Bệnh nhân nhiễm virus Corona triệu chứng nhẹ có thể điều trị tuyến huyện

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 08/02/2020 12:45 PM (GMT+7)
Tính đến tối 8/2, Việt Nam đã có 13 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV), trong đó, 3 bệnh nhân đã khỏi và được xuất viện. Hiện có 4 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).
Bình luận 0

Lý giải vì sao nhiều bệnh nhân mắc nCoV không cần phải chuyển lên bệnh viện (BV) tuyến trên, ngày 8/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, phương châm điều trị là 4 tại chỗ (quản lý, sàng lọc bệnh nhân từ tuyến xã và điều trị bệnh nhân nhẹ từ tuyến huyện, bệnh nhân nặng mới chuyển lên tuyến trên).

Điều này nhằm hạn chế lây nhiễm nCoV trên đường di chuyển bệnh nhân từ nơi này đến nơi khác. Nếu bệnh nhân tiến triển nặng thì báo lên cấp trên, ngành y tế sẽ cử Đội phản ứng nhanh, có xe chuyên dụng để tiếp nhận bệnh nhân chuyển lên BV tuyến trên. Các phương tiện vận chuyển, người tiếp nhận khi đó phải đảm bảo đủ trang thiết bị, phương tiện, biện pháp để tránh virus lây nhiễm ra bên ngoài. 

img

Đoàn Bộ Y tế đã đến thăm và kiểm tra những trường hợp nghi mắc nCoV được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên ngày 6/2.

Hơn nữa, bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Nếu như bệnh nhân có các biểu hiện bệnh nhẹ như ho, sốt, Trung tâm y tế huyện đều có khả năng điều trị với các thuốc thông thường. Chỉ cần Trung tâm tuân thủ phác đồ điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV mà Bộ Y tế ban hành trước đó thì sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, cơ sở y tế phải liên tục theo dõi sát sức khỏe của bệnh nhân để phát hiện bất thường, nếu có các dấu hiệu suy hô hấp nặng, viêm phổi, cần báo ngay cho cơ quan y tế cấp trên. 

Cụ thể như trường hợp 4 bệnh nhân ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc mới có các triệu chứng bệnh nhẹ như ho, sốt nhẹ nên được giữ lại Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên để điều trị với sự hỗ trợ của y tế tuyến trên. Nếu bệnh nhân có biểu hiện nặng, sẽ được chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Các địa phương khác cũng cần tuân thủ theo phương châm "4 tại chỗ" này

Trước đó, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng cho biết, theo khuyến cáo phòng chống của Bộ Y tế trong dịch nCoV, khi các địa phương phát hiện các ca nghi ngờ nhiễm chủng Corona mới, lập tức điều trị theo phương châm "4 tại chỗ" để phòng tránh tối đa sự lây nhiễm trên đường di chuyển không cần thiết.

"BV Chợ Rẫy cũng như các BV được Bộ Y tế chỉ đạo thành lập các đội phản ứng nhanh, riêng BV Chợ Rẫy có 2 đội phản ứng nhanh. Nếu y tế cơ sở chẩn đoán trường hợp bệnh nhân đã nhiễm nCoV và tình trạng rất nặng, quá khả năng điều trị, sẽ báo về ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Quốc gia và cơ sở y tế tuyến trên gần nhất như BV Chợ Rẫy. Các đội phản ứng nhanh sẽ di chuyển ngay lập tức, trực tiếp thăm khám, hội chẩn và nếu cần thiết sẽ di chuyển bệnh nhân một cách chủ động và đảm bảo các phương pháp phòng chống lây nhiễm trên đường", bác sĩ Thức cho biết. 

Sáng 8/2, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến với 700 điểm cầu để tập huấn, hướng dẫn điều trị bệnh viêm phổi do virus Corona tới bệnh viện tuyến huyện. Bộ Y tế cho biết đã hướng dẫn các bệnh viện chuẩn bị nguồn lực tùy mức độ của dịch, hướng dẫn 700 bệnh viện các tuyến cách lấy mẫu, bảo quản mẫu...

“Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên bảo quản mẫu phải đảm bảo an toàn sinh học”, PGS Lương Trọng Khuê cho biết. 

Theo PGS Khuê, nCoV khiến hơn 34.000 người Trung Quốc mắc bệnh, hơn 720 người tử vong. Nhưng ở Việt Nam, trong số 13 ca đã được phát hiện chỉ có 1 ca bệnh nặng (ca bệnh 66 tuổi, người Trung Quốc có nhiều bệnh mãn tính), còn lại đa số chỉ có biểu hiện ho, sốt nhẹ, có người chỉ hơi mỏi mệt.

TS Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, do những thay đổi mới ghi nhận về căn bệnh này, việc giám sát, sàng lọc bệnh nhân ở Việt Nam cũng thay đổi. Chỉ cần bệnh nhân có một trong những biểu hiện sốt, ho, viêm phổi, có lịch sử đi lại ở Trung Quốc trong vòng 14 ngày đều được coi là nghi nhiễm, đưa vào sàng lọc.

Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới, phần lớn bệnh nhân có biểu hiện nhẹ, trung niên và cao tuổi có nguy cơ mắc cao hơn, ít ca bệnh báo cáo ở trẻ nhỏ.

Đáng lưu ý nhất là tỷ lệ tử vong, tỷ lệ này ở SARS là 10%, MERS- CoV là 34%, viêm phổi Vũ Hán nCoV là 2%. Đại đa số ca tử vong ở Vũ Hán, chỉ có 2 ca tử vong ngoài Vũ Hán nhưng đều có tiền sử đi từ Vũ Hán.

Tương tự với cúm, một người nhiễm nCoV lây cho 2,2 người. Những bệnh hay gặp ở Việt Nam, như sởi tỷ lệ là 12-18, cao hơn nCoV.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem