Bình Thuận: Giải ngân vốn cho dự án "sản xuất lúa hữu cơ" từ Quỹ Hỗ trợ nông dân nguồn Trung ương

Bùi Phụ Thứ sáu, ngày 25/10/2024 07:00 AM (GMT+7)
Ngày 24/10, Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Thuận phối hợp với Hội Nông dân huyện Tánh Linh, tổ chức hội nghị giải ngân dự án "sản xuất lúa hữu cơ" cho hội viên nông dân tại xã Đồng Kho huyện Tánh Linh từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân.
Bình luận 0

Quỹ hỗ trợ Trung ương Hội Nông dân cho dự án "sản xuất lúa hữu cơ"

Theo Hội Nông dân huyện Tánh Linh, tham dự buổi lễ giải ngân dự án "sản xuất lúa hữu cơ" có đại diện Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Tánh Linh và lãnh đạo UBND xã Đồng Kho cùng 10 hộ hội viên nông dân được hỗ trợ vay vốn.

Bình Thuận: Quỹ hỗ trợ Trung ương Hội Nông dân giải ngân cho dự án"sản xuất lúa hữu cơ" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Thuận phát biểu tại buổi lễ giải ngân vốn cho các hộ vay. Ảnh: HND

Cũng theo Hội Nông dân huyện Tánh Linh, giải ngân cho dự án "sản xuất lúa hữu cơ" lần này với số tiền vay là 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng) cho 10 hộ hội viên nông dân vay. Bình quân mỗi hộ được vay là 30 triệu đồng/hộ, thời hạn vay 24 tháng, mức phí cho vay 0,7%/tháng (tương đương 8.4%/năm) để đầu tư phát triển sản xuất.

Phát biểu tại buổi giải ngân, ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Thuận đề nghị các hộ được vay vốn lần này sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao, trả gốc và phí đúng kỳ hạn. 

Qua đó tham gia đóng góp xây dựng Quỹ và tích cực hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hợp tác nâng cao quy mô sản xuất. Bên cạnh đó là liên kết tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Đặc biệt là tích cực tham gia xây dựng địa phương và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân trong tình hình mới.

Theo Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, trong những năm qua, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp nhiều hội viên nông dân có điều kiện làm ăn và vươn lên thoát nghèo.

Từ nguồn Quỹ này, đã góp phần quan trọng nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức Hội trong việc xây dựng thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác gắn với mô hình kinh tế tập thể tại địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận: Quỹ hỗ trợ Trung ương Hội Nông dân giải ngân cho dự án"sản xuất lúa hữu cơ" - Ảnh 2.

Cánh đồng lúa hữu cơ ở huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Nhờ đó đã thực hiện có tốt và hiệu quả Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới và Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030".

Ra mắt Chi hội nghề nghiệp "Trồng dâu nuôi tằm"

Cùng thời điểm này, Hội Nông dân xã Đức Phú, huyện Tánh Linh (Bình Thuận) đã tổ chức lễ ra mắt Chi hội nghề nghiệp "Trồng dâu nuôi tằm" tại xã Đức Phú.

Dự lễ ra mắt có ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã, ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cùng với 15 thành viên chi hội nghề nghiệp "Trồng dâu nuôi tằm"của xã Đức Phú.

Bình Thuận: Quỹ hỗ trợ Trung ương Hội Nông dân giải ngân cho dự án"sản xuất lúa hữu cơ" - Ảnh 3.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Bình Thuận. Ảnh: Bảo Ngọc - BTO

Theo Hội Nông dân huyện Tánh Linh, Chi hội nghề nghiệp "Trồng dâu nuôi tằm" được thành lập theo Quyết định số 10- QĐ/HNDX ngày 21/10/2024 của Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Đức Phú.

Mục đích là đoàn kết, tập hợp các hội viên nông dân cùng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực trồng dâu nuôi tằm để cùng nhau chia sẻ thông tin về thị trường, giá cả, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất; chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, sáng kiến, kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ KHKT.

Qua đó liên kết bao tiêu sản phẩm nhằm tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Chi hội "Trồng dâu nuôi tằm" hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, kết hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ, mọi vấn đề được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, thảo luận và thống nhất hành động trên cơ sở thiểu số phục tùng đa số và tuân thủ Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND Đức Phú đã biểu dương Hội Nông dân xã Đức Phú đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động hội viên nông dân tham gia vào mô hình. Qua đó góp phần đổi mới, đa dạng hóa hình thức thu hút tập hợp hội viên tham gia vào tổ chức Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Bình Thuận: Quỹ hỗ trợ Trung ương Hội Nông dân giải ngân cho dự án"sản xuất lúa hữu cơ" - Ảnh 4.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Bình Thuận. Ảnh: Bảo Ngọc - BTO

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, việc xây dựng và ra mắt Chi hội nghề nghiệp đã tạo các yếu tố tiền đề để thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Ông Hòa nghị trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Đức Phú tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập chi hội nghề nghiệp để thu hút và phát triển thêm thành viên vào chi hội, vận động hội viên thi đua lao động sản xuất, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo. 

Bên cạnh đó là thường xuyên sâu sát, quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ thành viên của Chi hội "Trồng trồng dâu nuôi tằm" được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi như Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn từ ngân hàng CSXH… để chi hội hoạt động ngày càng phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem