Bị kỳ thị khi mắc bệnh vảy nến, cô gái trẻ trầm cảm, tâm thần phân liệt

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 22/06/2024 07:30 AM (GMT+7)
Bị bệnh vảy nến, bệnh nhân bị chồng và gia đình nhà chống xa lánh, xúc phạm, dẫn đến trầm cảm, tâm thần phân liệt.
Bình luận 0

Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyến, khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương) chia sẻ, gần đây, khoa đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ bị vảy nến kèm theo tình trạng trầm cảm, tâm thần phân liệt.

Người bệnh nữ 31 tuổi, quê Hưng Yên. Người nhà chia sẻ, 10 năm trước, bệnh nhân là cô sinh viên đại học vui vẻ, hoạt bát. 

Bỗng dưng, cô phát hiện trên người có vài nốt dát đỏ có ít vảy ở tay. Không nghĩ mình bị vảy nến nên cô mua thuốc về tự bôi và thấy đỡ. Tuy một thời gian sau các nốt dát đỏ lại xuất hiện nhưng cô cũng chỉ nghĩ mình bị dị ứng. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, bệnh nhân lập gia đình và theo chồng vào Vũng Tàu sinh sống, công tác. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình một thời gian, các nốt tổn thương xuất hiện nhiều hơn, lan tỏa hơn. Lúc này, bệnh nhân mới đi khám và được chẩn đoán vảy nến.

Bệnh nhân bị chồng và gia đình chồng mắng chửi, đổ lỗi cô đã giấu bệnh, lừa họ để kết hôn. Khi mâu thuẫn gia đình gay gắt, bệnh nhân đành bỏ về Hà Nội và đăng ký đi học. Cô cũng giấu gia đình về bệnh tật mà chỉ nói mình về Hà Nội để đi học. 

Càng ngày triệu chứng trầm cảm của bệnh nhân càng nặng hơn. Bệnh nhân chỉ thích nằm một mình, ngại giao tiếp, sợ ánh sáng, sợ tiếng động. Cô càng ngại đi khám, không tuân thủ điều trị bệnh nên tình trạng vảy nến ngày càng nặng. 

Khi người thân đến thăm, phát hiện tâm lý của cô không tốt nên đã đưa đi khám và điều trị nhưng tình trạng trầm cảm không được cải thiện. 

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bên cạnh điều trị bệnh vảy nến, các bác sĩ đã đưa bệnh nhân đi khám chuyên khoa tâm thần và được chẩn đoán tâm thần phân liệt. 

Bị kỳ thị khi mắc bệnh vảy nến, cô gái trẻ trầm cảm, tâm thần phân liệt- Ảnh 1.

Tổn thương vảy nến lan tỏa của người bệnh. Ảnh BSCC

Theo bác sĩ Tuyến, bệnh vảy nến à một bệnh lý lành tính, khá phổ biến, không lây nhưng mạn tính. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó tới người bệnh thường trầm trọng hơn các bệnh lý mạn tính khác bởi các tổn thương hiện hữu ngay ở ngoài da. 

Điều này gây ra những ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Ảnh hưởng này không chỉ bởi tổn thương bệnh mà cả bởi cả sự kì thị, thiếu hiểu biết của những người xung quanh. 

Do đó, người bệnh vảy nến dễ bị các vấn để như cảm giác xấu hổ, thiếu tự tin, giảm lòng tự trọng, đánh giá giá trị bản thân thấp, đôi khi cô lập xã hội, bị phân biệt đối xử, giảm cơ hội trong công việc, giao lưu xã hội, khó khăn trong cuộc sống hàng ngày… Không ít bệnh nhân bị bệnh vảy nến đã bị trầm cảm, có ý tưởng tự tự. 

"Sự kỳ thị, xa lánh của người thân, xã hội, sự tự ti của bệnh nhân khiến bản thân bệnh nhân bị các vấn đề về tâm lý, trầm cảm nặng. Mặt khác, khi mắc bệnh tâm lý, tình trạng vảy nến của bệnh nhân sẽ càng trầm trọng hơn, làm cho bệnh khó kiểm soát hơn, từ đó tạo một vòng xoắn làm cho người bệnh trở nên ngày càng suy sụp", bác sĩ Tuyến chia sẻ. 

Theo bác sĩ Tuyến, khi gia đình có người mắc bệnh vảy nến, người thân, bạn bè, đồng nghiệp nên có sự chia sẻ, động viên, đồng hành chữa trị cùng bệnh nhân. 

"Bệnh vảy nến hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị mới, có thể đạt sạch tổn thương trên 90% hoặc thậm chí hoàn toàn. Song điều quan trọng không kém đó là sự thấu hiểu, đối xử công bằng, không kì thị của xã hội và đặc biệt đó là sự đồng hành bên cạnh của người thân", bác sĩ Tuyến khuyến cáo. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem