Dự kiến vào cuối tháng 12/2018, tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông sẽ đi vào vận hành chính thức.
Sáng 9/3, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ Trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện nay, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông đã hoàn thiện được hơn 95% khối lượng công việc; 80% thiết bị đã được nhập về để lắp đặt, hoàn thiện các nhà ga. Công tác đào tạo nhân sự cũng đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo vận hành tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông ngay khi tuyến đường sắt này đi vào hoạt động.
“Đến nay, 13 đoàn tàu cũng được chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam và đang tập kết ở depot Hà Đông. Vào tháng 12/2018, chúng tôi sẽ đưa đoàn tàu vào vận hành, khai thác thương mại”, ông Đông thông tin.
Theo ông Đông, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông được coi là dự án trọng điểm, vì vậy, hiện tại Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo các nhà thầu nỗ lực triển khai, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết thêm, trước đó, dự án bị chậm trong một thời gian do chậm được cấp nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD.
Tuy nhiên, đến tháng 12/2017, các thủ tục đã được tháo gỡ xong, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank Trung Quốc) chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung trên. Hiện Ban quản lý cũng đang yêu cầu các đơn vị nhà thầu tiếp tục triển khai và thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2009, có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.
Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây.
Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này được đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải liên tục điều chỉnh tiến độ vì nhiều lý do trong đó về nguồn vốn giải ngân là điểm nghẽn lớn nhất.
Tuyến đường sắt có chiều dài 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Tổng thầu Trung Quốc phản ánh những sự cố xảy ra như mất điện rất khó khôi phục vì thiếu đầu mối.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.