Bảo vệ rừng như bảo vệ cơ thể mình

Thứ sáu, ngày 16/05/2014 08:26 AM (GMT+7)
Qua bao nhiêu năm tháng, khi những cánh rừng ở các thôn khác bị chặt trơ trụi, thì khu rừng cấm rộng hơn 5ha ở thôn Ma Lù Súng, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) vẫn giữ được vẹn nguyên.
Bình luận 0
Thôn Ma Lù Súng có hơn 80 hộ đồng bào Nùng cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn với trên 60% là hộ nghèo. Kinh tế vẫn dựa vào ruộng lúa và chăn nuôi nhỏ là chủ yếu, mặc dù họ biết, cánh rừng già với nhiều loại gỗ quý hiếm sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể, giúp họ làm giàu nhanh chóng..., nhưng không vì thế mà rừng bị xâm hại.

Ông Vương Đình Phúc - Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian của xã Bản Nhùng kể: Theo lời người già kể lại, năm 1940 thần rừng được các cụ rước về thờ cúng từ xã Tân Tiến. Trước đây, trong xã Bản Nhùng có 4 khu rừng cấm của 4 thôn đều tổ chức cúng thần rừng riêng rẽ, nhưng nay chỉ còn thôn Ma Lù Súng là còn giữ được khu rừng cấm nguyên vẹn và làm lễ cúng rừng thường xuyên theo đúng phong tục cha ông truyền lại. Tín ngưỡng thờ cúng rừng, giữ rừng với người Nùng chính là cúng tổ tiên.

Nếu mùa màng bị sâu hại, trâu bò, con người mắc bệnh, mọi người nghĩ ngay đến việc có người đã mạo phạm thần linh. Do đó, từ người già cho đến đứa trẻ ở Ma Lù Súng đều “coi rừng như mẹ cả”. Bảo vệ “mẹ rừng” như cơ thể của mình. Trong khu rừng này, mọi người dân đều ý thức được những điều cấm kỵ như: Không được chặt cây, lấy củi, nói bậy, săn bắt thú, làm việc xấu, khạc nhổ, hoặc đại tiểu tiện trong rừng. Vậy nên mới có chuyện, 5ha rừng rậm bao bọc quanh thôn, chằng chịt với đủ các loại cây chò, sanh, lim… to tới mấy người ôm, vẫn tồn tại cho đến tận hôm nay.

Ông Lù Văn Thanh - Trưởng thôn Ma Lù Súng thủng thẳng bảo: “Không chỉ dựa vào truyền thống từ đời cha ông, thôn chúng tôi còn bảo vệ rừng bằng cách ghi rõ những quy định trong hương ước. Người dân hôm nay muốn làm nhà, cần mấy cây gỗ thì phải báo cáo với mọi người, với ban cán sự thôn. khi thôn họp xong, quyết định cho chặt cây gì, ở khu vực nào thì các hộ dân mới được đi chặt, nếu tùy tiện sẽ bị xử phạt theo quy ước của làng văn hóa.

Nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì phải làm lễ cúng rừng và phạt nộp thóc, phải trồng mới đúng diện tích mình chặt phá, nặng nữa thì báo cáo chính quyền. Không những thế, mỗi năm, các hộ trong thôn còn cùng nhau đóng góp mấy chục cân thóc để cắt cử hai hộ gia đình gác rừng. Một hộ ở khu trên, một hộ ở khu dưới”.

Chủ tịch xã Bản Nhùng - Sằm Thị Phương Lâm nói với tự hào: “Nhờ có sự bảo vệ của người dân như ở thôn Ma Lù Súng mà diện tích rừng ở Bản Nhùng chỉ có tăng chứ không giảm. Hiện nay, Bản Nhùng có trên 800ha đất lâm nghiệp nhờ diện tích rừng trồng mới. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp này và xây dựng thôn Ma Lù Súng thành thôn văn hóa du lịch dân tộc Nùng để người dân vừa giữ được rừng vừa có thêm nguồn lợi”.
Lê San (Lê San)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem