2015, người dân Việt Nam rầm rộ săn lùng rùa hộp ba vạch Trung Quốc để bán cho thương lái Trung Quốc. Một kg thịt được bán với giá 300 triệu đồng ($13.175,01) nếu là rùa từ tự nhiên.
Sử dụng làm thuốc: Ngoài việc được sử dụng làm thực phẩm, rùa còn được sử dụng trong y học cổ truyền, và thị trường tiêu thụ lớn nhất lại là Trung Quốc. Rùa được dùng để nấu cao rùa với niềm tin vào khả năng chữa bệnh ung thư. Ngoài ra, mai rùa còn là nguyên liệu không thể thiếu trong nồi nấu cao hổ. Khảo sát người tiêu dùng của TRAFFIC năm 2019, bao gồm 1.120 người trưởng thành ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy sản phẩm được mua phổ biến nhất là cao hổ cốt, với 83% số người mua sản phẩm từ hổ nói rằng họ đã từng mua cao hổ.
Phục vụ niềm tin tôn giáo: Báo cáo năm 2019 của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết 4,8% dân số Việt Nam theo đạo Phật. Một số người theo đạo Phật cho rằng, phóng sinh là một hành động tốt có thể giúp giảm bớt những điều xui xẻo. Những loài động vật được phóng sinh nhiều nhất bao gồm cá, rùa và chim. Tuy nhiên, niềm tin này lại vô tình thúc đẩy nạn buôn bán trái pháp luật ĐVHD, khiến nhiều loài rùa bị bẫy bắt, đặc biệt cho mục đích phóng sinh. Năm 2018, 174 cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt đã bị tịch thu tại một ngôi chùa ở tỉnh Sóc Trăng. Tất cả số rùa này đều được du khách mang đến chùa để phóng sinh.
Nuôi rùa làm thú cưng: Rùa được nuôi rộng rãi và ưa chuộng vì chúng hiền lành, dễ thương, dễ chăm sóc và không có tình trạng rụng lông như nuôi chó hay mèo. Các loài rùa được buôn bán làm thú cưng nhiều nhất bao gồm rùa núi vàng, rùa núi viền và rùa tai đỏ, hầu hết được giao dịch/trao đổi tại các thành phố, đô thị lớn.
Nhìn lại những vụ việc cơ quan chức năng đang xử lý hành vi trái pháp luật liên quan đến buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã. Theo bà pháp luật Việt Nam đã làm tốt bao nhiêu % trong việc ngăn chặn và xử lý hành vi buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã ở nước ta?
- Về mặt luật pháp và các quy định (mang tính ràng buộc), theo đánh giá của Ban thư ký CITES, Việt Nam có các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD được coi là đáp ứng cả bốn yêu cầu để thực thi hiệu quả Công ước CITES. Bốn yêu cầu này bao gồm: i) chỉ định ít nhất một Cơ quan quản lý và một Cơ quan khoa học; ii) nghiêm cấm buôn bán mẫu vật vi phạm Công ước; iii) xử phạt những hành vi buôn bán đó; và iv) tịch thu mẫu vật buôn bán hoặc sở hữu bất hợp pháp.
Theo báo cáo về Tình hình tội phạm và thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam, trong hai năm 2020-2021, các cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 298 vụ án với 389 bị can do có các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD nói chung và động vật nguy cấp, quý, hiếm nói riêng. Cụ thể: Năm 2020, khởi tố hình sự 130 vụ án với 158 bị can. Năm 2021, khởi tố hình sự 168 vụ án với 231 bị can. Trong tổng số 181 bị cáo bị tuyên phạt tù có thời hạn về các tội liên quan đến ĐVHD, số bị cáo bị tuyên hình phạt tù có thời hạn từ 1 - 3 năm chiếm tỷ lệ cao nhất là 59,67% (108/181 bị cáo); số bị cáo bị tuyên hình phạt tù từ trên 3 - 7 năm chiếm tỷ lệ cao thứ hai là 24,31% (44/181 bị cáo); số bị cáo bị tuyên hình phạt tù có thời hạn từ trên 7 - 10 năm chiếm tỷ lệ cao thứ ba là 6,63% (12/181 bị cáo); số bị cáo bị tuyên hình phạt tù trên 10 năm tù chiếm 5,52% (10/181 bị cáo); thấp nhất là mức phạt dưới 1 năm tù chỉ chiếm 3,87 % (7/381 bị cáo).
Riêng với loài rùa, trong giai đoạn 2020-2021, các cơ quan chức năng đã xử lý 54 vụ án liên quan đến ít nhất 14 loài rùa với 654 cá thể các loại.
Bà có thể nói rõ về những vướng mắc, bất cập trong chính sách, pháp luật mà nhà nước cần khắc phục để công tác bảo tồn loài rùa nói riêng và mang lại hiệu quả tốt?
- Hiện nay, khung pháp lý để bảo vệ các loài rùa tương đối hoàn chỉnh như tôi đã đề cập ở trên.
Tuy nhiên qua theo dõi công tác thực thi pháp luật về bảo vệ rùa, chúng tôi thấy còn tồn tại một số vấn đề sau:
Nhiều cá nhân chưa thực hiện việc đăng ký nuôi rùa với mục đích làm cảnh: Căn cứ Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và Nghị định 84/2021 ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, nuôi các loại rùa thuộc Phụ lục CITES làm cảnh thuộc trường hợp nuôi ĐVHD nguy cấp không vì mục đích thương mại, thì cá nhân/tổ chức nuôi phải tuân thủ các điều kiện nuôi như lập phương án nuôi, đảm bảo nguồn giống hợp pháp, mở sổ theo dõi nuôi và định kỳ báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều cá nhân nuôi rùa cảnh tự phát, tiềm ẩn các dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy định bảo vệ ĐVHD và kiểm soát dịch bệnh từ các loài rùa sáng các loài nuôi chung và kể cả con người..
Chính sách kiểm soát hoạt động buôn bán, trao đổi rùa trực tuyến chưa hiệu quả. Mặc dù pháp luật có quy định về xử lý hành vi quảng cáo, buôn bán ĐVHD trên các nền tảng xã hội nhưng thực tế số vụ việc xử phạt còn hạn chế. Rất nhiều loài rùa nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam (rùa hộp trán vàng, rùa trung bộ …) hoặc rùa có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục của CITES (rùa phóng xạ, rùa sao Myanmar…) vẫn được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo…
Do vậy, để công tác bảo tồn rùa đạt hiệu quả, cần tăng cường hoạt động quản lý và thực thi pháp luật về hoạt động nuôi rùa làm cảnh và quảng cáo, xử lý nghiêm buôn bán rùa thuộc các loài nguy cấp quý hiếm trên nền tảng xã hội.
Được biết, các sản phẩm từ rùa được rất nhiều người ưa chuộng và sử dụng. Vậy theo bà, rùa có thực sự là thứ "thuốc thần" hay tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại?
- Tại Việt Nam, WCS chưa có kết quả nghiên cứu cụ thể về những mầm bệnh trên các loài rùa lây truyền cho con người. Tuy nhiên, trên thế giới cũng đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng rùa có thể mang các mầm bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền sang cho con người, như vi khuẩn Salmonella, lây qua đường tiêu hóa khi tiếp xúc với phân của chúng, gây nhiều triệu chứng khó chịu, điển hình là tiêu chảy và đau bụng. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và nếu không được điều trị sớm có nguy cơ sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Các dữ liệu có sẵn cho rằng 90% các cá thể bò sát đều mang loại vi khuẩn này , và ngoài ra nuôi rùa còn tiềm ẩn 1 số vi khuẩn gây bệnh và ký sinh trùng khác như ngộ độc Botulism, nhiễm khuẩn Campylobacteriosis, nhiễm khuẩn Leptospirosis, nhiễm giun Trichinellosis.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.