Bộ Tài chính chặn cửa “hét giá” sách giáo khoa?

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 17/04/2020 13:03 PM (GMT+7)
Xem xét bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá tối đa. Đó là thông tin Bộ Tài chính đưa ra trước nhiều luồng dư luận trái chiều về việc tăng giá sách giáo khoa gấp 3-4 lần của một số nhà xuất bản.
Bình luận 0

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa có thông tin cụ thể về một số nội dung liên quan đến sách giáo khoa lớp 1. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa.

Giá sách tăng là hệ quả của xã hội hóa?

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nếu chỉ so sánh đơn thuần về mức giá của các bộ sách thì so với bộ sách lớp 1 cũ (Bộ sách đã được dùng cho năm học 2019 - 2020), bộ SGK mới có mức giá cao hơn.

Tuy nhiên, việc so sánh này chưa tương đồng do việc biên soạn, xuất bản 1 bộ sách mới có những điểm khác biệt so với bộ sách trước đây để đáp ứng các yêu cầu về cải cách giáo dục trong tình hình mới (yêu cầu về chất lượng, hình thức, mẫu mã, cạnh tranh, không hỗ trợ từ ngân sách chi phí tổ chức bản thảo lần đầu).

Ngoài ra, xét về số lượng của bộ sách thì số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (từ 9-10 cuốn) nhiều hơn số lượng quyển sách trong bộ sách giáo khoa cũ (6 cuốn).

img

Bổ sung mặt hàng SGK vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa thực hiện theo quy định của Luật Giá? (ảnh Internet)

Cũng theo Cục Quản lý giá, trước đây, chỉ có NXB Giáo dục được quyền xuất bản SGK, thì nay, theo chương trình đổi mới SGK phổ thông, có 3 NXB thực hiện cung ứng SGK ra thị trường.

Trong khi đó, chi phí tổ chức bản thảo lần đầu do Nhà nước đầu tư, hỗ trợ trong giá bán SGK nên giá thành có giảm hơn so với SGK đã được xã hội hóa.

Cụ thể, trong bảng kê khai giá được các NXB gửi đến bao gồm: Chi phí giấy, công in, nhuận bút, tổ chức bản thảo, chi phí quản lý, chi phí lưu thông, bán hàng, chi phí tích hợp công nghệ 4.0, lợi nhuận của NXB... cho thấy các khoản chi nhiều hơn trước.

Theo đánh giá của Cục Quản lý giá, về lâu dài, với việc xã hội hóa việc biên soạn SGK sẽ tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa các NXB thông qua chất lượng cũng như giá bán và quyền lựa chọn thuộc về người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thực hiện xã hội hóa hiện nay, các chi phí hình thành SGK do các NXB tự trang trải và có thể việc tự định giá ở mức cao so với nhu cầu của xã hội. Việc này tác động trực tiếp đến người dân, đặc biệt đối với người dân ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

Dư luận và nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần có giải pháp để điều tiết giá đảm bảo công bằng giữa các NXB. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn.

Vì vậy, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT đề xuất, báo cáo trình Chính phủ phương án quản lý giá SGK sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam. Trong đó, hai Bộ đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung mặt hàng SGK vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa thực hiện theo quy định của Luật Giá.

"Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để thực hiện điều tiết giá đối với mặt hàng SGK trong bối cảnh bước đầu thực hiện xã hội hóa đối với việc cung cấp mặt hàng này", Cục Quản lý giá nhấn mạnh.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét phương án giá của các NXB đề xuất và sẽ rà soát tính hợp lý, hợp lệ của từng yếu tố cấu thành giá SGK; tính toán hài hòa lợi ích của các NXB và khả năng chi trả của đối tượng sử dụng để ban hành giá tối đa cho 1 bộ sách để thực hiện chung.

Bài học kinh nghiệm từ thế giới

Kinh nghiệm tại các quốc gia khác cũng cho thấy một sự tương đồng nhất định trong chính sách về SGK.

Tại Hồng Kông, đa số các phụ huynh trả tiền mua SGK và giá cả không được kiểm soát là vấn đề đang tái diễn. Một số nhà xuất bản ở Hồng Kông cho rằng yếu tố cạnh tranh chủ yếu là các điều khoản đi kèm hơn là các mức giá SGK.

Nhà xuất bản tại quốc gia này được yêu cầu duy trì giá SGK ở mức đã được phê duyệt hoặc tăng lên một mức nào đó đã được thỏa thuận đồng ý trong hợp đồng ban đầu.

Hay như Tại Nhật Bản, giá sách trả cho nhà xuất bản được quy định bởi Chính phủ. SGK được cấp miễn phí cho các trường nhưng trường phải trả chi phí hướng dẫn cho các giáo viên.

Tại Trung Quốc, cung cấp miễn phí SGK cho khu vực nông thôn trong năm 2007-2008. Khi giáo dục cơ bản bắt buộc được mở rộng tới lớp 9, Trung Quốc đã cung cấp miễn phí SGK cho tất cả học sinh ở chương trình giáo dục cơ bản năm 2017. Học sinh được cho vay để mua SGK và dự kiến sẽ được tái sử dụng.

Giá SGK tại xứ sở "Kim Chi" được ủy quyền và quyết định bởi nhà xuất bản nhưng Bộ Giáo dục được can thiệp để giảm giá. Năm 2014, Chính phủ đã nỗ lực giảm giá sách khoảng 35%-45%. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu điều chỉnh giá sách nếu mức giá được xem là không công bằng. Các nhà xuất bản đã phản hồi lại bằng cách đe dọa thu hồi lại SGK.

Xây dựng, thiết kế và thực thi chính sách nói chung và chính sách về sách giáo khoa nói riêng cần đặt trong bối cảnh (văn hóa, chính trị, xã hội) cụ thể của từng quốc gia. Mô hình kinh tế tập trung cao độ như trước đây của Việt Nam có thể nói là thành công khi phân phối đủ số lượng sách giáo khoa, đúng thời hạn hàng năm và cho tất cả các trường. Việc miễn phí sách hoặc để chi phí thấp nhằm mục tiêu mọi công dân đều được học tập và đạt tới một trình độ học vấn tối thiểu (phổ cập giáo dục) có thể hợp lý trong các giai đoạn trước đây. 

Nhưng sách giáo khoa thời hiện đại cần đáp ứng nhu cầu của người học, cần phải được nâng cao về chất lượng (cả hình thức và nội dung) và mức giá hợp lý. Việc này đòi hỏi một khoảng thời gian để thay đổi từ từ, một lộ trình phù hợp từ khâu chuẩn bị, thử nghiệm tới áp dụng mở rộng và đặc biệt cần sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, thiết kế và thực thi chính sách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem