"Buộc" 15 chủ đầu tư trả lại 250 tỷ đồng phí bảo trì chung cư

Trần Kháng Thứ tư, ngày 07/04/2021 09:45 AM (GMT+7)
Bên cạnh việc chỉ ra hàng loạt các vi phạm là nguyên nhân chính dẫn tới tranh chấp trong chung cư, Thanh tra Bộ Xây dựng còn yêu cầu 15 chủ đầu tư phải trả lại 250 tỷ đồng kinh phí bảo trì của cư dân đã đóng.
Bình luận 0

Yêu cầu trả 250 tỷ đồng kinh phí bảo trì cho cư dân

Nội dung các Kết luận Thanh tra được Thanh tra Bộ Xây dựng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư tại một số dự án, công trình trên địa bàn TP Hà Nội vừa được công bố.

Liên quan đến các kết luận thanh tra tại một số nhà chung cư như: Chung cư Hope Residences do Công ty Cổ phần phát triển nhà Phúc Đồng là chủ đầu tư); Chung cư CT1, CT2A, CT2B và CT3 – Gelexia Riverside của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam; Tòa nhà hỗn hợp Hateco Hoàng Mai do Công ty Cổ phần Hateco Hà Nội làm chủ đầu tư; chung cư Intracom 1, Intracom Riverside của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; chung cư 17T1, 17T2 thuộc Dự án Khu nhà ở Trung Văn do Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông là chủ đầu tư; chung cư Riverside Garden do Công ty Cổ phần Tập đoàn Videc làm chủ đầu tư….

"Buộc" 15 chủ đầu tư trả lại 250 tỷ đồng phí bảo trì chung cư - Ảnh 1.

Thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì đã phát hiện nhiều vi phạm.

Tại các Kết luận Thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn đã yêu cầu chủ đầu tư chuyển trả số tiền 250 tỷ đồng (là số kinh phí quỹ bảo trì 2%) cho Ban quản trị nhà chung cư.

Bên cạnh đó, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 07 chủ đầu tư với số tiền 820 triệu đồng và buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ ngay phần lấn chiếm không gian sử dụng chung để trả lại cho cư dân.

Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND các cấp tăng cường việc kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, xử lý theo thẩm quyền quy định tại Điều 85 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ về các vi phạm của tổ chức, cá nhân theo Kết luận thanh tra.

6 vi phạm chính

Các kết luận cũng chỉ ra nhiều vi phạm, thiếu sót, tồn tại trong việc phối hợp quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư của chủ đầu tư, ban quản trị và chính quyền các cấp.

Theo đó, 06 vi phạm, tồn tại, nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân căng băng rôn, biểu ngữ khiếu nại gay gắt kéo dài được nêu trong 15 Kết luận thanh tra.

"Buộc" 15 chủ đầu tư trả lại 250 tỷ đồng phí bảo trì chung cư - Ảnh 3.

Nhiều điểm nóng tranh chấp chung cư đã xảy ra thời gian qua.

Cụ thể: Chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu: Việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là các chủ đầu tư không triệu tập đủ được số lượng người tham dự nhưng không báo cáo UBND phường để có trách nhiệm tổ chức hội nghị theo quy định là vi phạm quy định tại Thông tư số 02 năm 2016 của Bộ Xây dựng.

Chậm chuyển giao kinh phí bảo trì nhà chung cư: Khi Ban quản trị được thành lập và 02 bên đã thống nhất quyết toán số liệu kinh phí bảo trì, nhưng Chủ đầu tư chậm chuyển giao kinh phí bảo trì vào tài khoản của Ban quản trị đã mở là vi phạm Thông tư số 02 năm 2016 của Bộ Xây dựng. Có những chung cư chậm từ 1 đến 3 năm số tiền chậm chuyển lên đến 250 tỷ đồng.

Lấn chiếm, sử dụng không gian thuộc sở hữu chung sử dụng vào mục đích riêng của các chủ sở hữu: Việc "lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức" là vi phạm quy định Luật Nhà ở năm 2014.

Đa phần các nhà chung cư chưa quyết toán số liệu: Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tranh chấp, khiếu nại kéo dài trong đó có trách nhiệm của Chủ đầu tư và Ban quản trị.

Chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ hồ sơ nhà chung cư: Theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng hồ sơ nhà chung cư bao gồm 04 thành phần, tuy nhiên do chủ đầu tư thay đổi công năng, mục đích sử dụng, lấn chiếm, sử dụng các phần thuộc sở hữu chung nhà chung cư do đó dẫn đến việc ngại bàn giao hồ sơ, chậm bàn giao hồ sơ trung bình từ 24 đến 36 tháng.

Không mở tài khoản để gửi kinh phí bảo trì, mở tài khoản nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước để theo dõi quản lý: Thanh tra Bộ Xây dựng đã nêu rõ, nhiều chủ đầu tư chưa mở tài khoản kinh phí bảo trì trong thời gian 07 ngày kể từ ngày thu kinh phí của khách hàng để tạm quản lý, hoặc mở tài khoản nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở chung cư đó biết là vi phạm Điều 109 Luật Nhà ở năm 2014.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem