Bộ Thông tin và truyền thông tập huấn tuyên truyền Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đức Thịnh Thứ hai, ngày 26/12/2022 19:14 PM (GMT+7)
Ngày 26/12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Bình luận 0

Dự hội nghị có Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Thị Nhị Thủy; Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hải; Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc Đinh Xuân Thắng; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Nhị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 được Quốc hội khoá XIV phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/06/2020. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bộ TT&TT tập huấn tuyên truyền về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS  - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị. Trong ảnh: Ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu về chính sách giảm nghèo về thông tin giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Đức Thịnh.

Chương trình đặt mục tiêu chung là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu...

Trong chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ thực hiện Dự án 10 về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiểm tra giám sát, đánh giá thực hiện tổ chức thực hiện chương trình; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào...

Chương trình gồm 10 dự án thành phần với nhiều mục tiêu khác nhau. Trong số đó, một trong những dự án được quan tâm, chú trọng tổ chức thực hiện là truyền thông, tuyên truyền, vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

Bộ TT&TT tập huấn tuyên truyền về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS  - Ảnh 2.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Thị Nhị Thủy phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Thịnh.

"Việc tổ chức hội nghị nhằm cung cấp một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận thông tin giai đoạn 2021-2025; đồng thời, thông tin về Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế -xã hội dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030" - bà Trần Thị Nhị Thủy cho hay.

Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu về chính sách giảm nghèo về thông tin giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025. 

Ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết: Theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, các tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản để xã định chuẩn nghèo đa chiều gồm 06 dịch vụ là việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. 

Tiêu chí thiếu hụt thông tin được Chính phủ đưa vào để xét chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ năm 2016. Nghèo thông tin được xét theo 3 khía cạnh: Thiếu người làm công tác tuyên truyền; thiếu cơ sở vật chất để làm công tác thông tin tuyên truyền; thiếu nội dung thông tin thiết yếu; ngoài ra còn 1 yếu tố có thể xem xét về nghèo thông tin nữa là thiếu phương tiện tiếp cận thông tin như tivi, điện thoại, đài phát thanh. Vì vậy, cần có sự phân biệt rõ ràng trong tuyên truyền về giảm nghèo thông tin và giảm nghèo bền vững. 

Dự án giảm nghèo về thông tin gồm hướng đến nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông; thiết lập các cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới và cung cấp nội dung thông tin phục vụ tuyên truyền ở các xã biên giới.

Đồng thời, cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo; trang bị hệ thống thiết bị thông tin cho các đồn biên phòng phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã; xây dựng, phát triển nền tảng công nghệ cung cấp xuất bản phẩm, báo điện tử.

Bộ TT&TT tập huấn tuyên truyền về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS  - Ảnh 4.

ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc trình bày về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh: Đức Thịnh.

Giới thiệu về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc cho biết mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là thu nhập bình quân tăng hai lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%. Trong đó có dự án truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình..

Ông Đinh Xuân Thắng chia sẻ: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay với dân số trên 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đang sinh sống ở 3/4 diện tích của cả nước và hoàn toàn sống ở vùng kinh tế - xã hội có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Với xuất phát điểm thấp nên đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

"Trong khi tỷ lệ dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,7% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số tính trên tổng số hộ nghèo cả nước năm 2015 là 45,25%, năm 2016: 48,22%, năm 2017: 52,66%, năm 2018: 55,27%, năm 2020: 61,29%, cao hơn 3 - 4 lần so với tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số và có xu hướng tăng lên rõ rệt" - ông Đinh Xuân Thắng dẫn chứng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem