Người dân: Phập phồng nỗi lo sạt lở, sập nhà?
Sáng nay (22.6), đại diện chính quyền ông Trần Châu- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có buổi đối thoại với người dân 2 xã Canh Vinh, Canh Hiển (huyện Vân Canh) về việc cản trở, không cho doanh nghiệp khai thác cát trên sông Hà Thanh. Nỗi lo và nguyện vọng dừng khai thác của người dân đã được gởi đến vị Phó chủ tịch tỉnh 1 cách trực tiếp, công khai.
Người dân lo sợ việc khai thác cát trên sông Hà Thanh gây sạt lở. Ảnh: D.T
Ông Nguyễn Thành (75 tuổi, xã Canh Vinh) bức xúc nói: “Thời gian qua, việc khai thác cát đã khiến cây cối 2 bên sông bị ngã đổ, khi bờ sông sạt lở thì có nguy cơ gây sập nhà dân rất cao. Chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên do sợ nhà bị sập giống trường hợp ở tỉnh An Giang vừa qua”.
Theo ông Thành, việc nhà nước cho phép khai thác cát để phát triển xây dựng là đúng nhưng điều nghịch lý là người dân muốn có cát xây chuồng heo, xây nhà cũng phải mua lại từ doanh nghiệp. Vì vậy, việc khai thác cát chỉ để phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, trong khi đó ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn nước… chính người dân gánh chịu.
“Nếu doanh nghiệp vẫn khai thác, chúng tôi sẽ tiếp tục ngăn cản”- ông Thành khẳng định.
Rất đông người dân địa phương tham gia đối thoại với Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ảnh" D.T
Ông N.V.T (đề nghị giấu tên) phản ứng: “Từ 7 năm nay, hậu quả khai thác cát trên sông để lại rất rõ, mất nước, sạt lở 2 bên bờ sông… người dân quá mệt mỏi. Nếu muốn khai thác tiếp tục thì chính quyền phải khắc phục hậu quả cũ, khi chúng tôi thấy an toàn thì sẽ không cản trở nữa”.
Ông Trần Châu- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị người dân bình tĩnh. Ảnh:D.T
Chính quyền: “Đừng nên nói quá, hãy bình tĩnh”
Ông Nguyễn Bá Đẩu- Phó chủ tịch UBND huyện Vân Canh (Bình Định) xác nhận, tình trạng sạt lở 2 bên bờ sông theo phản ánh của người dân là có thật. Tuy nhiên, nguyên nhân là do tình hình lũ lụt thời gian qua quá phức tạp.
“Việc khô nước là vấn đề chung toàn tỉnh và đã tồn tại từ lâu. Bà con lấy lý do khai thác cát gây ra tình trạng khô giếng, tôi nghĩ đây không phải là nguyên nhân chính”- ông Đẩu phân tích.
Người dân huyện Vân Canh trình bày nỗi lo trực tiếp với Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: D.T
Ông Trần Châu- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Việc phản ánh khai thác cát gây sạt lở, cạn kiệt nguồn nước nếu sự thật đúng như vậy thì tôi sẽ cho đình chỉ ngay vì không bao giờ tỉnh cho doanh nghiệp đi làm những việc ảnh hưởng đời sống của người dân. Nhưng sự thật không phải như vậy thì bà con đừng nên nói quá, vì đây là lợi ích chung chứ không phải cá nhân. Tôi đề nghị, bà con thực sự bình tĩnh, xem xét việc nhà nước cho cho phép lấy cát thực tế có ảnh hưởng gì để người dân hay không?”.
Theo ông Châu, người dân phản ánh việc khai thác cát gây ra tình trạng mất đi nguồn nước là không chuẩn xác.
“Vì nguồn nước tùy thuộc vào khí hậu, nước ngầm, lượng mưa có sự thay đổi. Từ hơn 10 năm trước đây, dòng sông mùa nắng hầu như không có dòng chảy, thượng nguồn thì nạn phá rừng rất lớn. Nên muốn giữ nước thì phải giữ rừng, đừng phá rừng ở thượng nguồn. Đồng thời, tôi yêu cầu trên bãi bồi dòng sông, người dân không được trồng bất cứ loại cây nào vì sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy, gây sạt lở. Riêng địa phương nào thiếu nước ngọt do thiên tai thì trách nhiệm nhà nước sẽ lo”- ông Châu cho hay.
Ông Trần Châu- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiểm tra thực tế trên sông Hà Thanh. Ảnh: D.T
Theo Sở TNMT Bình Định, từ năm 2015-2016 UBND tỉnh Bình Định đã cấp 5 giấy phép khai thác cát trên sông Hà Thanh (đoạn qua xã Canh Vinh) và 1 giấy phép khai thác cát (tại xã Canh Hiển), thời gian khai thác của các doanh nghiệp này đến năm 2019. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua người dân địa phương đã liên tục ngăn cản doanh nghiệp lấy cát vì lo sợ sạt lở đất, ô nhiễm môi trường...
Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Châu- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định: “Thời gian tới, nếu người dân không cho khai thác lượng cát bồi trên sông Hà Thanh sẽ gây ảnh hưởng dòng chảy của lũ và sạt lở. Vì vậy, tỉnh sẽ chỉ đạo địa phương thuyết phục người dân và nghiêm cấm việc trồng cây dưới lòng sông để dòng chảy được thông thoáng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.