Bộ Nông nghiệp và PTNT bàn giải pháp đánh thức tiềm năng nuôi cá trên gần 7.000 hồ chứa

Tuệ Linh - Phạm Hoài Thứ sáu, ngày 27/10/2023 19:43 PM (GMT+7)
Chiều 27/10, tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế thủy sản hồ chứa. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến; ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chủ trì hội nghị.
Bình luận 0


Clip: Hội nghị phát triển kinh tế thủy sản hồ chứa tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Khai phá tiềm năng nuôi cá trên gần 7.000 hồ chứa

Theo Cục Thuỷ lợi (Bộ NNPTNT), cả nước có 6.695 hồ chứa thủy lợi do Bộ NNPTNT quản lý với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ mét khối; khoảng 500 hồ thuỷ điện với 18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt do Bộ Công Thương quản lý với tổng dung tích khoảng 60 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước.

Bàn giải pháp đánh thức tiềm năng nuôi cá trên gần 7.000 hồ chứa - Ảnh 2.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NNPTNT phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị phát triển kinh tế thủy sản hồ chứa. Ảnh: Phạm Hoài.

Nước ta có 13 hồ chứa có diện tích trên 5.000 ha. Trong đó, các hồ Hòa Bình, Sơn La, Na Hang (Tuyên Quang), Thác Bà (Yên Bái), Trị An (Đồng Nai) là nhóm hồ chứa có tiềm năng nuôi trồng thủy sản cao. Những hồ này có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa và bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người nuôi.

Theo báo cáo của 23 tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa. Đến nay, có 29.017 lồng nuôi cá trên sông, hồ chứa. Sản lượng nuôi trồng thủy sản hồ chứa 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt: 36.419 tấn, đạt 102% so với cùng kỳ và 100% kế hoạch đề ra. 

Đối tượng nuôi phổ biến là cá nheo Mỹ, cá chiên, cá lăng, diêu hồng, cá trắm đen, cá bỗng, cá tầm, trắm cỏ, cá rô phi, cá chim trắng, cá trê lai, cá chép…

Bàn giải pháp đánh thức tiềm năng nuôi cá trên gần 7.000 hồ chứa - Ảnh 3.

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Phạm Hoài.

Hòa Bình là 1 trong 5 tỉnh miền núi Tây Bắc có tiềm năng phát triển thủy sản lớn nhất với trên 14.560 ha mặt nước và có 543 hồ thủy lợi lớn, vừa và nhỏ. Trong đó, có 49 hồ chứa lớn có dung tích từ 3 - 10 triệu m3, 151 hồ chứa vừa có dung tích từ 0,5 - 3 triệu m3, 273 hồ chứa nhỏ có dung tích từ 0,05 - 0,5 triệu m3 và có 70 hồ chứa có dung tích dưới 50.000 m3 phân bố trên địa bàn của 10 huyện, thành phố của tỉnh. Đặc biệt hồ thuỷ điện Sông Đà với diện tích 8.892 ha, nằm trên địa bàn TP.Hòa Bình và 4 huyện Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc và Mai Châu.

Nuôi cá lồng bè trên hồ Hòa Bình trong giai đoạn (2015 - 2022) phát triển rất nhanh. Số lồng nuôi cá năm 2015 là 2.317 lồng, đến năm 2022 là 4.900 lồng, tăng 2.583 lồng, tỷ lệ tăng 111,48%, bình quân tăng 13,93%/năm.

Bàn giải pháp đánh thức tiềm năng nuôi cá trên gần 7.000 hồ chứa - Ảnh 4.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Hoài.

Sản lượng cá thu hoạch năm 2015 là 1.398 tấn. Đến năm 2022 là 5.482 tấn, tăng 4.084 tấn, tỷ lệ tăng 292,13%, bình quân tăng 36,5%/năm, gồm các loài như: Cá chiên, cá lăng chấm, diêu hồng, cá trắm đen, cá bỗng, cá tầm, trắm cỏ, cá rô phi…

Hình thức nuôi: Thâm canh và bán thâm canh, lồng, bè nuôi gồm lồng nuôi cá truyền thống bằng gỗ, bương, tre, luồng và lồng nuôi cải tiến khung sắt lưới.

Hiện nay, có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống lồng, bè nuôi tiên tiến, nuôi theo hình thức thâm canh như: Công ty TNHH Hải Đăng Phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình có 200 lồng nuôi với thể tích 21.600 m3, Công ty TNHH Cường Thịnh tại Phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình có 240 lồng với thể tích 25.920 m3, Công ty TNHH Hưng Nguyên tại xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc có 180 lồng với thể tích 19.440 m3, Công ty TNHH Mavin có 10 lồng tròn nhựa HDPE, đường kính 20 m, sâu 6 m và 35 lồng vuông thể tích 3.780 m3.

Bàn giải pháp đánh thức tiềm năng nuôi cá trên gần 7.000 hồ chứa - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Tập đoàn STP Group tham luận về giải pháp nuôi thủy sản trên hồ kết hợp du lịch bền vững với hạ tầng từ HDPE. Ảnh: Phạm Hoài.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản hồ chứa 9 tháng năm 2023 ước đạt 9.216 tấn, đạt 104% so với cùng kỳ và 100% kế hoạch đề ra, gồm các loài như: Cá nheo Mỹ, cá chiên, cá lăng, diêu hồng, cá trắm đen, cá bỗng, cá tầm, trắm cỏ, cá rô phi, cá chép…

Mặc dù tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa thủy lợi, thủy điện của các nước rất lớn, tuy nhiên diện tích mặt nước được khai thác nuôi trồng thủy sản chưa nhiều.

Hầu hết các hồ chứa có nhiệm vụ chính tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, điều tiết lũ; mùa kiệt nhiều hồ có mực nước rất thấp làm ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng thủy sản trong hồ. Hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Nuôi cá lồng, bè trên hồ chứa còn tự phát, chưa tập trung thành vùng chuyên canh nên chưa tạo được vùng nuôi an toàn.

Bàn giải pháp đánh thức tiềm năng nuôi cá trên gần 7.000 hồ chứa - Ảnh 6.

Việc nuôi cá lồng ở Hòa Bình đã từng bước giúp người nông dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Ảnh: Phạm Hoài.

Có rất ít nhà máy chế biến sản phẩm thủy sản từ hồ chứa. Chưa có sự liên kết theo chuỗi giá trị, sản phẩm tiêu thụ tại các chợ nhỏ nên giá trị không cao. Người dân khó tiếp cận vốn vay do thiếu các chính sách bảo trợ. Chưa có chính sách khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư vào nuôi trồng thủy sản tại hồ chứa…

Giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế thủy sản trên gần 7.000 hồ chứa

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về hiện trạng, giải pháp, kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản trên hồ chứa, tổ chức sản xuất, hỗ trợ nuôi cá lồng, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: Việc phát triển kinh tế thủy sản trên hồ chứa có vai trò quan trọng đối với kinh tế, xã hội của địa phương; đồng thời góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, bảo đảm an ninh dinh dưỡng cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Tại hội nghị này chúng ta thẳng thắn nhìn lại những cơ hội, thách thức; từ đó đề ra những giải pháp cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản trên hồ chứa.

Theo ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, trong giai đoạn tới, tỉnh Hòa Bình xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong đó, ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên hồ chứa ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, thân thiện với môi trường, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường từng bước chuyển từng sản xuất thủy sản sang kinh tế thủy sản.

Gắn kết phát triển thủy sản hồ chứa nước với du lịch ở những nơi có điều kiện nhằm huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Qua đó, tạo bước phát triển đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh mặt nước trong nuôi trồng thủy sản, nâng cao giá trị sản phẩm từ hồ chứa, trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như sau:

Thứ nhất, về chính sách: Tổ chức, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới phát triển mô hình sản xuất theo hướng an toàn môi trường, hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả kinh tế cho vùng nuôi cá lồng, bè.

Thứ hai, về chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ: Điều tra, khảo sát tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa tại địa phương. Xác định khu vực nuôi quảng canh cải tiến để thả bù giống tăng sản lượng tự nhiên.

Tổ chức tập huấn, hội thảo phổ biến quy trình, kỹ thuật nuôi ứng dụng nuôi cá lồng, bè theo công nghệ cao, cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch và bền vững. Triển khai các mô hình nuôi cá lồng bè theo tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản có chứng nhận VietGAP, ASC…để nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm; hạn chế rủi ro do môi trường và thời tiết.

Thứ ba, về quản lý và tổ chức sản xuất: Tổ chức sản xuất thủy sản gắn kết với kinh doanh, dịch vụ, du lịch trên lồng bè theo hướng an toàn, bền vững. Phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tham quan, học tập, câu cá giải trí, trải nghiệm về hoạt động sản xuất thủy sản. Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, thị trường; nâng cao năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường sinh thái.

Thứ tư, về tiêu thụ sản phẩm: Khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng; áp dụng chính sách phát triển vùng sản xuất gắn với liên kết chuỗi.

Thực hiện tốt công tác dự báo, định hướng tiếp cận thị trường; làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường tiêu thụ cho các cơ sở nuôi cá với các địa phương trong vùng để tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng mạng lưới cửa hàng tiêu thụ sản phẩm tại chợ trung tâm các huyện, thành, thị; các khu du lịch, khu đô thị, khu công nghiệp…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem