Bổ sung quy định để người nộp thuế được kiện kiểm toán ra toà

P.V Thứ năm, ngày 13/06/2019 15:13 PM (GMT+7)
Để bảo đảm quyền khởi kiện của người nộp thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, bổ sung các quy định để bảo đảm quyền khiếu nại, khởi kiện của người nộp thuế đối với kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước khi tiến hành sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan.
Bình luận 0

img

Quá trình hoàn thiện Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chứng kiến nhiều tranh luận giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc xung quanh câu chuyện “Kiểm toán kết luận, cơ quan thuế bị kiện”

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 13/6, trong phiên họp toàn thể biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Trở lại câu chuyện “Kiểm toán kết luận, cơ quan thuế bị kiện” hay “Kiểm toán Nhà nước kết luận 10 vụ, tới 8 vụ người nộp thuế kiện ra tòa”, dù trải qua nhiều lần sửa đổi và thảo luận, song Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với nội dung về quyền khiếu nại, khiếu kiện của cơ quan thuế, người nộp thuế đối với các kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khi cơ quan này thực hiện việc kiểm toán tại cơ quan thuế vẫ thu hút nhiều ý kiến tranh luận kéo dài giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc từ kỳ họp thứ 6 tới kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Lần này, trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, để bảo đảm trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế theo quy định của các luật chuyên ngành, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo bổ sung nội dung quy định cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước và để đảm bảo khách quan, minh bạch, bổ sung quy định khi người nộp thuế chưa đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế và cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp.

Trong đó, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: “Việc quy định như vậy đã khẳng định cơ quan quản lý thuế là đối tượng kiểm toán, thanh tra và phải có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước và Thanh tra nhà nước. Đồng thời, quy định này cũng tập trung xử lý với trường hợp người nộp thuế khi không đồng ý với số thuế phải nộp khi cơ quan quản lý thuế tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước, không xử lý các hành vi khác tại các luật chuyên ngành”.

Để bảo đảm quyền khởi kiện của người nộp thuế (bên thứ ba), ông Nguyễn Đức Hải cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, bổ sung các quy định để bảo đảm quyền khiếu nại, khởi kiện của người nộp thuế (bên thứ ba) đối với kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước khi tiến hành sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan.

img

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu trong một phiên thảo luận tại hội trường, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV

Trước đó, bày tỏ quan điểm về vấn đề các tổ chức, cá nhân liên quan có quyền kiện Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: “Các tổ chức, cá nhân liên quan có quyền kiện Kiểm toán Nhà nước khi kết luận kiểm toán xâm phạm tới quyền lợi của họ. Cơ quan Nhà nước mà chúng tôi tiến hành kiểm toán có đối tượng trực tiếp của Kiểm toán Nhà nước, còn các tổ chức, cá nhân liên quan là đối tượng liên quan. Họ có quyền kiện Kiểm toán Nhà nước nếu kiểm toán làm không đúng, chúng tôi muốn mọi việc phải minh bạch”.

Theo ông Hồ Đức Phớc, khi cơ quan kiểm toán, thanh tra vào cơ quan thuế thì cơ quan thuế chịu trách nhiệm và phải giải trình. Như vậy, khi kiểm tra một hồ sơ nào đó thì cơ quan thuế cử cán bộ để làm việc với cơ quan thanh tra và cán bộ kiểm toán chịu trách nhiệm phối hợp, cung cấp hồ sơ, giải trình và phản biện.

Khi lập biên bản rồi thì điều đó có nghĩa là cơ quan thuế đã cùng với Kiểm toán nhà nước làm thì kết luận của Kiểm toán nhà nước và thanh tra là kết luận cơ quan thuế phải thực hiện vã rõ ràng cơ quan thuế phải ra quyết định để người nộp thuế phải nộp thuế.

“Người nộp thuế không đồng ý thì kiện quyết định của cơ quan thuế là đúng và chúng tôi chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với cơ quan thuế và cơ quan thuế cũng có quyền đồng ý hoặc không đồng ý hoặc khiếu kiện đối với kết luận kiểm toán”, ông Hồ Đức Phớc cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem