Bình Định: 90 xã bị cô lập, di dời gần 5.000 hộ dân vì lũ lịch sử

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 16/12/2016 12:52 PM (GMT+7)
Hiện nay, lũ đang tấn công dữ dội vào các miền quê Bình Định, hơn 2.200 hộ dân đã được di dời khẩn cấp để tránh lũ. Nhiều đoạn Quốc lộ 1 ngập sâu gần 1m khiến giao thông gián đoạn.
Bình luận 0

Ngày 16.12, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Người dân Bình Định đang gánh chịu trận lũ lớn trong lịch sử, lớn hơn trận lũ năm 2013. Trong sáng nay, chúng tôi đã huy động lực lượng để di dời dân đến nơi an toàn”.

Đến sáng nay (16.12), nước lũ đã khiến trên 90 xã tại các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, TP Quy Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn… lâm vào cảnh cô lập, người dân không thể di chuyển ra ngoài, đang chờ được tiếp tế lương thực, mì tôm, nước uống… và di dời khỏi vùng nguy hiểm. Trong khi đó, 166 hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh đã đầy nước, nhiều hồ đang trong tình trạng nguy cấp do rò rỉ nước qua thân đập.

img

Ngày 16.12, theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, nhiều lực lượng cứu hộ đã dùng ghe, phao tự chế để giải cứu người dân khỏi vùng lũ.

Sáng 16.12, nước lũ từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng rất lớn, làm hàng ngàn hộ dân ở các xã vùng rốn lũ Khu Đông Tuy Phước như Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang ngập sâu trong nước.

Tại xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), nước lũ dâng vào nhà hơn 1 mét, hàng chục hộ dân đang bị mắc kẹt giữa dòng lũ. Lực lượng chức năng phải đưa sõng, thuyền vào tận nhà dân để di chuyển ra bên ngoài.

“Hơn 30 hộ dân bị chôn chân trong lũ, nhiều hộ dân lâm vào cảnh nguy hiểm” - ông Nguyễn Xuân Bình - Trưởng thôn Phú Mỹ 1 (xã Phước Lộc) cho hay.

Ông Võ Minh Ba (trú phường Bình Định, TX An Nhơn), cho biết: “Từ 7 giờ sáng nay nước lũ lên nhanh tràn vào nhà. Gia đình tôi phải tất tả khiêng bàn ghế, kê giường lên cao. Hơn 300 kg lúa ở nhà phải khiêng cất tạm bên nhà hàng xóm”.

img

Người dân dùng xăm ô tô đã bơm đầy hơi làm phương tiện di chuyển trong lũ.

Phải thức dậy từ 2 giờ sáng để dọn dẹp đồ đạc trong nhà, chị Trần Thị Thanh Tuyền (trú KV Kim Châu, phường Bình Định, TX An Nhơn, Bình Định) cho hay: “Gia đình tôi phải vất vả chạy lũ, gà được đưa vào lồng cất nơi cao hơn. Tủ lạnh thì cho lên bàn đứng, lúa giống thì cho lên ghế, bàn kê lên giường. Mọi việc khẩn trương từ đêm qua, dọn dẹp xuyên đêm”.

Chị Võ Thị Trực (TX An Nhơn), chồng thì bệnh nặng nằm 1 chỗ. Mẹ chồng hơn 80 tuổi cũng nằm co ro. Đứa con trai lớn làm tài xế xe tải đường dài, xe đang trên đường từ TP HCM về thì bị kẹt lũ tại đèo Cả từ đêm 15.12. Nhà chỉ còn 2 mẹ con, đứa con gái thì sợ lũ không ngủ được. Vậy là cả 2 mẹ con đều thức suốt đêm canh lũ.

“Sợ lũ lớn như năm 2013 nước dâng rất nhanh, vào lút nhà trở tay không kịp, mọi vật dụng trong nhà phần thì trôi theo lũ, phần bị ngâm nước hư hỏng hết. Đêm qua mẹ con tui phải thức trắng đêm để dọn dẹp đồ đạc”- chị Trực cho hay.

Bà Lê Thị Hồng Thủy (trú TT Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) cho biết: “Lũ lớn quá nên gia đình tôi cùng 4 hộ hàng xóm vận chuyển gia súc lên trên bờ đê để tránh lũ, nhà cửa ngập sâu trong nước nên không ai dám ở lại”.

Theo UBND thị xã An Nhơn, đêm 15 và sáng 16.12, có 337 hộ dân với 1.380 nhân khẩu ở những vùng ngập lũ nguy hiểm tại Đập Đá, Nhơn An, Nhơn Hòa, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh… đã được di dời đến nơi an toàn.

Hiện, công tác di dời dân khỏi vùng ngập lũ tiếp tục được thị xã triển khai rất khẩn trương. Đến thời điểm này, lực lượng Công an tỉnh và Công an thị xã An Nhơn đã huy động 150 người, cùng 5 ca nô khẩn cấp di dời người dân đang ở các vùng bị ngập lụt nặng tại địa phương này.

Nhiều vùng tại huyện Hoài Nhơn cũng đã bị ngập sâu trong nước. Mặc dù người dân đã chủ động dọn nhà cửa tài sản lên cao nhưng do nước lên quá nhanh nên người dân Hoài Nhơn gần như thức trắng đêm chạy lũ.

“Do đồ đạc trong nhà quá nhiều nên 2 cha con ráng ở lại để đưa lên cao, không ngờ nước lên nhanh quá đến khi muốn ra thì không lội được phải nhờ lực lượng cứu hộ ở địa phương chèo ghe đến đưa ra, 2 cha con chỉ kịp mang theo vài bộ quần áo để chạy lũ”- anh Bùi Thế Hùng cho hay.

Theo ghi nhận, quốc lộ 1 đoạn qua phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) bị ngập sâu gần 1 mét, nhiều ô tô, xe máy qua đây bị tắt máy. Hàng chục CSGT đã được huy động để phân luồng giao thông.

Chùm ảnh phóng viên Dân Việt ghi lại tại Bình Định ngập lũ trong sáng ngày 16.12:

img

Chị Đỗ Thị Hà (trú xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) cho hay: “Nước ngập rất nhanh vào nhà sâu hơn 1 mét, tôi chỉ có 1 mình may mắn đội cứu hộ đến kịp”.

img

Chị Nguyễn Thị Nhị cùng 2 đứa con nhỏ được lực lượng cứu hộ vào tận nhà đưa lên Quốc lộ 1. “Gia đình tôi còn ông bà nội nữa, tôi lo lắng ghê quá. Không ngờ nước lên nhanh như vậy, heo bò để ở lại không biết sao”- chị Thủy hốt hoảng nói.

img

Nhiều lực lượng cứu hộ của xã Phước Lộc đã dầm mình trong lũ xiết để cứu dân. Những bước chân mệt mỏi trong lũ nhưng họ vẫn không dừng lại vì người dân đang chờ trong lũ.

img

“Hơn 30 hộ dân bị chôn chân trong lũ, nhiều người lâm vào cảnh nguy hiểm” - ông Nguyễn Xuân Bình- Trưởng thôn Phú Mỹ 1 (xã Phước Lộc) cho hay.

img

Ngày 16.12, ông Trần Châu- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Người dân Bình Định đang gánh chịu trận lũ lớn trong lịch sử, lớn hơn trận lũ năm 2013. Trong sáng nay, chúng tôi đã huy động lực lượng để di dời hơn 2.200 hộ dân đến nơi an toàn”.

img

Người dân kẹt trong lũ đang được cứu hộ.

img

Nước ngập sâu khiến xe ô tô trên QL1 bị tắt máy.

img

img

Vất vả… cứu dân giữa lũ.

img

Hốt hoảng chạy lũ.

img

Nhiều khu vực dân cư ngập sâu.

img

img

“Nhiều giờ đồng hồ ngâm trong lũ, nước chảy xiết, thực sự tôi rất mệt nhưng không cố gắng thì sợ dân sẽ bị cuốn trôi mất”- 1 người cứu hộ nói vội.

img

Lũ liên tục đang khiến người dân Bình Định kiệt quệ.

Đầu giờ chiều ngày 16.12, Văn phòng ban chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện tại, có gần 65.000 hộ dân có nhà bị ngập trong nước và 4.497 hộ buộc phải di dời”.

Để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân, phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2016 – 2017, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, phục vụ sản xuất và hỗ trợ dân sinh với tổng kinh phí là 500 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem