Vụ bầu Kiên: Các bị cáo cho rằng cáo trạng truy tố chưa chính xác

Thứ ba, ngày 20/05/2014 08:00 AM (GMT+7)
Các bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Lý Quốc Kỳ, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn... đều khẳng định, bản cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố chưa chính xác, chưa đúng người đúng tội.
Bình luận 0
17h30: HĐXX tạm nghỉ, 8h ngày mai (21.5) tiếp tục làm việc.

17h15: HĐXX thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến. Bị cáo Yến cho biết, Nguyễn Đức Kiên là người chỉ đạo bị cáo soạn thảo hợp đồng Nghị quyết chủ trương để Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp 22.497.000 cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát cho Ngân hàng ACB.

Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến.
Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến.

"Ngày 21.5.2012, khi bị cáo Thanh ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Công ty ACBI thì bị cáo có chứng kiến việc đó?" - HĐXX hỏi.

"Khi đó tôi cũng tham gia thực hiện hợp đồng và toàn bộ những thủ tục đã được hoàn thiện theo đúng thủ tục. Bên cạnh đó, về văn bản, hợp đồng có chữ ký nháy, chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên. Sau khi ký hợp đồng, Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát đã chuyển tiền 264 tỷ đồng cho Công ty ABCI thì Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh ký ủy nhiệm chi, chứng từ dùng số tiền này để chi trả cho các khoản nợ...", bị cáo Yến khai.

16h45: Trước vành móng ngựa, bị cáo Thanh cho biết, bị cáo đã nhận kết luận điều tra đầu tháng 8.2013. Tuy nhiên, khi tống đạt quyết định khởi tố, bị cáo lại chưa được đọc và không nêu kiến nghị. Ngày 14.8.2013, bị cáo Trần Ngọc Thanh làm 2 đơn kiến nghị gửi Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. "Trong các lần nhận kết luận điều tra hay cáo trạng, đại diện VKS đều không dành thời gian cho tôi đọc mà bảo cứ ký nhận rồi đọc sau".

Bị cáo Trần Ngọc Thanh trước vành móng ngựa.
Bị cáo Trần Ngọc Thanh trước vành móng ngựa.

Tháng 2.2008, Nguyễn Đức Kiên bổ nhiệm Trần Ngọc Thanh làm Giám đốc Công ty CP Đầu tư ACBI Hà Nội. Quyền hạn của giám đốc công ty là điều hành hoạt động tài chính, còn Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên là người trực tiếp chỉ đạo toàn bộ công ty. Việc phân công trách nhiệm rất rõ ràng, Nguyễn Đức Kiên là người cao nhất. “Chúng tôi tôn trọng ý kiến của Chủ tịch ACBI vì chủ tịch là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này”, bị cáo Thanh khai trước tòa.

Trả lời HĐXX về việc ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần của Công ty ACBI cho Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, bị cáo Thanh nói: "Theo điều lệ thì quyết định theo đa số, nhưng ở công ty nhỏ như Công ty ACBI thì Chủ tịch HĐQT quyết định. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của Chủ tịch HĐQT".

Bị cáo Thanh cho biết, trước khi chuyển hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phần sang Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, HĐQT chỉ lấy ý kiến bằng văn bản, không họp HĐQT. Việc ký hợp đồng chuyển nhượng, do bị cáo ký. Việc ký không kiểm tra do quá tin Nguyễn Đức Kiên.

“Bị cáo không trực tiếp đàm phán với Hòa Phát và khi Kế toán trưởng Hải Yến chuyển thì bị cáo bảo chuyển cho anh Nguyễn Đức Kiên xem. Sau khi anh Kiên có chữ ký nháy thì công ty ký và đóng dấu. Bị cáo hoàn toàn tin Chủ tịch Kiên và kế toán trưởng giúp việc. Khi nhìn thấy chữ ký nháy của anh Kiên nên bị cáo không suy nghĩ mà ký và đóng dấu. Đây là sai phạm mà bị cáo phải bước ra vành móng ngựa”, bị cáo Thanh trình bày.

16h30: HĐXX tiếp tục làm việc.

HĐXX bắt đầu thẩm vấn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ba bị cáo: Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến.

HĐXX yêu cầu cách ly bị cáo Nguyễn Đức Kiên ra khỏi phòng xét xử. Bị cáo Kiên được cán bộ công an đưa ra ngoài phòng xử, bị cáo Trần Ngọc Thanh bước lên trước vành móng ngựa.

16h20: HĐXX tuyên bố tạm nghỉ để hội ý.

16h15: Sau khi nghe xong bản cáo trạng do đại diện VSKND TP.Hà Nội đọc, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho biết mình bị truy tố ở 4 tội danh: "Kinh doanh trái phép", "Trốn thuế", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; tuy nhiên bị cáo Kiên cho rằng toàn bộ cáo trạng của VKSND Tối cao là không chính xác.

Các bị cáo Lý Quốc Kỳ, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn... cũng khẳng định, bản cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố chưa chính xác, chưa đúng người đúng tội.

15h10: Đại diện VKS cho rằng, đối với hành vi kinh doanh trái phép, từ ngày 15.5 - 3.8.2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty do Kiên làm Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên đã tổ chức kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký, lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.

Đối với hành vi trốn thuế, VKS cáo buộc, lợi dụng chính sách của Nhà nước về việc miễn thuế thu nhập cá nhân, bầu Kiên với thủ đoạn ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính để trốn thuế hơn 25 tỷ đồng. Trong tội "Trốn thuế", vợ và em gái của bầu Kiên là Đặng Thị Ngọc Lan và Nguyễn Thúy Hương được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo cáo trạng, hành vi của Lan và Hương chưa cấu thành tội phạm do hai người này không biết, không tham gia và chỉ làm theo chỉ đạo của bầu Kiên.

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bầu Kiên và hai đồng phạm là Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến đã có hành vi gian dối, chiếm đoạt tiền của Công ty cổ phần TNHH một thành viên Thép Hòa Phát.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao: Nguyễn Đức Kiên thành lập, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên của 6 công ty. Thông qua việc chỉ đạo, điều hành hoạt động đối với các công ty nêu trên và lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng, Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm đã thực hiện các hành vi phạm tội gồm: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản“, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Trốn thuế”; “Kinh doanh trái phép”.

14h10: Bắt đầu phần xét hỏi, vị đại diện cơ quan công tố đọc bản cáo trạng truy tố các bị cáo. Bản cáo trạng số 10/VKSTC - V1 ngày 10.2.2014 của Viện KSND Tối cao dài 36 trang, vạch rõ tội danh của các bị cáo.

Bà Đỗ Thị Thu Yến - đại diện Viện SKND TP.Hà Nội đọc cáo trạng truy tố các bị cáo.
Bà Đỗ Thị Thu Yến - đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đọc cáo trạng truy tố các bị cáo.

Buổi chiều, HĐXX TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm.


11h20: HĐXX tuyên bố kết thúc phần kiểm tra căn cước, chuyển sang phần xét hỏi. Tuy nhiên, thời gian làm việc buổi sáng đã hết, HĐXX tuyên bố tạm nghỉ.

10h50: HĐXX tiếp tục làm việc. Mở đầu, chủ tọa phiên toà nêu quan điểm về việc các bị cáo, luật sư đề xuất triệu tập thêm một số người. Về việc này, HĐXX cho rằng, đối với một số người đã triệu tập mà không đến sẽ tiếp tục triệu tập. Với những người triệu tập thêm, tòa nhận thấy không cần thiết, trong quá trình xét xử nếu cần sẽ bổ sung.

Xét Công ty CP Thép Hòa Phát trong hồ sơ công ty này có 2 đơn yêu cầu bồi thường nên là bị hại trong vụ án. Với Ngân hàng ACB trong cáo trạng ghi rõ hành vi cố ý làm trái của các bị cáo nên ngân hàng này là đương sự.

Đối với đề xuất của các luật sư về yêu cầu cho người thân tiếp xúc bị cáo, chủ tọa cho biết, tại tòa là thẩm quyền của tòa, ở nhà tạm giam là cơ quan công an.

Việc bị cáo Nguyễn Đức Kiên yêu cầu được nhận văn bản pháp luật, hồ sơ vụ án là yêu cầu chính đáng, HĐXX yêu cầu luật sư và các bên liên quan cung cấp tài liệu cho bị cáo.

Việc vắng mặt bị cáo, căn cứ đơn đề nghị vắng mặt, HĐXX khẳng định, bị cáo Trần Xuân Giá đang bị bệnh là có lý do chính đáng. Sau khi hội ý, với những lý do trên HĐXX quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá, sẽ xét xử sau.

Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Trần Xuân Giá.

10h30: Toà nghỉ hội ý.

10h20: Với giọng rành rọt, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục được trình bày sau khi có kiến nghị một số luật sư. Bị cáo Kiên đề nghị HĐXX cho bị cáo được trình bày đầy đủ và nhận các văn bản pháp luật từ luật sư và các tài liệu trong hồ sơ vụ án.

Bị cáo Kiên đề nghị Cơ quan CSĐT cho được gặp gia đình vì đã nhận được thông báo của Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho phép gặp gia đình, nhưng 8 tháng kể từ khi nhận được thông báo, bị cáo chưa được gặp gia đình, ảnh hưởng đến quyền tối thiểu của bị cáo.

“Tôi đề nghị HĐXX yêu cầu Cơ quan CSĐT không cùm chân tôi vì tôi cho rằng biện pháp này là không cần thiết, việc tôi đề nghị không mặc đồng phục trại giam đã được Quốc hội cho phép” - bị cáo Kiên nói.

Bị cáo Kiên cũng cho rằng, HĐXX cần xem xét đề nghị của ông Trần Xuân Giá, vì nhiều tình tiết trong vụ án có liên quan đến ông Giá cần được làm rõ để đảm bảo quyền và lợi ích cho các bị cáo.


10h10: Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị HĐXX xem xét. “Tại cơ quan điều tra tôi đã gửi 2 đơn, trong đó có 1 đơn đề nghị thay đổi điều tra viên nhưng không thấy đơn này trong bút lục hồ sơ vụ án. Tôi bị buộc tội kinh doanh trái phép trong khi tất cả việc làm của tôi là được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nên tôi yêu cầu toà triệu tập Phòng Đăng ký kinh doanh của TP.HCM, Hà Nội và đại diện các bộ: Công Thương, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính; Ngân hàng Nhà nước. Đây là những bộ đã có ý kiến về việc cho phép cấp phép cho tôi. Đồng thời tôi đề nghị mời đại diện Văn phòng Chính phủ vì trong hoạt động kinh doanh có một số công ty đã được Chính phủ chấp thuận cấp phép và uỷ quyền cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp phép theo luật", bị cáo Kiên nói.

Bị cáo Kiên cũng đề HĐXX mời thêm đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp.

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại toà đề nghị HĐXX tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại toà đề nghị HĐXX tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá.

9h45: Chủ tọa phiên tòa thông báo về việc bị cáo Trần Xuân Giá vắng mặt. Bị cáo hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt-Xô nên có đơn xin vắng mặt một vài ngày. Ngày 14.5, Hội đồng kiểm tra sức khỏe thông báo tình trạng sức khỏe về bị cáo Trần Xuân Giá. Theo đó, bị cáo vẫn trong tình trạng rất yếu và không đủ khả năng dự phiên tòa. Ngày 15.5, Bệnh viện Việt-Xô có văn bản thông báo về tình trạng sức khỏe và thông báo về việc bị cáo này bị ung thư đại tràng. Bệnh nhân cần tiếp tục điều trị tại bệnh viện. Bệnh nhân yếu không thể tự ngồi dậy được.

Sau khi công bố lý do vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội Đào Trọng Cường giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, trong vụ án ngoài bị cáo Trần Xuân Giá còn 6 bị cáo khác phạm tội cố ý làm trái nên việc vắng mặt không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến phiên xử. Bên cạnh đó, trong quá trình lấy lời khai, bị cáo Trần Xuân Giá và 6 bị cáo khác đã thành khẩn khai báo, lời khai trùng khớp. Vì vậy, đề nghị HĐXX tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Trần Xuân Giá.

Theo luật sư Lưu Tiến Dũng (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Trần Xuân Giá), ý kiến đại diện VKS đưa ra về việc tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Trần Xuân Giá là hoàn toàn hợp lý.

9h40,
toà kết thúc phần kiểm tra căn cước.

8h36: HĐXX kiểm tra căn cước các bị cáo. Trong số 9 người bị truy tố đưa ra xét xử, bị cáo Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB) vắng mặt do sức khỏe yếu.

Theo luật sư Lưu Tiến Dũng, người bảo vệ cho ông Trần Xuân Giá, thể trạng ông Giá còn rất yếu, chưa thể đi lại được. Ông Giá phải dùng thuốc kháng sinh khoảng 1 tháng để chữa nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Ngoài ra, bệnh phì đại tiền liệt tuyến của ông Giá còn nặng, chưa loại trừ khả năng bị ung thư.


8h30: Phiên tòa bắt đầu làm việc. Huỳnh Thị Huyền Như (vừa lĩnh án chung thân) xuất hiện tại phiên xử bầu Kiên với tư cách người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Theo cáo trạng, từ việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm dẫn đến bị Huyền Như chiếm đoạt số tiền hơn 718 tỷ đồng.

8h20: Cảnh sát bảo vệ đưa các bị cáo ra trước vành móng ngựa. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bước ra vành móng ngựa với trang phục áo trắng, quần đen.

8h10: Thư ký phiên tòa kiểm tra thông tin những người tham gia tố tụng. Bà Đặng Thị Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) có mặt.

Nguyễn Đức Kiên tại tòa sáng nay (20.5).
Nguyễn Đức Kiên tại tòa sáng nay (20.5).

Sáng nay (20.5), TAND TP.Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và 8 đồng phạm về những sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB).


Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và 8 đồng phạm bị xét xử về các tội danh "Kinh doanh trái phép"; "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Trốn thuế", xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB). Dự kiến, phiên tòa này sẽ diễn ra từ 20.5 đến 5.6.

Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại phiên tòa ngày 16.4.
Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại phiên tòa ngày 16.4.

Trước đó, vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm được TAND TP.Hà Nội mở vào ngày 16.4, tuy nhiên phiên tòa đã bị hoãn vì bị cáo Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) vắng mặt vì bệnh nặng, phải điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị.

Sau khi phiên tòa bị hoãn, để đảm bảo cho công tác xét xử, 4 bị cáo trong vụ án Nguyễn Đức Kiên đang hưởng tại ngoại đã bị thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tại ngoại sang tạm giam là Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang - nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB và Huỳnh Quang Tuấn. Như vậy, 8 trong tổng số 9 bị cáo trong vụ án này bị tạm giam, trừ trường hợp ông Trần Xuân Giá.

Theo thông tin từ TAND TP.Hà Nội, gần 100 phóng viên từ các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế đăng ký tham dự đưa tin về phiên tòa được dư luận quan tâm này. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Hữu Chính - Phó Chánh án TAND TP.Hà Nội. Tham gia bào chữa cho 9 bị cáo có 20 luật sư, trong đó 4 luật sư bào chữa cho bầu Kiên.

Theo cáo trạng lần 2 của Viện KSND Tối cao, bị can Nguyễn Đức Kiên là cổ đông của Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, bị truy tố 4 tội danh: "Kinh doanh trái phép"; "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Trốn thuế".

Hai bị can Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các bị can: Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, đều nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng ACB; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB; Phạm Trung Cang, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là 1.695,6 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, Nguyễn Đức Kiên với vị trí là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập và đại diện nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ đã có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB. Từ ngày 15.5.2007 đến ngày 3.8.2012, bầu Kiên đã thông qua 6 công ty gia đình để tổ chức hoạt động kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh, lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với số tiền hơn 21 nghìn tỷ đồng.

Năm 2009, Công ty B&B kinh doanh giá vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với Ngân hàng ACB, thu được số tiền lãi hơn 100 tỷ đồng. Lợi dụng chính sách của Nhà nước về việc miễn thuế thu nhập cá nhân, Nguyễn Đức Kiên với thủ đoạn ký hợp đồng hợp tác đầu tư tài chính giữa Công ty B&B với Nguyễn Thuý Hương (em gái bầu Kiên) để chuyển lợi nhuận của doanh nghiệp sang cho cá nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B số tiền hơn 25 tỷ đồng. Như vậy, Nguyễn Đức Kiên phải chịu trách nhiệm về hành vi "Trốn thuế".

Cáo trạng cũng nêu rõ Nguyễn Đức Kiên với tư cách là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT công ty để bán 20 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hoà Phát mà công ty này đang sở hữu. Số cổ phần này được cung cấp cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hoà Phát nhằm tạo lòng tin cho công ty này để ký hợp đồng mua cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, lấy số tiền 264 tỷ đồng.

Trong khi đó, số cổ phiếu này Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội đang thế chấp cho Ngân hàng ACB. Như vậy Nguyễn Đức Kiên có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của Công ty TNHH một thành viên Thép Hoà Phát. Hai bị can Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến mặc dù biết rõ số cổ phiếu đang thế chấp tại Ngân hàng ACB nhưng vẫn làm theo sự chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên nên phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ngoài các hành vi trên, bầu Kiên còn bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" cùng các bị can: Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn. Các bị can biết rõ quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn đồng ý cho thực hiện chủ trương, ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền 718,9 tỷ đồng.

Đối với hành vi cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên với tư cách Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB đã cùng với lãnh đạo Công ty ACBS để triển khai thực hiện việc đầu tư mua cổ phiếu ACB không đúng với chủ trương ngày 2.11.2009 của thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, trái với quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 687,7 tỷ đồng. Do đó, Nguyễn Đức Kiên và Lê Vũ Kỳ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do hành vi nêu trên gây ra.

Trong vụ án này, ban đầu cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn, nhưng qua xem xét các cơ quan tố tụng đình chỉ bị can. Đến ngày 3.1.2014, TAND Hà Nội qua xem xét đã trả hồ sơ và đề nghị điều tra bổ sung hành vi của bị can Cang và Tuấn. Cáo trạng của Viện KSND Tối cao cũng xác định, 2 bị can này cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về việc ký và thực hiện các chủ trương ủy thác trái quy định gây thất thoát cho Ngân hàng ACB.

Thắng Quang - Xuân Lực (Thắng Quang - Xuân Lực)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem