Bị đình chỉ, Cty Nhân lực TTC vẫn thu tiền đào tạo lao động đi Nhật

Theo Trang Trại Việt Chủ nhật, ngày 08/12/2019 12:00 PM (GMT+7)
Bộ LĐ-TB&XH đình chỉ và dự định xóa tên khỏi danh sách những công ty đủ điều kiện phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, nhưng Công ty CP Nhân lực TTC Việt Nam vẫn tiếp tục tổ chức đào tạo dạy tiếng, kỹ năng.
Bình luận 0

Bị đình chỉ, vẫn tổ chức đào tạo

Phản ánh đến Báo điện tử Dân Việt, nhiều lao động đang học tập tại Trung tâm giáo dục định hướng Nhật Bản của Công ty Cổ phần nhân lực TTC Việt Nam bức xúc, Công ty này bỗng dưng thông báo huỷ đơn hàng "dọn dẹp toà nhà" dù đã tuyển dụng và đào tạo lao động trước đó.

Cụ thể, chị Phan Thị Ngọc Hương (SN 1990, Kim Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh) cho hay, do có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, cuối tháng 5/2019 chị cùng hơn 80 lao động đã tham gia thi tuyển đơn hàng "dọn dẹp toà nhà" của Công ty nhân lực TTC Việt Nam.

Sau đó, những lao động này được bố trí học tập tại Trung tâm giáo dục định hướng Nhật Bản (146 Tây Sơn, Thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội).

Quá trình tham gia đơn hàng, mỗi lao động phải đóng cho Công ty nhân lực TTC Việt Nam khoản phí 3.900 USD và 12,8 triệu đồng tiền ăn học.

"Nhân viên tuyển dụng của TTC Việt Nam tư vấn yêu cầu mỗi lao động đi phải đóng trung bình 7.600 USD cho đơn hàng. Thời gian đầu, chúng em mỗi người phải đóng 3.900 USD và 12,8 triệu đồng tiền ăn học, số tiền còn lại phải đóng khi chuẩn bị xuất cảnh.

Thời gian học ở trung tâm rất khắc nghiệt, chúng em phải học tận 6 tháng, từ 5 giờ sáng đến... 23 giờ đêm. Chúng em đã bỏ ra nhiều công sức nhưng đùng một cái họ thông báo huỷ đơn hàng mà không nói gì đến việc bồi thường cho chúng em…", chị Hương nói.

img

Hàng chục lao động kéo đến toà nhà Richy số 35 Mạc Thái Tổ để đòi quyền lợi.

Cùng rơi vào tình trạng tương tự như chị Hương là anh Đào Văn Quyết (SN 1996, An Thanh, Quỳnh Phụ, Thái Bình). Nhiều ngày nay tâm trạng của anh rối bời khi TTC Việt Nam bất ngờ thông báo đơn hàng mà anh học bấy lâu đã bị huỷ.

Anh Quyết cho hay, hoàn cảnh gia đình khó khăn, để có tiền cho anh đi xuất khẩu lao động gia đình anh đã chạy vạy khắp nơi để vay mượn số tiền 3.900 USD và 12,8 triệu đồng để đóng cho công ty TTC.

Thời gian ăn học ở công ty, bản thân anh cũng phải tiêu pha nhiều thứ nên rất tốn kém, việc TTC huỷ đơn hàng nhưng không bồi thường thiệt hại cho người lao động khiến anh bức xúc.

"Số tiền và thời gian chúng em đầu tư vào đơn hàng là rất lớn, việc Công ty huỷ đơn hàng phải bồi thường tổn thất này cho chúng em. Bởi, số tiền chúng em đóng cho Công ty cũng là tiền đi vay mượn mà có, tính đến nay số tiền lãi ngân hàng rất lớn…", Quyết nói.

Cũng theo anh Quyết, điều khiến anh và hơn 80 lao động khác bức xúc là tháng 9/2019, phía Công ty TTC đã bị Bộ LĐTB&XH đình chỉ việc đưa lao động sang nước ngoài, nhưng giấu lao động và vẫn tiếp tục tổ chức dạy học cho lao động như chưa hề có chuyện gì xảy ra. 

Thậm chí, công ty này còn tự ý chuyển pháp nhân cho hơn 80 lao động sang Công ty cổ phần nhân lực IPM Việt Nam.

Anh Quyết kể: "Bình thường học 4 tháng là bọn em sẽ có đầy đủ giấy tờ để chuẩn bị xuất cảnh. Khi không thấy họ làm giấy tờ, chúng em đã kiến nghị lên công ty, cán bộ công ty có thông báo khoảng 3 tuần sau sẽ có hợp đồng cho bọn em ký, nhưng 2 tuần sau đó họ thông báo đơn hàng bị huỷ. Theo em được biết, đơn hàng bị huỷ từ tháng 9 nhưng lại giấu đến tận bây giờ".

Theo anh Nguyễn Thế Minh (SN 1998, TP Thanh Hoá), sau khi bị Bộ LĐTB&XH đình chỉ, Công ty nhân lực TTC Việt Nam đã tự ý chuyển pháp nhân của hơn 80 người sang Công ty cổ phần nhân lực IPM Việt Nam.

Trước những thông tin lùm xùm của vụ việc, ngày 5/12, hơn 80 lao động đã tìm đến tầng 2 toà nhà Richy số 35 Mạc Thái Tổ - trụ sở của Công ty cổ phần nhân lực IPM Việt Nam để yêu cầu Công ty này đối thoại.

Trả lời bất nhất

Liên quan đến vụ việc trên, PV đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Thắng – Giám đốc Công ty CP nhân lực TTC Việt Nam. Ông Thắng cho biết, sự việc hơn 80 lao động nói trên bị huỷ đơn hàng là sự cố đáng tiếc, là việc phát sinh ngoài ý muốn của doanh nghiệp.

Khi PV hỏi tại sao Công ty lại tổ chức tư vấn cho lao động phải nộp 7.600 USD cho đơn hàng, đồng thời tiến hành thu 3.900 USD cùng 12,8 triệu đồng tiền ăn học, ông Thắng khẳng định Công ty thu đúng quy định của nhà nước. Ông cho rằng có thể có một số cán bộ Công ty thu quá số tiền quy định và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ vi phạm. 

Trước nội dung lao động phản ánh việc Công ty chuyển pháp nhân của hơn 80 lao động sang Công ty cổ phần nhân lực IPM Việt Nam ông Thắng phủ nhận sự việc Công ty chuyển lao động sang Công ty Cổ phần nhân lực IPM Việt Nam.

Tuy nhiên, khi PV liên tục nhắc lại câu hỏi từ khi Công ty cổ phần nhân lực IPM Việt Nam tiếp nhận có thu thêm khoản phí nào không, ông Thắng nói: "Thực ra việc này chỉ là hồ sơ giấy tờ thôi, anh biết là tài chính người ta (Công ty cổ phần nhân lực IPM Việt Nam – PV) cũng đã thu cái gì đâu, hồ sơ giấy tờ làm thủ tục xong tất cả mọi thứ. Tất nhiên mỗi công ty có quy định riêng, nhưng trong giai đoạn chuyển giao hồ sơ giấy tờ hoặc các thứ nó phải bàn với nghiệp đoàn".

Trả lời câu hỏi, tại sao khi bị Bộ LĐTB&XH đình chỉ từ tháng 9/2019, nhưng công ty không thông báo với người lao động mà vẫn tổ chức đào tạo, dạy học, ông Thắng viện lý do còn phải tham khảo ý kiến từ phía đối tác bên Nhật Bản, do đó một mình công ty không thể thông báo được. 

"Việc rút giấy phép là thời điểm đưa ra quyết định, còn sự việc diễn ra trước đấy bọn anh phải tìm giải pháp chứ. Chứ có phải là rút giấy phép là phải tung ra đâu. Bên anh phải tham khảo từ phía nghiệp đoàn chứ có phải mình anh nói ra được đâu", ông Thắng phân trần.

Cũng theo ông Thắng, Công ty sẽ hoàn lại số tiền mà người lao động đã đóng cho công ty. 

img

Ông Nguyễn Đức Hạnh – Giám đốc Công ty cổ phần nhân lực IPM Việt Nam phủ nhận mối quan hệ với Cty nhân lực TTC Việt Nam.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hạnh – Giám đốc Công ty cổ phần nhân lực IPM Việt Nam cho biết, ông nguyên là cán bộ tuyển dụng của TTC Việt Nam. Thời gian sau đó, ông Hạnh đã nghỉ việc ra mở công ty riêng.

Ngày 5/12, ông Hạnh nhận được thông báo có khoảng 30 lao động lên công ty hỏi về đơn vệ sinh toà nhà, công ty đã từ chối giải quyết vì đây không phải là thực tập sinh của công ty.

"Hôm qua, thấy cán bộ thông báo có khoảng 30 lao động lên công ty hỏi đơn vệ sinh toà nhà. Mình bảo làm gì có việc đấy, vì bên mình chưa tổ chức đơn hàng này khi nào cả, đơn này của bên Công ty nhân lực TTC Việt Nam chỗ anh Thắng ngày xưa, không liên quan gì đến IPM. Mình bảo, các bạn phải về đúng Công ty TTC thì họ mới hỗ trợ được", ông Hạnh nói.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Ngày 4/9, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam đã liên lạc với Cơ quan quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài liên quan đến việc đình chỉ 2 doanh nghiệp phái cử thực tập sinh kỹ năng.

Theo đó, căn cứ quy định của Bản ghi nhớ hợp tác song phương về thực tập kỹ năng đã ký kết giữa Nhật Bản và Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự định xóa tên 2 doanh nghiệp khỏi danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản.

Hai doanh nghiệp sẽ bị xóa tên khỏi danh sách gồm Công ty Cổ phần Nhân lực TTC Việt Nam (TTC Vietnam Human Resources Joint Stock Company) và Công ty Cổ phần Kết nối nhân lực Việt (Viet Human Resources Connection Joint Stock Company).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem