Không phải là ngẫu hứng
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về quan điểm và chủ trương của Bộ NNPTNT về sản xuất lúa vụ 3 ở ĐBSCL, Bộ trưởng Phát cho biết: "Trước đây, có thời gian chúng ta cho rằng vụ 3 chỉ là vụ làm thêm, bà con thu hoạch được thì tốt, thậm chí có lúc chúng ta ngăn cản làm.
|
Nông dân quận Ô Môn (Cần Thơ) thu hoạch lúa vụ 3 ngập lũ. |
Nhưng gần đây, khi rà soát lại về tình hình nguồn nước, đặc biệt có nhìn tới tương lai của tác động của biến đổi khí hậu và dưới biển thì nước biển dâng lên, xâm nhập mặn sâu hơn, trên thượng du thì các nước sẽ sử dụng nước nhiều hơn. Tác động của biến đổi khí hậu có nghĩa là, lượng mưa sẽ tăng lên vào mùa mưa, nhưng lại giảm đi vào mùa khô.
Chúng tôi chủ trương điều chỉnh lại cơ cấu mùa vụ ở ĐBSCL và các vùng khác trong cả nước. Riêng tại vùng ĐBSCL, Bộ NNPTNT khuyến khích phát triển vụ 3 là vụ gieo cấy vào lúc ở đồng bằng đang có nhiều nước và sẽ thu hoạch vào cuối vụ mưa, đầu vụ khô. Như vậy, lúa cũng có chất lượng tốt hơn, đây là một chủ trương có tính chất lâu dài chứ không phải là ngẫu hứng".
Giải thích về ý kiến cho rằng, khi làm Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang, chính ông Phát cũng từng không khuyến khích làm lúa vụ 3, Bộ trưởng Phát nói rõ: “Khi tôi làm Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang, tôi cũng hiểu rất rõ rằng, nếu như làm lúa vụ 3 mà không có bờ bao thì rủi ro rất cao. Cho nên, chúng tôi đã yêu cầu các địa phương chỉ làm vụ 3 khi nào có bờ bao vững chắc. Vì thế, rất may năm nay lũ gần như ngang bằng với năm 2000 nhưng trong tổng số 644.000ha lúa vụ 3, chỉ có gần 7.000ha bị vỡ bờ bao và bị ngập.
Chúng tôi chủ trương sẽ tiếp tục cùng với các địa phương rà soát lại tổng thể quy hoạch của vụ 3 để xây dựng, củng cố hệ thống bờ bao, hướng dẫn cho bà con nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật. Một số nơi cần điều chỉnh lại về cơ cấu mùa vụ để đảm bảo thực hiện được tinh thần lấy nước mà không mất tiền vào đầu vụ và có được vụ thu hoạch an toàn".
Vụ 3 không nhất thiết phải trồng lúa
Về một số ý kiến băn khoăn cho rằng, nếu khuyến khích làm lúa vụ 3 sẽ ảnh hưởng tới việc cải tạo lại đất và diệt trừ sâu, bệnh, ông Phát cho hay: "Chúng tôi đã nghe ý kiến của một số nhà khoa học và đã chỉ đạo cơ quan khoa học thuộc Bộ theo dõi để có những bằng chứng khoa học.
Mặt khác, về nguyên tắc nông học, chúng tôi cũng khuyến cáo với các địa phương và bà con nông dân nên đa dạng hóa cơ cấu cây trồng. Đối với vụ 3, có thể không nhất thiết phải lúa, mà ở những nơi có điều kiện, thì nên làm thêm một vụ màu hoặc nuôi trồng thủy sản hay cây trồng khác, thay vì làm liên tục 3 vụ lúa.
Riêng tại vùng ĐBSCL, Bộ NNPTNT khuyến khích phát triển vụ 3 là vụ gieo cấy vào lúc ở đồng bằng đang có nhiều nước và sẽ thu hoạch vào cuối vụ mưa, đầu vụ khô.
Bộ trưởng Cao Đức Phát
Thậm chí, ở những nơi ngập sâu, không có điều kiện để làm màu thì có thể làm theo kiểu 2 năm làm lúa, 1 năm chủ động cho nước vào để lấy màu và thau chua, rửa phèn. Đồng thời, áp dụng các giải pháp nông học khác để đảm bảo không làm suy giảm độ phì nhiêu của đất".
Mới đây, Báo NTNN đã có loạt bài phản ánh về chủ trương làm lúa vụ 3 ở ĐBSCL. Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, chủ trương làm lúa vụ 3 là cần thiết, nhưng phải có sự tính toán, quy hoạch với tổng diện tích mỗi vụ không nên vượt quá 500.000ha.
Cũng về vấn đề này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NNPTNT cần quy hoạch vùng sản xuất lúa vụ 3 bảo đảm diện tích sản xuất lúa ổn định, an toàn để các địa phương có căn cứ triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết, chỉ đạo gieo cấy và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất.
Ngọc Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.