Cây gòn thân thiết với người dân vùng quê Trung Nghĩa, Vĩnh Long là thế nhưng họ không dùng gỗ gòn đóng bàn, ghế, tủ hay làm cột cất nhà mà chỉ dùng làm củi đốt do cây gòn dù nhiều tuổi, thẳng đuột, thân to nhưng độ bền của gỗ rất kém. Vậy mà sức sống cây gòn lại rất mạnh mẽ, chặt một nhánh nhỏ găm vào đất là có thể đâm chồi nảy lộc. Vì thế cây gòn được ưu tiên làm cầu khỉ không hề sợ mục mà hai đầu cây còn mọc lên những đọt non nho nhỏ rồi lớn dần theo thời gian, tạo khoảng xanh rợp bóng cho trẻ nhỏ vui đùa.
Cây gòn trong vườn cây (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Ngày trước, mẹ tôi cũng trồng một hàng gòn ở phía sau nhà, giữa những vườn cây trái xum xuê. Tôi nhớ, cứ vào dịp đầu xuân, những chồi non trên nhánh gòn khẳng khiu trơ lá bắt đầu nhú ra, rồi vươn lên xanh mướt. Nụ hoa bắt đầu xuất hiện theo thời gian, lớn dần bung thành năm cánh trắng mịn. Tôi yêu hoa gòn vì vẻ đẹp giản dị, thanh thoát hương quê chứ không cầu kỳ, kiêu sa như hoa hồng, hoa cẩm chướng chốn thị thành đô hội.
Tuổi thơ tôi có rất nhiều kỉ niệm đẹp với cây gòn. Trong khi mẹ và chị tôi thường hái lá gòn đem bán cho nhà máy xay lá gòn thành bột sử dụng trong nghề làm nhang hoặc làm thức ăn cho cá để lấy tiền chợ. Còn bọn trẻ hồn nhiên, vô tư chúng tôi lại hái lá gòn làm trò chơi thổi bong bóng. Bọn tôi chia thành hai nhóm, nhóm đi hái thật nhiều lá non vò với nước tạo thành thứ nước sền sệt; nhóm còn lại thì đi cắt lá dừa rồi tước lấy cọng. Cọng lá dừa quấn lại thành vòng tròn, nhún vào nước lá gòn, hít một hơi dài, cái môi nhỏ xíu cong lên thổi, những bong bóng nước từ lá gòn cũng đâu thua kém gì bong bóng xà phòng, rực rỡ sắc màu dưới ánh nắng rồi chợt vỡ oà, tan biến…
Hai cây gòn đầu con ngõ nhỏ (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Khi những trái gòn xanh ngả sang màu vàng nhạt, trơ trọi giữa trời rồi nứt ra khoe những chùm bông trắng muốt. Mẹ lấy cây sào dài đập những trái gòn khô rơi xuống đất rồi nhặt gom lại, đem về tách vỏ lấy bông dồn gối ngủ. Lúc ấy, chị em tôi được giao nhiệm vụ tách trái gòn khô ra làm hai để lấy sợi bông trắng muốt bên trong, công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẫn. Tôi làm được một lúc thì lấy cớ sợi bông bay vào mũi khó chịu, ngứa ngáy rồi chạy biến đi mà không quên gom theo những vỏ gòn khô để tìm lũ bạn làm thuyền thả xuống nước. Chiếc thuyền gòn được thả xuống kênh, cứ thế lắc lư, lắc lư.... Bẵng đi vài ngày, khi tôi đã quên mất những trái gòn ấy thì mẹ mang vào giường tôi những hai chiếc gối mới toanh, êm đềm, ấm áp. Tựa đầu vào gối, tôi ngủ thật ngon, thật sâu, những bông gòn kia hóa thân thành mẹ nâng niu, chiều chuộng giấc ngủ của tôi.
Giờ đây, cuộc sống của vùng thôn quê cũng đã khá lên, mọi người bận rộn, chăn ấm, nệm êm đắt tiền có sẵn, có mấy ai lấy bông gòn dồn gối nữa đâu. Tôi mừng về sự phát triển của quê nhà nhưng nhìn cây gòn nhỏ đầu ngõ sao cảm thấy nhớ những cây gòn thân to tươi tốt, xanh trái xum xuê xưa kia. Nhớ đến cây gòn là lại nhớ những trò chơi ghi dấu ấn một thời trẻ thơ và nhớ da diết hình ảnh mẹ tôi cặm cụi ngồi nhặt nhạnh từng sợi bông gòn dồn gối, rồi dỗ dành giấc ngủ tôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.