Cả làng ở Hà Tĩnh ăn nên làm ra chỉ với nghề ngồi nhà bện chổi đót
Cả làng ở Hà Tĩnh ngồi nhà vẫn sống “khỏe” với nghề làm ra thứ thiên hạ ai cũng dùng đến
Tập Thỏa
Thứ năm, ngày 27/10/2022 14:00 PM (GMT+7)
Theo người dân địa phương, làng làm chổi đót ở thôn Hà Ân, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) có tuổi đời hơn 150 năm. Nhờ nghề truyền thống này, khoảng 160 hộ dân nơi đây kinh tế đều khá giả, thu nhập ổn định.
Làng Hà Ân, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm chổi đót truyền thống. Hiện nay, có khoảng 160 hộ dân đang tiếp tục làm, phát triển nghề truyền thống, mang về nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Sau những ngày làm việc đồng áng, đi dọc theo các tuyến đường ở thôn Hà Ân đâu đâu cũng thấy người dân ngồi quay quần bên nhau, tay thoăn thoắt bó những chùm chổi đót. Tay làm miệng nói, không khí rôm rả, ấm áp cả một vùng quê.
Theo những cao niên trong làng cho biết, làm chổi đót được xem như là nghề truyền thống của địa phương, có tuổi đời khoảng 150 năm. Từ công việc này đã giúp người dân có thêm thu nhập để trang trãi cuộc sống, nuôi các con ăn học thành tài.
Đang bận rộn làm làm chổi đót, ông Phạm Văn Quang (trú tại thôn Hà Ân, xã Thạch Mỹ), chia sẻ: "Gia đình tôi làm nghề chổi đót lâu đời, đến đời tôi cũng tiếp tục làm nghề này (nay đã được hơn 30 năm). Nhờ công việc này, gia đình tôi đã có thêm thu nhập để trang trãi cuộc sống, nuôi các con ăn học. Nghề trải qua bao thế hệ, để nghề khỏi mai một, tôi cũng đang bày dạy cho con cháu trong gia đình học và giữ lấy nghề của cha ông.
Trước đây, bông đót được chúng tôi thu mua ở các tỉnh phía bắc như: Điện Biên, Thái Nguyên, Lạng Sơn… nhưng hiện nay nguồn cung khan hiếm, tôi phải mua hàng nhập về từ Lào. Đót dùng làm chổi là những cây được cắt khi còn xanh, chưa nở hoa".
Theo ông Quang, vụ mùa đót bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 2 (Al) năm sau, người dân làm nghề phải mua đót về phơi khô, dự trữ dùng cho cả năm. Mỗi năm, trung bình một hộ dân dự trữ từ 10-15 tấn đót, được mua với giá 24-30 triệu đồng/tấn (tùy thuộc vào chất lượng). Sau khi làm thành phẩm, mỗi tấn đót giúp nông dân bỏ túi từ 10-12 triệu đồng (đã từ mọi chi phí).
Người dân làm nghề cho biết, bên cạnh làm nông nghiệp, chổi đót cũng được bà con làm quanh năm. Tuy là nghề phụ, nhưng lại mang nguồn thu nhập chính cho các hộ dân nơi đây. Một người có tay nghề tốt, sẽ làm được khoảng 20 chiếc chổi/ngày, thu nhập 4-4,5 triệu/tháng.
"Chổi được tạo thành từ nhiều bông đót khác nhau. Khi cuốn các bông đót người thợ phải chú ý quấn đều, chặt tay, nếu cuốn lỏng thì chổi rất nhanh sẽ bị bung ra khi sử dụng. Là sản phẩm làm bằng phương pháp thủ công, nên người thực hiện phải cần cù, khéo léo, cẩn thận để cho ra sản phẩm chất lượng.
Công việc này rất phù hợp với khu vực nông thôn, bà con sẽ tranh thủ được lúc nông nhàn. Từ người già cho đến trẻ nhỏ, những ai sinh ra từ làng quê này đều biết làm chổi đót" - bà Tô Thị Trâm (44 tuổi, trú tại xã Thạch Mỹ) bật mí:
Hiện nay gia đình bà Trâm cho ra thị trường 2 loại chổi là chổi cán nhựa và cán đót. Mỗi ngày gia đình bà Trâm làm được gần 100 chiếc chổi đót (gồm chổi cán nhựa và cán đót).
Bà Trâm cho biết, chổi cán nhựa giá 16.000-20.000 đồng/chiếc, lãi khoảng 4.000 đồng. Chổi cán đót bán 25.000-30.000 đồng, lãi một chiếc 10.000 đồng. Chổi cán đót làm mất thời gian hơn ở công đoạn xâu chân tít và buộc cán, do vậy người dân ít sản xuất, chỉ làm theo đơn đặt hàng.
Mỗi tháng doanh thu từ làm chổi 40-50 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí mua vật liệu lãi 12 triệu đồng", bà Trâm nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Văn Thân- Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ, cho biết: "Nghề làm chổi đót tại thôn Hà Ân được xem là nghề truyền thống tại địa phương, ước tính đã trải qua hơn 150 năm. Năm 2016, làng nghề chổi đót được công nhận là làng nghề truyền thống.
Hiện nay có khoảng 160 hộ dân tham gia trực tiếp trong việc sản xuất, buôn bán chổi đót. Đây là nghề phụ nhưng mang lại nguồn thu nhập chính cho bà con. Mỗi lao động lành nghề có thể mang về 5-6 triệu đồng/tháng, giúp góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Ngoài ra, trong các giai đoạn cao điểm, làng nghề còn giải quyết việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống".
"Làm chổi đót từ người già đến trẻ nhỏ, không kể gái hay trai. Nghề làm chổi đót chủ yếu sản xuất thủ công theo hộ gia đình, không đòi hỏi trình độ cao, cần sự cần cù, khéo léo mới cho ra đời những cây chổi vừa bền, vừa đẹp.Hiện chính quyền địa phương đang khuyến khích bà con mở rộng quy mô bằng cách hỗ trợ vay vốn và định hướng quy hoạch bãi tập kết vật liệu giúp bà con làm nghề" - ông Lê Văn Thân- Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ, thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.