Bầu Kiên và cấp dưới "phản pháo" nhau tại tòa

Thứ tư, ngày 21/05/2014 12:16 PM (GMT+7)
Phiên tòa sáng nay (21.5) nóng hơn ở phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Đức Kiên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Kiên giải thích rành rọt về số cổ phiếu chuyển nhượng cho Thép Hòa Phát.
Bình luận 0
Về quan hệ với ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Hòa Phát, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho biết, bị cáo và Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long và một số thành viên thuộc Tập đoàn Thép Hòa Phát là bạn lâu năm.

Nguyễn Đức Kiên tại phiên xử sáng nay (21.5).
Nguyễn Đức Kiên tại phiên xử sáng nay (21.5).

Khi HĐXX hỏi về cuộc họp HĐQT tại Công ty ACBI để lấy chủ trương chuyển nhượng cổ phiếu cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát, bị cáo Kiên khẳng định, có họp HĐQT của Công ty ACBI. "Tôi là người chỉ đạo họp. Công ty họp và lấy ý kiến bằng văn bản theo nghị quyết của công ty và Luật Doanh nghiệp".

8 bị cáo bị đưa ra xét xử: Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập và Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, Chủ tịch HĐQT các công ty: B & B, ACI, ACBI, AFG, Thiên Nam và Chủ tịch HĐTV Công ty ACI-HN; Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang (đều nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB); Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB; Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Huỳnh Quang Tuấn, Thành viên HĐQT Ngân hàng ACB.

Về quá trình đàm phán trong chuyển nhượng cổ phiếu, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho biết, dù trong quá trình đàm phán không nói về việc cổ phần của Công ty ACBI đã thế chấp tại Ngân hàng ACB, nhưng tất cả những người trong Tập đoàn Hòa Phát đều biết. "Tôi với anh Long và anh Dương là bạn bè và ăn cơm với nhau hàng ngày. Việc Tập đoàn Hòa Phát biết hay không biết việc cổ phiếu đang là tài sản thế chấp là tùy anh Long xem xét. Tôi chẳng có gì giấu anh Long vì chúng tôi gặp nhau hàng ngày và có nói về tình trạng số cổ phiếu".

Bị cáo Kiên cho biết, trong quá trình đàm phán với Thép Hòa Phát có nói rõ, cổ phiếu đã thế chấp. Việc này Thép Hoà Phát đương nhiên biết rõ. Theo lời Kiên, ông Trần Đình Long và Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đều biết về tình trạng số cố phiếu đang thế chấp.

"Kế toán trưởng Nguyễn Thị Hải Yến là người liên hệ với Tập đoàn Hòa Phát để họ phát hành cổ phiếu và xác lập hợp đồng ký với ACBI. Chúng tôi có tổ chức họp HĐQT và chỉ đạo lập biên bản. Giám đốc Thép Hòa Phát là người ký nhận cổ phiếu nên không thể không biết về việc thế chấp. Tôi không đổ trách nhiệm cho ai hết vì chúng tôi là bạn bè. Tôi và anh Long ngoài bạn bè còn là Chủ tịch HĐQT của hai tập đoàn lớn nên trao đổi với nhau thường xuyên", bị cáo Kiên nói.

Vào thời điểm Công ty Thép Hòa Phát chuyển tiển mua cổ phiếu, bị cáo Kiên khẳng định đang ở nước ngoài. "Trước khi đi Cộng hòa Liên bang Đức, kế toán trưởng Nguyễn Thị Hải Yến có gặp và trình hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu. Sau khi xem tôi ký nháy vào từng trang. Khi tôi ở nước ngoài, kế toán Nguyễn Thị Hải Yến có báo cáo về tình trạng hợp đồng, nhưng ACB chưa chấp thuận nên Thép Hoà Phát chưa thực hiện hợp đồng".

Về những vấn đề mà bị cáo Kiên trả lời, bà Yến cho rằng lời khai ông Kiên không đúng. Bà Yến khẳng định, có báo cáo với Chủ tịch Kiên về việc 20 triệu cổ phiếu chưa được giải chấp. "Sau khi nhận thông báo, Chủ tịch Kiên có nói cứ để anh xem", bà Yến nói.

Bị cáo Yến tại tòa.
Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến tại tòa.

Sau phần xét hỏi về tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", HĐXX chuyển qua xét hỏi tội kinh doanh trái phép.

Theo cáo trạng, từ ngày 15.5 - 3.8.2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty (do Kiên làm Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên): B&B, ACI, ACBI, AFG, Thiên Nam và Chủ tịch HĐTV Công ty ACI-HN, đã tổ chức kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký, lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng trái phép với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.

Trước những cáo buộc này, Nguyễn Đức Kiên nói: "Tôi xác nhận các số liệu nêu trong cáo trạng và không đồng ý với cáo trạng truy tố hành vi kinh doanh trái phép vì các công ty này đều kinh doanh đúng pháp luật. Trong 6 công ty được thành lập, tôi chỉ có trách nhiệm với 5 công ty. Công ty B&B do 3 người góp vốn gồm: Tôi, vợ và em gái tôi. Công ty hoạt động theo theo giấy phép kinh doanh là vàng và một số hoạt động khác".

Nguyễn Đức Kiên cũng thừa nhận các công ty này không có giấy phép kinh doanh tài chính.

Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi với bị cáo Kiên về Công ty Thiên Nam có được kinh doanh vàng hay không? Bị cáo Kiên trả lời: Công ty không có chức năng kinh doanh vàng. Công ty chỉ có 2 hợp đồng chuyển giao trạng thái vàng và ủy thác vàng với Ngân hàng ACB. Công ty Thiên Nam đầu tư vào giá vàng, chứ không kinh doanh vàng và vàng trạng thái. Bị cáo Kiên nói: "Công ty Thiên Nam do ông Lê Quang Trung làm Tổng Giám đốc. Ông Trung có thẩm quyền trong việc thẩm định và ký hợp đồng với Ngân hàng ACB. Tôi không thực hiện các lệnh mua bán vàng. Các lệnh mua bán vàng phải thực hiện bằng văn bản".

Bị cáo Kiên một lần nữa khẳng định, Công ty Thiên Nam không thực hiện mua vàng. "Chúng tôi chỉ đầu tư vào giá vàng chứ không mua bán vàng trạng thái. Trong các phiếu lệnh không có bất kỳ chữ nào mua và bán vàng".

Kết thúc thời gian làm việc buổi sáng, chiều nay tòa tiếp tục làm việc.
Thắng Quang - Xuân Lực (Thắng Quang - Xuân Lực)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem