Bệnh viện Nhiệt đới TƯ: Biển thủ tiền tỷ, xử lý xuê xoa là xong?

Bách Thuận Thứ sáu, ngày 21/12/2018 11:32 AM (GMT+7)
Liên quan đến sự việc nữ kế toán thanh toán của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương bị phát hiện biển thủ tiền viện phí, theo chuyên gia pháp lý, hành vi của người này nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, nữ kế toán thanh toán Vũ Hồng Nhung – kế toán viên phòng Tài chính kế toán (TCKT, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, hiện không còn công tác tại bệnh viện) bị phát hiện có hành vi xóa phiếu thu để biển thủ tiền viện phí hơn 1,6 tỷ đồng trong hai năm 2015, 2016.

Theo thông báo của bệnh viện này, sự việc được phát hiện, bà Nhung đã hoàn trả những số tiền vào tài khoản của bệnh viện. Dư luận đang mong chờ hình thức xử lý đối với bà này, tuy nhiên có một diễn biến bất ngờ.

Sự việc được phát hiện vào ngày 20.5.2016, ngày 31.5.2016 bà Nhung có đơn xin nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân. Đến ngày 2.6.2016, ông Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã ký quyết định đồng ý cho bà Nhung nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân từ ngày 1.6.2016.

Đến tháng 1.2017, Hội đồng kỷ luật của bệnh viện này họp để xử lý cán bộ liên quan, và lúc này bà Nhung không còn là viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của bệnh viện, nên bà này không hề hấn gì.

Một người khác tuy theo bệnh viện báo cáo là người đã phát hiện ra sự việc biển thủ tiền tỷ viện phí nên không bị xử lý gì cũng khiến dư luận băn khoăn, đó là trường hợp của bà Lê Thị Chi Lan – thời điểm sự việc xảy ra, bà này đang là thủ quỹ của bệnh viện. Hội đồng kỷ luật cũng không xử lý gì với bà này.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, có nhiều vấn đề cần phải làm rõ trong sự việc này.

img

Nữ kế toán thanh toán của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương bị phát hiện biển thủ công quỹ, tuy nhiên người này không hề hấn gì vì đã nghỉ việc trước thời điểm Hội đồng kỷ luật họp vào năm 2017.

Theo luật sư Cường, trong vụ việc trên, bà Nhung đã nghỉ việc do đó bệnh viện không xử lý kỷ luật bà Nhung là phù hợp. Bởi lẽ hình thức kỷ luật chỉ áp dụng đối với các viên chức đang làm việc, và hình thức kỷ luật cũng chỉ là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc, còn bà Nhung đã nghỉ việc thì không còn cơ sở để xử lý kỷ luật và cũng không có hình thức xử lý nào phù hợp.

“Tuy nhiên trong vụ việc này, nếu nhận thấy hành vi của bà Nhung là có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật mà không còn thẩm quyền giải quyết bệnh viện cần chuyển toàn bộ hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan công an sẽ điều tra, xác minh, xử lý theo thủ tục tố tụng.

Theo thông tin báo chí phản ánh trong vụ việc trên, bà Nhung là kế toán đã có hành vi xóa hóa đơn để biển thủ số tiền 1,6 tỷ đồng, hành vi này có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản” – luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Tuy nhiên, theo vị luật sư, tài sản của bệnh viện là số tiền 1,6 tỷ đồng mà bà Nhung định biển thủ đã được trả lại cho bệnh viện, bệnh viện chưa có tổn thất nào, do đó nếu thụ lý hồ sơ cơ quan công an sẽ phải điều tra, xác minh, làm rõ hành vi của bà Nhung mới có kết luận chính xác về hành vi vi phạm của bà này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không.

“Theo quy định pháp luật người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn tái phạm, hoặc đã bị kết án về một trong các tội theo quy định thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm về tội Tham ô tài sản.

Hình phạt đối với tội danh này có thể lên đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên” – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp viện dẫn.

Đối với trường hợp của thủ quỹ Lê Thị Chi Lan, luật sư Cường phân tích, thủ quỹ là trách nhiệm thu - chi tiền từ các nguồn thu - chi trong công ty, cơ quan, giữ quỹ tiền mặt và chịu trách nhiệm về những mất mát xảy ra và phải bồi thường nếu xảy ra mất mát về tài sản.

img

Cách điều hành, quản lý của giám đốc Nguyễn Văn Kính đã bị cán bộ trong bệnh viện kiến nghị tới Bộ Y tế kiểm tra, xem xét. (Ảnh: TTXVN)

Về nguyên tắc thủ quỹ chỉ chi tiền khi có đầy đủ các chứng từ, văn bản kèm theo và có phê duyệt của người có thẩm quyền, đồng thời có trách nhiệm thực hiện kiểm quỹ hàng ngày và đảm bảo số dư tiền mặt tại quỹ khớp với số dư trên sổ quỹ.

Nếu trong quá trình làm việc, thủ quỹ có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, có thể sẽ bị kỷ luật hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Bà Lan là thủ quỹ - viên chức của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, theo quy định tại điều 52 Luật viên chức 2010, viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ (như Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật viên chức; Vi phạm các nghĩa vụ khác cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập….) tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật là Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức hoặc Buộc thôi việc” – vị luật sư nêu nói.

Như vậy, tùy thuộc vào hành vi vi phạm mà viên chức sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng.

“Đối với vụ việc trên tại bệnh viên, số tiền 1,6 tỷ đồng đã kịp thời thu hồi, không có thiệt hại nghiêm trọng xảy ra, do đó nếu có hành vi không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ thì có thể thủ quỹ cũng chỉ bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách” – ông Cường nhận định.

Tuy nhiên, vị luật sư của đoàn luật sư TP.Hà Nội cũng chia sẻ, theo nguyên tắc xử lý kỷ luật quy định tại Điều 3 Nghị định 27/2012/NĐ-CP, thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của viên chức có hành vi vi phạm pháp luật là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.

Trường hợp nếu thủ quỹ đã phát hiện và báo cáo kịp thời tới lãnh đạo bệnh viện, ngăn chặn thiệt hại, không gây thất thoát tài sản thì có thể được xem là yếu tố giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.

Còn đối với hành vi có dấu hiệu tham ô tài sản cần xem xét đến các yêu tố cấu thành của tội danh này để xác định tội phạm đã hoàn thành hay chưa, hành vi chiếm đoạt thể hiện ở các chứng cứ nào thì mới có thể xem xét việc khởi tố hay không khởi tố trong trường hợp này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem